Người ''giữ lửa'' truyền thống khuyến học - khuyến tài

06:10, 23/10/2020

Dù công tác ở cương vị nào, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng (khóa IV) luôn dành hết tâm huyết cho việc học tập. Thầy là người "giữ lửa" truyền thống khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập tỉnh Lâm Đồng suốt 20 năm qua.

Dù công tác ở cương vị nào, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng (khóa IV) luôn dành hết tâm huyết cho việc học tập. Thầy là người “giữ lửa” truyền thống khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập (XHHT) tỉnh Lâm Đồng suốt 20 năm qua.
 
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc trao học bổng từ “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng” cho học sinh nghèo vượt khó
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc trao học bổng từ “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng” cho học sinh nghèo vượt khó
 
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT từ khi còn công tác trong ngành Giáo dục. Khi Đại hội lần thứ I Hội Khuyến học Việt Nam (1996 - 1999) diễn ra, lúc này Lâm Đồng chưa có tổ chức Hội Khuyến học. Đến Đại hội II (1999 - 2005) của Hội Khuyến học Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã soạn thảo các văn bản xin Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập Ban vận động và thành lập Ban chấp hành lâm thời. Khi đó, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc đang là Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh đã đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch thường trực. Ban chấp hành lâm thời đã tuyên truyền, vận động các huyện, thị, thành phố để thành lập tổ chức Hội cấp huyện; đồng thời, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng.
 
Ngày 23/10/2000, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 113/2000/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng. Sau 2 năm chuẩn bị, Đại hội lần I (2002 - 2006) Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng diễn ra vào ngày 10/4/2002, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch thường trực và giữ vai trò này tiếp ở Đại hội II (2006 - 2010). Đến Đại hội III (2010 - 2015), Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc khi đó là Giám đốc Sở GDĐT tiếp tục là Phó Chủ tịch Hội. Và đến Đại hội IV, khi vừa hoàn thành những năm tháng gắn bó với sự nghiệp “trồng người” sau hơn 36 năm, thầy được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng. 
 
Trong suốt thời gian tham gia công tác Hội Khuyến học từ khi Hội chỉ mới thành lập Ban chấp hành lâm thời đến khi là Chủ tịch Hội, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc đã cùng Ban chấp hành Hội xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội Khuyến học các cấp. Sau 20 năm thành lập, các tổ chức Hội phát triển sâu rộng ở khắp các thôn, buôn, tổ dân phố, các cơ quan, trường học và các tổ chức xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 2.712 tổ chức Hội, gồm 12 Hội cấp huyện, 142 Hội Khuyến học phường xã, 2.245 Chi hội Khuyến học cơ sở, 310 Ban Khuyến học. Cùng với đó, công tác hội viên phát triển nhanh, đặc biệt sự phát triển hội viên ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn tỉnh có 206.103 hội viên, chiếm tỷ lệ 15,95% so với tổng số dân.
 
Phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập được các cấp Hội quan tâm. Tập trung xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, hội đồng hương học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập tạo nên phong trào xây dựng XHHT thường xuyên, rộng khắp. Kết quả của phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập thể hiện tại các đại hội biểu dương các mô hình học tập. Việc triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” được lồng ghép, phối hợp với việc đăng ký thực hiện các mô hình học tập gắn với “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã nông thôn mới”. 
 
Hội Khuyến học các cấp đã vận động, xây dựng quỹ hội để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, động viên những tấm gương học tập tiêu biểu và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc cùng Ban chấp hành Hội đã tham mưu xây dựng “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng”. Qua hơn 4 năm phát động, “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng” đã phát triển mạnh, số tiền quỹ tăng lên hàng năm. Qua đó, động viên kịp thời học sinh nghèo vươn lên trong học tập cũng như khuyến khích học sinh giỏi tiếp tục phấn đấu đạt thành tích cao hơn. Đồng thời, góp phần tích cực vào việc hỗ trợ nhà trường chống bỏ học, thất học với phương châm “không để con em gia đình khó khăn vì hoàn cảnh phải bỏ học”.
 
TUẤN HƯƠNG