Trong 5 năm qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X giao: Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 ước đạt 1,02%; tỉ lệ xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 97,3%; bác sĩ/1 vạn dân đạt 7,8 và tỉ lệ người dân tham gia BHYT tính đến năm 2019 đạt 87,3%.
Trong 5 năm qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ X giao: Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 ước đạt 1,02%; tỉ lệ xã, phường đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 97,3%; bác sĩ/1 vạn dân đạt 7,8 và tỉ lệ người dân tham gia BHYT tính đến năm 2019 đạt 87,3%.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi về công tác dược tại Trạm Y tế xã Tân Văn (Lâm Hà). Bộ Y tế đánh giá cao Lâm Đồng triển khai tốt hoạt động các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình |
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động y tế công lập
BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 16/4/2018 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Cụ thể: Năm 2016, toàn ngành có 41 đơn vị (17 đơn vị tuyến tỉnh và 24 đơn vị tuyến huyện), đến năm 2019 đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy giảm 17 đơn vị. Như vậy, năm 2020, toàn ngành có 24 đơn vị, trong đó: Tuyến tỉnh 12 đơn vị, tuyến huyện 12 đơn vị. Trung tâm y tế huyện, thành phố quản lý 23 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực; 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn quản lý 1.592 nhân viên y tế thôn bản tại 1.592 thôn bản, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 100%.
Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn nhân lực y tế tỉnh Lâm Đồng đã phát triển về số lượng và trình độ đào tạo ở các tuyến. Năm 2020, tổng số cán bộ trong toàn ngành là 4.796 người so với năm 2011 là 4.556 người (tăng 5,3%). Chất lượng, cơ cấu trình độ cán bộ chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ cán bộ đại học và sau đại học, giảm tỉ lệ cán bộ trung và sơ cấp. Tỉ lệ bác sỹ/vạn dân từ 7,0 (năm 2016) lên 7,8 (năm 2020); tỉ lệ dược sỹ đại học/vạn dân từ 0,7 lên 0,9.
Công tác y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội và dịch bệnh nguy hiểm được triển khai đồng bộ. Không để xảy ra các vụ dịch lớn, khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và chết do dịch bệnh lưu hành tại địa phương như sốt rét, sốt xuất huyết, cúm A, bạch hầu, tay chân miệng… và các bệnh dịch mới nổi lên như cúm gia cầm, COVID-19...
Đầu năm 2020, ngành Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19: thông tin, truyền thông về dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ điều kiện phòng chống dịch, giám sát, xử lý môi trường, thực hiện cách ly người có nguy cơ đến từ vùng dịch… Trong giai đoạn 1 đã thực hiện cách ly 913 người và giai đoạn 2 ngành Y tế đã phối hợp hoàn thành cách ly 2.099 trường hợp theo quy định, không có ca bệnh COVID-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cơ bản đạt được các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số
Ngành Y tế đã triển khai thực hiện và cơ bản đạt được các chỉ tiêu Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Cụ thể: Tỉ lệ bệnh nhân mắc lao/100.000 dân là 45,0. Tỉ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,02/10.000 dân. Không để dịch sốt rét xảy ra, tỉ lệ mắc sốt rét/1.000 dân là 0,13; không có ca tử vong do sốt rét. Tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết/100.000 dân là 90; không có ca tử vong do sốt xuất huyết...
100% xã, phường triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt và quản lý bệnh nhân động kinh; tỉ lệ bệnh nhân được quản lý, điều trị, phục hồi chức năng tại cộng đồng đạt 100%. Có 100% cán bộ hoạt động trong dự án phòng chống ung thư được đào tạo nâng cao nghiệp vụ phòng chống ung thư; triển khai khám phát hiện sớm người bệnh mắc các bệnh ung thư thường gặp. Tổ chức khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp cho nhóm người trên 25 tuổi; hiện mạng lưới y tế đang quản lý, điều trị cho 26.500 bệnh nhân tăng huyết áp theo phác đồ của Bộ Y tế. Tổ chức khám sàng lọc điều tra đái tháo đường tại 14 xã trên địa bàn tỉnh cho 3.000 người, phát hiện các trường hợp bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường đưa vào quản lý, theo dõi sức khỏe. Tổ chức khám, điều tra bướu cổ tại 30 trường học trên địa bàn tỉnh với 3.000 học sinh lứa tuổi 8 - 10, phát hiện 117 học sinh bị bướu cổ, chiếm tỉ lệ 3,9%.
