Thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm đẩy mạnh...
Thời gian qua, phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng đã được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm đẩy mạnh; nhiều mô hình khuyến học như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”... được xây dựng và phát triển, tạo điều kiện và cơ hội cho người dân trên địa bàn được học tập thường xuyên và suốt đời.
Theo bà Nguyễn Lê Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, xác định nhiệm vụ xây dựng “Xã hội học tập” là mục tiêu trọng tâm và lâu dài, hàng năm, Đảng ủy xã Hiệp Thạnh đã ban hành nghị quyết và công văn chỉ đạo về nhiệm vụ xây dựng “Xã hội học tập” trên địa bàn xã. Dựa trên cơ sở đó, UBND xã Hiệp Thạnh đã ban hành các quyết định, các kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập (XHHT) bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, UBND xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng XHHT giai đoạn 2016 - 2020; gắn kết chặt chẽ phong trào “Xây dựng XHHT” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Các ban, ngành, đoàn thể xã, các đơn vị, cơ quan, trường học, các thôn trên địa bàn xã Hiệp Thạnh đã đưa nhiệm vụ tổ chức học tập suốt đời cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân ở địa phương vào kế hoạch công tác hàng năm và quyết tâm thực hiện. Địa phương vận động các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế hỗ trợ về tài chính; phối hợp với các cấp chính quyền tạo điều kiện về cơ sở vật chất để mọi người ở mọi nơi được học tập thường xuyên, học tập liên tục, học tập suốt đời...
Qua đánh giá, 100% hộ gia đình có con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, các trường thực hiện tốt công tác huy động học sinh đầu cấp, tỷ lệ duy trì sĩ số hàng năm trên 99%. Việc học của người lớn cũng luôn được quan tâm, từ việc tìm hiểu thông tin qua sách báo, đài, ti vi, phim ảnh, mạng internet, người lớn còn được tham gia học tập học từ xa hoặc học trực tiếp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị tuyên truyền, các lớp nghề ngắn hạn do các cấp tổ chức trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Tổng số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2, đạt tỷ lệ 97%.
Hàng năm, thông qua hoạt động khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học xã, các chi hội khuyến học ở các trường thường xuyên tổ chức phát thưởng cho các em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không để các em bỏ học nửa chừng. Việc học của trẻ em, của người lớn trong gia đình đã có tác động tích cực đến phát triển lao động, đời sống kinh tế của gia đình ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2019 là 87 triệu đồng (tăng 35 triệu so năm 2016). Trong năm 2019 có 4.252/4.572 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt tỷ lệ 93% và dự kiến năm 2020, tỷ lệ đạt “gia đình học tập” là 94%.
Cũng theo bà Nguyễn Lê Đăng Khoa, ước tính toàn xã có trên 30 dòng họ khác nhau, các họ chia ra nhiều chi, nhiều nhánh. Có nhiều dòng họ đã thành lập nhà thờ của tộc mình để thờ cúng tổ tiên và là nơi tập hợp con cháu trong những ngày lễ trọng của tộc, của đất nước. Bên cạnh đó, nhiều người đến từ một vùng miền giống nhau tập hợp lại thành hội đồng hương cũng nhằm mục đích tập hợp những người có cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng chung phong tục tập quán chia sẻ khó khăn, hoạn nạn, thăm ốm đau,... Triển khai xây dựng mô hình “Dòng họ học tập, Hội đồng hương học tập”, đến nay, xã có 2 hội đồng hương được công nhận “Hội đồng hương học tập”, 1 dòng họ được công nhận là “Dòng họ học tập”. Ngoài ra, 5/5 thôn trong toàn xã đã được công nhận là thôn văn hóa và cả 5/5 thôn đều đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” trong 4 năm qua.
N.MINH