Với 11.763 ha đất canh tác rau, hoa, trong đó đã có 10.512 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 89,4%); Đơn Dương hiện là cánh đồng rau thương phẩm lớn nhất Lâm Đồng và cũng là lớn nhất cả nước hiện nay.
Với 11.763 ha đất canh tác rau, hoa, trong đó đã có 10.512 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 89,4%); Đơn Dương hiện là cánh đồng rau thương phẩm lớn nhất Lâm Đồng và cũng là lớn nhất cả nước hiện nay.
|
Anh Trịnh Thái Sơn trong nhà kính trồng ớt chuông của mình |
Nông dân “đời mới”
Hãy quên đi cái cảnh nông dân đầu tắt mặt tối, áo quần lam lũ trên đồng. Đó là câu chuyện của chừng vài mươi năm trước, khi cánh đồng Đơn Dương nơi đây còn canh tác lúa bắp một vụ, mùa khô không nước, đồng bỏ hoang gió tràn bờ. Còn bây giờ người làm nông nơi đây đã có một diện mạo khác hẳn, hầu hết đã “lên đời”, chuyển lúa bắp sang trồng rau, hoa thương phẩm, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, biết áp dụng cơ giới, biết áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất. Trong câu chuyện, họ nói vanh vách về rau hoa công nghệ, về những đổi thay trong cách làm nông hiện đại. Họ thực sự tâm huyết và đang tìm cách làm giàu trên mảnh đất nhà mình.
Chúng tôi gặp một nông dân như vậy tại thôn Nam Hiệp 2, xã Ka Đô. Đó là anh Trịnh Thái Sơn, một nông dân còn trẻ, sinh năm 1982, nhanh nhẹn, nụ cười trên môi, miệng nói tay làm. Anh đang vận hành một khu sản xuất (hay có thể gọi là trang trại) được đầu tư rất quy mô và là một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã vùng sâu Ka Đô này.
Gọi Ka Đô là “vùng sâu” thì giờ cũng không đúng lắm, vì Ka Đô nay đã ra dáng phố thị lắm rồi, đường sá tráng nhựa mở rộng dẫn từ thị trấn Thạnh Mỹ - trung tâm của Đơn Dương vào, ngay chợ trung tâm xã nhà cửa san sát, hàng quán nhộn nhịp. Còn nhà kính, nhà lưới trồng rau hoa thì khỏi nói, quanh xã chỗ nào cũng có. “Ai ai giờ có vốn cũng muốn đầu tư nhà kính mà” - anh Sơn tươi cười.
Và chính anh cũng có một nhà kính như vậy, trên một khu đất rộng cả mẫu tây (1 hecta). Để có nhà kính rất đẹp và qui mô này, anh Sơn đã bỏ vào đây khoảng 2 tỷ đồng, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun thông minh, có bảng điều khiển tự động tưới theo giờ, sản xuất được cơ giới hóa. Đưa chúng tôi đi thăm hệ thống hồ và máy tưới, anh cho biết: “Rất tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công”. Toàn bộ diện tích này anh đang trồng khoảng 40 nghìn cây ớt chuông, đã vào thu hoạch, sản phẩm được phân loại đóng thùng, những quả ớt chuông trong vườn anh khá to, nhiều màu đỏ, vàng, xanh bắt mắt.
Anh Sơn lâu nay cũng là một trong những người tiên phong trong xã Ka Đô mạnh dạn ứng dụng những “cái mới” về công nghệ trong sản xuất. Anh đưa chúng tôi sang xem vườn thử nghiệm trồng ớt chuông trên giá thể, rộng chừng 2 sào, tại đây anh trồng khoảng 8 nghìn cây ớt chuông trên các khay đựng giá thể trộn xơ dừa, trấu. Toàn bộ diện tích khép kín này được lắp đặt hệ thống đèn, nước tưới, bón phân đều hoàn toàn tự động qua hệ thống máy gắn cảm biến trị giá 190 triệu đồng, trong đó anh được Khuyến nông huyện hỗ trợ 95 triệu đồng. Hệ thống máy vận hành theo lập trình có sẵn, có phần mềm hẹn giờ tưới nước, phân bón được pha và tưới tự động theo công thức, đảm bảo tỷ lệ dinh dưỡng cho từng loại cây trồng, giúp vườn tiết kiệm nước, duy trì độ ẩm, giảm chi phí, đỡ tốn công, phân bón được kiểm soát. “Trồng ớt trên giá thể như thế này trái to hơn, đẹp hơn, năng suất cũng cao hơn nhiều, giảm sâu bệnh, giảm nhiều chi phí khác nên rất triển vọng” - anh Sơn nói.
