Đơn Dương có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao

12:10, 28/10/2020

(LĐ online) - Theo Quyết định số 2436/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 27/10, 3 xã Ka Đô, Quảng Lập và Lạc Lâm của huyện nông thôn mới Đơn Dương đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.

(LĐ online) - Theo Quyết định số 2436/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 27/10, 3 xã Ka Đô, Quảng Lập và Lạc Lâm của huyện nông thôn mới Đơn Dương đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020.
 
Bộ mặt nông thôn của Quảng Lập đã có nhiều thay đổi kể từ khi xã xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Báu
Bộ mặt nông thôn của Quảng Lập đã có nhiều thay đổi kể từ khi xã xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Báu
 
Theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 – 2020, các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; đồng thời, đáp ứng các tiêu chí như: Tỷ lệ đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận lợi quanh năm đạt trên 75%; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt từ 90% trở lên; số hộ dân trên địa bàn xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt bằng hoặc trên 99%; số trường học các cấp từ mầm non đến THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên; số hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định từ 85% trở lên.
 
Ở tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân thì thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,3 lần trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm được công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã phải có tỷ lệ dưới 1% (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định hoặc do tai nạn rủi ro, bất khả kháng, bệnh hiểm nghèo).
 
Đồng thời, các xã cũng phải có vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực của xã; có từ 1-2 mô hình trở lên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt doanh thu trên một đơn vị diện tích cao gấp 1,5 lần so với mặt bằng chung của tỉnh.
 
Để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 100% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện việc xử lý nước thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững; 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 70% số hộ dân được sử dụng nước sạch.
 
Hội trường và chợ được xâ dựng khang trang để phục vụ tốt hơn cho đời sống của người dân Quảng Lập. Ảnh: Văn Báu
Hội trường và chợ được xâ dựng khang trang để phục vụ tốt hơn cho đời sống của người dân Quảng Lập. Ảnh: Văn Báu
 
Riêng đối với những xã có rừng, trong 2 năm liền kề (kể cả năm xét, công nhận đạt xã nông thôn mới nâng cao) không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xã và cũng trong 2 năm liền kề không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm trên địa bàn xã.
 
Ka Đô, Quảng Lập và Lạc Lâm là 3 xã đầu tiên của Đơn Dương được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là 3 xã luôn có thành tích vượt trội, tiêu biểu với nhiều cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới không chỉ riêng trong phạm vi của huyện Đơn Dương.
 
Theo thông tin từ Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, hiện tại toàn tỉnh đã có 6 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài 3 xã của Đơn Dương vừa được công nhận, trước đó, các xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà), Gia Viễn (huyện Cát Tiên) và Hòa Ninh (huyện Di Linh) cũng đã được công nhận.
 
LINH ĐAN