Phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập tiêu biểu

06:10, 23/10/2020

Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta, còn xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học cả nước...

Khuyến học, khuyến tài là đạo lý của dân tộc ta, còn xây dựng xã hội học tập (XHHT) là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò nòng cốt của phong trào khuyến học cả nước, có nhiệm vụ chính trị là xây dựng XHHT từ cơ sở xã, phường, thôn, bản, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Học nữa, học mãi, học không bao giờ cùng”.
 
Phong trào học tập suốt đời được đẩy mạnh, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Việt Hùng
Phong trào học tập suốt đời được đẩy mạnh, góp phần xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Việt Hùng
 
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu “đẩy mạnh học tập trong Nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một XHHT”. Để khơi dậy và phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc, ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg  về “xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010”, đây là văn kiện đầu tiên  của Chính phủ về xây dựng XHHT ở nước ta.
 
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11- CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Theo Chỉ thị này, các cấp ủy đảng phải tiến hành đánh giá Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010” của Thủ tướng Chính phủ, mau chóng tìm ra mô hình XHHT hợp lý. Đề tài cấp nhà nước đã giao cho Hội Khuyến học Việt Nam và được nghiệm thu ngày 31/12/2009. Từ đây, mô hình xây dựng XHHT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam đã được khẳng định về phương diện lý thuyết.
 
Ngày 10-11/12/2004, Đại hội biểu dương gia đình hiếu học lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội, với 350 đại biểu của gia đình hiếu học (GĐHH) xuất sắc đại diện cho 1.234.345 gia đình đạt GĐHH trong cả nước về dự Đại hội.
 
Mô hình GĐHH ra đời đã phát huy mạnh mẽ và sâu rộng trong cả nước. Tiếp theo đó là mô hình “Dòng họ khuyến học” (DHKH) và “Cộng đồng khuyến học” (CĐKH) đã từng bước ra đời và nhân rộng khắp cả nước.
 
Ngày 9/10/2007, Đại hội biểu dương những GĐHH và DHKH lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Về dự có 321 GĐHH đại diện cho 3.500.000 GĐHH trong cả nước và 70 DHKH đại diện cho gần 3.000 DHKH cả nước (tỉnh Lâm Đồng có 5 GĐHH tiêu biểu cho toàn tỉnh về dự Đại hội này).
 
Đại hội biểu dương những GĐHH và DHKH lần thứ III được tổ chức vào ngày 9/10/2013 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội này mở rộng thêm  mô hình CĐKH. Về dự có 176 đại biểu đại diện cho 5.000.000 GĐHH, 75 đại biểu đại diện cho gần 60.000 DHKH cả nước và 75 đại biểu đại diện cho hơn 300.000 CĐKH. Tỉnh Lâm Đồng có 5 đại biểu tiêu biểu của tỉnh về dự.
 
Đặc biệt, từ khi có Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Chính phủ về phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 và Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ GDĐT thì 4 mô hình xây dựng XHHT ra đời: Mô hình GĐHH, DHHH được đổi thành GĐHT, DHHT; cộng đồng khuyến học được thay bằng “Cộng đồng học tập cấp xã” và cộng đồng học tập cấp tổ, thôn. Các mô hình xây dựng XHHT phát triển mạnh mẽ từ năm 2017 đến năm 2020. Ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp còn có mô hình đơn vị học tập (ĐVHT) để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có tiêu chí học tập phù hợp với vị trí công việc của mình.
 
Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg  ngày 20/2/2014 của Chính  phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành  Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”; ban hành Kế hoạch số 2547/KH-UBND ngày 13/5/3016 về việc triển khai các mô hình học tập ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 và xây dựng mô hình điểm “Cộng đồng học tập” cấp xã năm 2016.
 
Kết quả đến năm 2020, toàn tỉnh có 239.610 GĐHT, đạt tỷ lệ 75,94%; 263 DHHT, đạt tỷ lệ 40,52%; 1.328 CĐHT (trong đó có 145 CĐHT cấp xã), tỷ lệ 89,49%; 793 ĐVHT, tỷ lệ 77,92%. Đại hội biểu dương cấp huyện đã lựa chọn 24 GĐHT, 18 DHHT (hoặc Hội đồng hương học tập), 33 CĐHT và 34 ĐVHT tiêu biểu về dự Đại hội tiêu biểu cấp tỉnh. Đây là những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa xây dựng các mô hình XHHT của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020.
 
Đại hội biểu dương các GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT tiêu biểu toàn tỉnh đúng vào dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng (23/10/2000-23/10/2020) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển Hội Khuyến học các cấp của tỉnh Lâm Đồng.
 
Tiếp tục giai đoạn mới 2021-2030, dưới ánh sáng của Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11- CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT”; Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;  đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT của cả nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng sẽ phát triển lên tầm cao mới. Qua đó, góp phần xây dựng KT-XH của tỉnh phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đề ra. Các mô hình Công dân học tập, GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT  sẽ hoàn thiện hơn về phương diện lý luận, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, sự nghiệp xây dựng XHHT, góp phần tích cực cho công cuộc CNH-HĐH đất nước.
 
Nhà giáo Ưu tú NGUYỄN XUÂN NGỌC - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng