Để học sinh thích nghi với chương trình lớp 1 mới

11:10, 19/10/2020

(LĐ online) - Sau hơn 1 tháng thực hiện dạy và học sách giáo khoa (SGK) mới, giáo viên (GV) và học sinh (HS) lớp 1 ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thích nghi với phương pháp dạy và học mới. 

(LĐ online) - Sau hơn 1 tháng thực hiện dạy và học sách giáo khoa (SGK) mới, giáo viên (GV) và học sinh (HS) lớp 1 ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thích nghi với phương pháp dạy và học mới. 
 
Học sinh được tiếp cận với chương trình dạy và học SGK mới với nhiều ưu điểm, cải tiến rõ rệt
Học sinh được tiếp cận với chương trình dạy và học SGK mới với nhiều ưu điểm, cải tiến rõ rệt
 
HS dần quen chương trình mới
 
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa lớp 1. Có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ GD-ĐT phê duyệt triển khai từ năm học 2020 - 2021. Các trường cũng được tự chủ chọn bộ SGK phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và năng lực của HS. 
 
Tại TP Đà Lạt, 100% các trường học chọn sách Toán và Tiếng Việt của bộ sách “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam do các tác giả phía Nam biên soạn. Theo nhận định chung, các bộ SGK mới có bố cục, hình thức trình bày đẹp và sinh động.
 
Cô Nguyễn Thị Huyền – GV chủ nhiệm lớp 1A Trường Tiểu học Đa Thiện (Phường 8, TP Đà Lạt) chia sẻ: Bộ SGK mới phân bổ kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của chương trình, vừa phù hợp với sức học của đa số HS. Trong 1 tiết học, HS được thực hiện đầy đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thông qua các hoạt động giúp phát triển năng lực. Bên cạnh đó, bộ sách cũng chú trọng vào việc phát triển năng lực và phẩm chất cho HS, khích lệ sự hứng thú của các em trong học tập.
 
Ngoài ra, sách giáo khoa mới có nhiều hình ảnh minh họa. Học sinh hiểu bài nhanh và làm các bài tập một cách dễ dàng. Sách dạy những điều gần gũi, thiết thực với HS lớp 1.
 
Em Phan Thị Khánh Linh - HS lớp 1A Trường Tiểu học Đa Thiện nói: “Các giờ học đánh vần cháu đều hiểu và học được. Mỗi tối về nhà, bố mẹ cũng có dạy kèm them nên cháu theo kịp mỗi giờ học trên lớp”. 
 
Cô Mai Thị Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Môn Tiếng Việt lớp 1 không đặt yêu cầu quá cao về tập viết, thời gian học của HS chiếm thời lượng 60%; trong đó, viết chỉ thực hiện khoảng 25%, thời gian còn lại dành cho các kĩ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Do vậy, trong quá trình mới bắt đầu dạy học, HS mới làm quen cách học Tiếng Việt thì giáo viên không quá chú trọng vào viết chữ, bắt HS luyện viết nhiều sẽ làm cho các em vất vả, mệt mỏi dẫn đến không thích học.
 
“So với phương pháp giảng dạy SGK ở chương trình cũ, trong một tiết học, GV phải chuyển tải kiến thức đại trà theo quy định, còn việc tiếp nhận như thế nào là tùy từng HS. Với chương trình mới, GV sẽ dạy theo khả năng của HS. Nếu HS giỏi, thể hiện năng lực tốt, thì GV sẽ dạy sâu hơn, còn những HS khác, GV sẽ dạy nhẹ nhàng hơn” – cô Thủy cho hay.
 
Theo cô Thủy, qua việc thực hiện tăng cường dự giờ, thăm lớp cho thấy, tỷ lệ HS theo kịp chương trình tại nhà trường đạt 80% trở lên. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện chuyên đề nhằm hỗ trợ thường xuyên cho GV trong quá trình thực hiện chương trình, triển khai kế hoạch cho đội ngũ GV cốt cán, kịp thời giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cho thầy và trò lớp 1. 
 
Nhiều xã khó khăn được xã hội hóa 100% SGK
 
Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lạc Dương cho biết: Việc lựa chọn SGK trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Kết quả 8/8 trường tiểu học trên địa bàn các xã, thị trấn đã lựa chọn bộ sách số 1 là “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Mặc dù, toàn huyện có 70% HS lớp 1 là người đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên việc dạy và học theo bộ sách giáo khoa mới đến nay đã đi vào ổn định. Toàn bộ 100% HS đều được trang bị đầy đủ SGK. Riêng 3 xã khó khăn là Đạ Chais, Đạ Sar, Đưng Knớ được xã hội hoá 100% SGK. 

 

Giáo viên linh hoạt – phụ huynh đồng hành
 
Theo cô Nguyễn Thị Huyền, nét nổi bật nhất là phần chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, HS không hề phải học nặng hơn. 
 
Ngoài ra, chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm giúp HS đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Do đó, ở mỗi hoạt động, GV có quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng HS và điều kiện thực tế của từng trường.
 
Một ưu điểm khác của SGK lớp 1 mới là đều có phiên bản điện tử. Cụ thể, ở mặt sau mỗi cuốn sách đều có tem cho phép người dùng truy cập vào sách điện tử. Sách điện tử có các video hoạt hình hóa nội dung. Bài tập sử dụng công nghệ thông tin tạo ra sự tương tác, có khả năng hồi đáp - đánh giá kết quả làm bài tập của người học. Thông qua tivi thông minh, màn hình máy chiếu trên lớp, GV sử dụng SGK điện tử để truyền đạt kiến thức tới HS một cách thuận tiện. 
 
Tuy nhiên, GV vất vả hơn trong giảng dạy, bởi trong khi bộ sách dành cho GV đã được soạn giảng đầy đủ kiến thức bài học nhưng các cô giáo lại phải soạn lại giáo án cho các tiết dạy. Ngoài ra, với việc HS lớp 1 học cả 2 buổi/ngày, GV phải linh hoạt khi tổ chức các hoạt động học trên lớp, vừa ôn luyện, vừa tổ chức trò chơi học tập hợp lý, chú ý không gây mệt mỏi cho HS. 
 
Ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng GDTH Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: Qua hơn 1 tháng dạy và học, nhiều phụ huynh có các ý kiến cho rằng kiến thức nặng khiến các con học hành vất vả. Thực chất, nội dung chương trình Tiếng Việt lớp 1 mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, trong khi môn Toán chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1. 
 
Theo ông Hải, tâm lý chung của phụ huynh là mong muốn con em mình nhanh biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, thực tế khách quan cho thấy, lớp 1 thực hiện dạy học 1 tháng trong bối cảnh năm học 2019-2020 trẻ mầm non 5 tuổi nghỉ kéo dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. 
 
Năm học này, HS tựu trường muộn hơn so với những năm trước khoảng 2 tuần, HS chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm quen với trường, lớp, cô giáo, bạn bè, việc chuẩn bị tâm thế và trang bị những kĩ năng cần thiết cho HS trước khi chính thức học chương trình lớp 1 có những khó khăn, đặc biệt ở những trường có sĩ số HS đông. 
 
“Đối với chương trình giáo dục mới hiện nay, GV tự chủ, linh hoạt sáng tạo trong dạy học, cha mẹ HS đồng hành thì dạy học Tiếng Việt lớp 1 sẽ không còn khó khăn. Do đó, rất mong các bậc cha mẹ, phụ huynh HS luôn tin tưởng và đồng hành cùng với các nhà trường” – ông Hải cho hay. 
 
HOÀNG SA