Tình quân - dân trên con đường hành lang chiến lược

08:10, 28/10/2020

Ngày 30/10 và 4/11 của 60 năm về trước đã trở thành thời khắc lịch sử khi hai nhánh của đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được xoi thông từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Sự kiện quan trọng ấy đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

Ngày 30/10 và 4/11 của 60 năm về trước đã trở thành thời khắc lịch sử khi hai nhánh của đường hành lang chiến lược Bắc - Nam được xoi thông từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Sự kiện quan trọng ấy đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 
Những buôn làng năm xưa nay đã có nhiều phát triển to lớn về kinh tế - xã hội
Những buôn làng năm xưa nay đã có nhiều phát triển to lớn về kinh tế - xã hội
 
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Lê Đạo (Bí danh Ama Nhao, sinh năm 1927, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng), trước những ngày bước vào thời điểm tròn 60 năm ấy. Với người cựu binh đã đi qua 93 năm cuộc đời, những ký ức nhuộm đầy khói súng của một thời trận mạc vẫn luôn là tài sản quý giá. Nụ cười người cán bộ kháng chiến bám trụ năm xưa như rạng ngời hơn cả tia nắng sớm trên mảnh đất Liên Nghĩa vào những ngày cuối tháng 10. Bởi ông đang sống lại những tháng ngày gian khổ mà hào hùng cùng đồng đội luồn rừng và được chở che trong nghĩa tình của bà con các dân tộc Nam Tây Nguyên.
 
Lịch sử đã chứng minh, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng miền Nam và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân cả nước. Nghị quyết đã chỉ rõ việc mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam khai thông từ Trung ương đến chiến trường Nam Bộ là yêu cầu thiết yếu cho cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Đoạn cuối Trường Sơn, từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ trong chín năm kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ vẫn là một vùng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng, cần thiết phải có lực lượng đặc trách vừa xây dựng cơ sở vừa mở đoạn đường hành lang trên để hoàn chỉnh con đường chiến lược lưu thông về đến Nam Bộ. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn B.90 từ miền Bắc vào Đắk Lắk; Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Đoàn C.200 từ Đông Nam Bộ ra lập căn cứ ở Bu Gor (Cát Tiên). Sau hơn một năm hành quân và xoi đường hai nhánh phía Đông và phía Tây, xây dựng từng cơ sở để mở đường, đến các ngày 30/10 và 4/11 năm 1960 hai nhánh Nam - Bắc đã bắt liên lạc được với nhau. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời đã đánh giá việc mở đoạn đường nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là sự kiện có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ là vấn đề lưu thông Nam - Bắc, chi viện và tiếp nhận nhân lực, vật lực và đảm bảo thông tin, giao liên của Trung ương, miền Bắc cho cách mạng và Nhân dân Nam Bộ mà còn góp phần xây dựng cơ sở cách mạng từ không đến có, xây dựng một vùng căn cứ địa cách mạng rộng lớn và vững chắc trên địa bàn hành lang, góp phần giành thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, ngoài những ký ức gian khổ của hai đơn vị, ông Lê Đạo vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: “Dân là quan trọng nhất, không có dân thì không thể mở đường, không thể thắng lợi. Nhân dân rất nhiệt tình, chính họ nuôi dưỡng, hỗ trợ và bảo vệ bộ đội trong suốt những tháng ngày mò mẫm, mở đường. Và, công tác dân vận, mặt trận dù ở thời chiến hay thời bình vẫn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.
 
Bà con nhân dân các dân tộc ở khu vực có con đường đi qua nói chung và Lâm Đồng nói riêng luôn một lòng một dạ đi theo cách mạng
Bà con nhân dân các dân tộc ở khu vực có con đường đi qua nói chung và Lâm Đồng nói riêng luôn một lòng một dạ đi theo cách mạng
 
