Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, UBND huyện Lâm Hà đang vận động rộng rãi đến các tổ chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp từng bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, UBND huyện Lâm Hà đang vận động rộng rãi đến các tổ chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp từng bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.
|
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa UBND huyện đang đặt tại Bưu điện Lâm Hà |
Vận động dân
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho Bưu điện được UBND huyện Lâm Hà xác định là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC), triển khai Chính phủ điện tử tại địa phương những năm gần đây.
Làm tốt được 2 nhiệm vụ này, theo UBND huyện, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương, giúp các cơ quan nhà nước giảm tải được áp lực công việc, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, doanh nghiệp và cả cơ quan hành chính trong nhiều mặt như thời gian, công sức, chi phí đi lại, tiết kiệm văn phòng phẩm… mà còn tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Trong chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua Bưu điện, Lâm Hà chính là một trong 4 huyện, thành được Lâm Đồng chọn triển khai thí điểm việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu chính công ích từ tháng 4/2019. Trong đầu năm 2020 này, Lâm Hà cũng là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện việc chuyển bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) của huyện sang đặt tại Bưu điện huyện, để thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ ngay tại Bưu điện huyện.
Trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Lâm Hà đến nay đã đầu tư nhiều trang thiết bị như máy tính, máy quét (Scan), hệ thống kết nối không dây (Wifi) tại bộ phận một cửa huyện cũng như bộ phận một cửa một số xã, thị trấn trong huyện, nhằm hỗ trợ công dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Huyện đã đưa toàn bộ 100% TTHC vào áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các TTHC theo quy định.
Cùng đó, huyện thông báo rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn về việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có kèm theo tài liệu hướng dẫn, nhằm vận động, khuyến khích mọi người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Huyện yêu cầu công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa các cấp có trách nhiệm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều hình thức như qua giao dịch trực tiếp, qua hộp thư điện tử, qua điện thoại…
Hằng năm huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho những người trực tiếp làm việc tại bộ phận một cửa các cấp để sử dụng, vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Để dần làm quen với dịch vụ công trực tuyến, huyện yêu cầu bộ phận một cửa các cấp không tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và của UBND các xã, thị trấn chỉ nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa bằng hồ sơ giấy.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Hà đã cung cấp 41 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 10 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và sắp đến sẽ có thêm các bổ sung theo qui định. Tính từ 1/1/2020 đến nay, huyện đã tiếp nhận được 998 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 3 hồ sơ mức độ 4.
Những khó khăn
Như đánh giá của UBND huyện, có không ít những khó khăn trong việc vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên địa bàn huyện hiện nay.
Trước nhất, công tác vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay nhiều người dân chưa biết phải tìm các dịch vụ công trực tuyến ở đâu, sử dụng như thế nào. Cùng đó, để sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải có máy tính, có kết nối mạng, phải trang bị điện thoại thông minh nhưng đâu phải gia đình nào trong huyện cũng có điều kiện, nhất là nông dân, người dân tộc thiểu số, nhiều người cả đời chưa dùng đến máy tính.
“Doanh nghiệp thì có thể được chứ người dân đến nay trong vùng nông thôn, trong vùng sâu chưa có thói quen sử dụng, rất ngại khi nghe nói đến dịch vụ công trực tuyến, cứ hồ sơ giấy cho chắc” - bà Trương Thị Mến, cán bộ phụ trách bộ phận một cửa UBND huyện Lâm Hà đang đặt tại Bưu điện huyện cho biết.
Cũng phải nói rằng trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ của một số cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã vẫn còn những hạn chế; cùng đó, một số TTHC còn khá phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, do vậy không dễ để áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Chính vì vậy, UBND huyện Lâm Hà cho biết trong thời gian đến vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Cùng đó, huyện cho biết sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo cùng việc mở rộng đối tượng tham gia tập huấn. Huyện cũng cho biết trong thời gian đến, tiếp tục nâng cấp và đầu tư trang thiết bị công nghệ một cách đồng bộ từ huyện đến UBND cấp xã, thị trấn, trong đó tập trung đầu tư cho bộ phận một cửa huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn để khi cần có thể hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng.
VIẾT TRỌNG