Triển khai dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản: Tỉ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện sớm đạt 35% và tỉ lệ người phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn là 35%. Tỉ lệ người bệnh hen phế quản được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng là 35%…
Triển khai khám, tư vấn cho học sinh về phòng chống các bệnh lý học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em <1 tuổi luôn được duy trì trên 95%...
Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,02%. Tỉ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68,8%; tỉ lệ bà mẹ mang thai sàng lọc trước sinh đạt 43,0%; tỉ lệ trẻ em sàng lọc sơ sinh đạt 50%. Tỉ số giới tính khi sinh là 111,3 trẻ nam / 100 trẻ nữ.
Tỉ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 8,5%; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 11,7%, thể thấp còi là 19,4%...
Tiếp tục triển khai các dự án về an toàn thực phẩm; phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học; Quân dân y kết hợp; dự án theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế.
Đảm bảo công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến
Công tác khám chữa bệnh năm 2020, đạt 23 giường bệnh/vạn dân. Độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân tăng: năm 2016 là 68,36% và năm 2019 là 87,3%. Hàng năm, các chỉ tiêu khám chữa bệnh đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao… Triển khai chế độ luân phiên cán bộ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh; trên cơ sở đó các bệnh viện đã phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm được chi phí điều trị, chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân. Hiện nay, tại tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như: can thiệp tim mạch, can thiệp mạch não; đặt máy tạo nhịp; thay khớp háng, nội soi khớp gối và khớp vai; phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, chèn ép tủy, kỹ thuật điều trị tiêm giảm đau cột sống dưới X-quang tăng sáng, phẫu thuật cột sống...
Công tác kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền cũng được quan tâm triển khai. Tổng số bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại chiếm 23,6% bệnh nhân khám, chữa bệnh.
Từ năm 2016 đến tháng 4/2020, đã thực hiện hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với 10.971 lượt người, tổng kinh phí 42,5 tỷ đồng.
Các bệnh viện đã triển khai công tác quản lý chất lượng bệnh viện. Kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về quản lý chất lượng bệnh viện có xu hướng tăng điểm qua từng năm. Xây dựng bệnh viện an toàn về phòng chống dịch COVID-19. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế đã giúp tăng tỉ lệ hài lòng người bệnh ngoại trú, nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện.
Bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về dược, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh...
Hoàn thiện, củng cố y tế cơ sở: Năm 2019, có 143/147 (đạt tỉ lệ 97,3%) xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Có 78/117 (66,6%) xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí y tế (tiêu chí 15) của bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; 46 xã đạt bộ tiêu chí về y học cổ truyền theo Quyết định 647/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Triển khai hoạt động các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, 100% nhân lực làm việc tại trạm y tế xã được đào tạo “Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình”; 100% trưởng trạm y tế xã được đào tạo về quản lý y tế; 100% trạm y tế xã được trang bị gói thiết bị chăm sóc cơ bản theo nhu cầu thực tế đủ điều kiện triển khai mô hình bác sỹ gia đình.
Hệ thống y tế ngoài công lập: Đến nay, toàn tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ, quy mô 200 giường bệnh, 510 cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền (6 phòng khám đa khoa tư nhân; 3 cơ sở vận chuyển người bệnh; 424 phòng khám chuyên khoa và 77 phòng chẩn trị y học cổ truyền) và 825 cơ sở dược (9 cơ sở bán buôn và 816 cơ sở bán lẻ).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế Lâm Đồng đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn, từng bước đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tỉnh. Mục tiêu 5 năm tới, tiếp tục phát triển hệ thống y tế hoạt động có hiệu quả. Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, công bằng. Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống; giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh, dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân.
AN NHIÊN