Bộ đội thường xuyên bám sát bà con trong các buôn làng, cùng phát rẫy, ăn canh thụt lá bép, cháo chua, khám chữa bệnh, học tiếng nói của bà con và kiên trì vận động, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc để giành độc lập. Có người đã tự nguyện làm con nuôi trong gia đình mắc bệnh phong để làm chỗ dựa công tác. Nhờ đó, các đoàn đi xoi mở đường nhanh chóng tạo được mối quan hệ gắn bó với Nhân dân. Bởi vậy, mặc dù hành lang chiến lược đi qua một vùng đất rộng, dân thưa, kinh tế khó khăn nhưng cấp ủy các địa phương đã vận động Nhân dân cho con em thoát ly tham gia lực lượng hành lang, từ dân công vận chuyển hàng hóa đến gia nhập lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, chiến đấu bảo vệ hành lang. Bà con các dân tộc Nam Tây Nguyên sản xuất nhiều lương thực để cung cấp cho các đơn vị. Riêng ở vùng căn cứ bãi Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng, Nhân dân đã hiến hàng trăm ha đất rừng cho C.200 sản xuất. Tiêu biểu là gia đình già làng K’Tranh đã cho bộ đội 60 chóe đựng rượu cần để dự trữ mắm chế biến. Nhờ đó, hành lang đã tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm đủ cho thời kỳ dài từ năm 1961 đến 1964. Đặc biệt, từ đây lực lượng trung kiên nòng cốt trong các buôn làng phát triển ngày càng đông, tin cậy và vững chắc. Con đường cũng nhờ thế mà từng bước được mở, nhích dần về Nam. Ông Lê Đạo một lần nữa khẳng định: “Đi xoi mở đường bản đồ chính là dân. Chỉ cần có niềm tin trong các buôn làng, bộ đội hỏi, bà con sẽ chỉ lối, dẫn đường”.
 
Không chỉ có trong việc mở đường, nhìn lại dọc chiều dài lịch sử, bà con nhân dân các dân tộc các khu vực có đường hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây đi qua nói chung và Lâm Đồng, Tuyên Đức nói riêng luôn một lòng một dạ đi theo cách mạng. Đơn cử như tại Cát Tiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã được lựa chọn xây dựng thành khu căn cứ. Nằm ở vị trí trọng yếu của tuyến hành lang Bắc - Nam nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, của tuyến hành lang Đông - Tây đi về các tỉnh duyên hải Cực Nam Trung Bộ; nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của Khu ủy Khu 6, Khu 10 (Vùng C.200 - Cát Tiên) và Tỉnh ủy Lâm Đồng (Vùng 3 - Đạ Tẻh). Đây cũng là nơi sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm bảo đảm hậu cần tại chỗ cho cách mạng. Đến các năm 1964, 1965, sau khi khai thông đường Trường Sơn, tuyến vận tải từ cuối đường mòn Hồ Chí Minh qua Cát Tiên về các tỉnh duyên hải Cực Nam Trung Bộ tiếp tục đảm bảo thông tin, giao liên và chuyển một lượng lớn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí đạn dược, chi viện đắc lực phục vụ cho các chiến trường. Còn bà con tại khu vực phía Bắc của các huyện Bảo Lâm, Di Linh ngày nay (và phía Bắc huyện Đức Trọng cũ trong kháng chiến), đã xây dựng căn cứ địa, phát triển phong trào cách mạng, nối thông và bảo vệ hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây đảm bảo sự chỉ đạo, chi viện của miền Bắc cho chiến trường Đông Nam Bộ và Khu 6. 
 
Sau khi con đường được mở thông, chính người dân trong các buôn làng trên đất Lâm Đồng, Tuyên Đức đã bảo vệ đoàn cán bộ cao cấp của Đảng vào Nam để thành lập Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời bảo vệ an toàn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào để thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng trong năm 1961, Ban cán sự B7 (tiền thân của Tỉnh ủy Lâm Đồng) được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự B7, cơ sở cách mạng nhanh chóng được mở rộng. Từ tình hình thực tiễn, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng ngày 1/2/1962 tại bãi Cát Tiên. Bãi Cát Tiên đã được xây dựng thành trung tâm căn cứ, vừa là nơi hợp điểm của 2 nhánh hành lang Bắc - Nam, phía Đông và phía Tây trước khi về Chiến khu Đ và Khu 6, vừa là căn cứ hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho các lực lượng từ Bắc vào, Nam ra trước khi về Chiến khu Đ hoặc ra Khu 5.
 
Việc mở thông con đường chiến lược từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ - một bộ phận hợp thành con đường huyền thoại Hồ Chí Minh góp phần thông suốt hai miền Nam - Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo của Trung ương và chi viện nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào chiến trường Nam Bộ, tăng cường thế và lực mới cho cách mạng miền Nam. Cùng với đó đã xây dựng cơ sở, mở ra một vùng do cách mạng kiểm soát rộng lớn, đưa ánh sáng cách mạng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, biến địa bàn còn là vùng trắng thành một vùng căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam, hình thành vùng chiến lược quân sự, cửa ngõ tiến công vào Sài Gòn, là tiền đề góp phần vào thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
 
Lịch sử đã sang trang, dọc con đường huyền thoại năm xưa đang có sự phát triển ngày một tươi mới về kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhưng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam mãi là sự kiện quan trọng trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và là dấu son in đậm lịch sử Đảng bộ và đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh Lâm Đồng.
 
VĂN DƯƠNG - NGỌC NGÀ