Anh Sơn còn thả thiên địch trong vườn để ăn nhện, bọ trĩ, bảo vệ cây trồng. Năm ngoái anh đứng ra thành lập Hợp tác xã Bồ Công Anh với 7 thành viên, nhằm liên kết, giúp các thành viên trao đổi, học tập kinh nghiệm trồng trọt với nhau, tìm các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sắp đến, anh cho biết sẽ đầu tư thêm 8 sào cà chua giống mới và dự định sẽ trồng thêm giống dưa leo trái nhỏ để cung cấp cho nhà buôn theo yêu cầu.
Để vận hành trang trại này, lâu nay anh Sơn thuê khoảng 20 người làm việc hằng ngày, mỗi tháng người làm thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/ người, công việc ổn định. Riêng trang trại anh thu nhập nghe hơi “choáng”, chừng khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng chưa trừ chi phí!
Có thể tìm thấy rất nhiều những nông dân trẻ năng động như anh Sơn như thế trên đồng rau Đơn Dương hiện nay. Nhưng nơi đây cũng có không ít những nông dân dù lớn tuổi chẳng chịu kém lớp trẻ. Như ông Phạm Trung Đông, 52 tuổi (sinh 1968), người thôn Lạc Viên B, xã Lạc Xuân chẳng hạn.
Ông Đông có khu vườn rộng khoảng 8 sào (8 nghìn m2) ở quanh nhà, rất thuận lợi cho việc canh tác, chăm sóc. Trước đây, gia đình ông cũng như mọi người chung quanh canh tác nhiều giống rau như sú, cải thảo, cà chua, hành tây… rồi dần chuyển sang chuyên canh su hào.
Là người có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, một nông dân sản xuất giỏi trong vùng, su hào trong vườn ông Đông thường rất đạt, hàng đẹp. Nhưng trở ngại lớn nhất với ông là phụ thuộc vào thời tiết, “rau củ chỉ trồng được mùa nắng, còn trồng mùa mưa bất lợi, cứ phải trông mưa trông nắng, phập phồng trong người, nếu su hào trồng vào mùa mưa thì rễ dễ bị thối nên phải chuyển sang trồng các loại rau khác nhưng giá cả khá bấp bênh” - ông Đông cho biết.
Chính vì vậy, cách đây không lâu, gia đình ông đã quyết định đầu tư nhà kính cho khu vườn của mình. Trong nhà kính ông cũng lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động, dành gần 3 sào trong nhà kính này lắp đèn chiếu sáng để trồng cúc kim cương. “Nhà kính có thể làm quanh năm, trồng mọi loại cây được, thuận lợi lắm. Công nghệ mới thì người ta làm được mình cũng làm được, miễn là có chịu học chịu làm hay không thôi” - ông Đông tự tin.
|
Thu hoạch ớt chuông trong trang trại của anh Trịnh Thái Sơn |
Vùng đất của gần 8.800 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Rau, trong nhiều năm nay được Đơn Dương xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu cây trồng của huyện.
Từ đó, Đơn Dương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa và các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng rau thương phẩm có giá trị cao hơn rất nhiều. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, từ 2015 đến 2020, tại huyện, theo ngành chức năng đã có trên 700 ha đất trồng lúa và các cây trồng kém giá trị chuyển sang canh tác rau thương phẩm.
Thống kê huyện cho biết, trong năm 2015, toàn huyện có khoảng 23.880 ha trồng rau thương phẩm, trong đó diện tích rau ứng dụng công nghệ cao chỉ 6.845 ha thì đến năm 2020 này, diện tích gieo trồng rau đã tăng lên nhanh với 27.060 ha, tăng 11,3%, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm 10.512 ha (đạt 89,4%) trong tổng số 11.763 ha đất canh tác rau toàn huyện.
Cùng với rau, hoa cũng là một chọn lựa của người dân với khoảng 160 ha canh tác hiện nay, tăng 16% so với năm 2015; huyện còn có khoảng 25 cây dược liệu với khoảng 25 ha; có 1.568 ha cà phê, hầu hết đã ứng dụng giống mới cho năng suất ổn định; có 1.493 ha cây ăn quả chủ yếu là cây hồng, bơ, cam, quýt, chuối, dứa với thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Đơn Dương cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất. Đến nay, diện tích nhà kính, nhà lưới toàn huyện trên 2.330 ha; diện tích sử dụng tưới tự động, nhỏ giọt trên 8.100 ha. Đã có khoảng 45 ha nhà kính sử dụng hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tiên tiến; có khoảng 29 ha canh tác nông nghiệp hữu cơ; trên 8 ha đất canh tác không dùng đất.
Một ước tính cho thấy, năng suất cây trồng tại Đơn Dương tăng 3-5% hằng năm, diện tích rau hoa ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 250 triệu - 300 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình rau, hoa đạt đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Không ít hộ dân đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tưới và pha dưỡng chất tưới tự động trên rau; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới tự động; ứng dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật IOT.
Huyện cũng khuyến khích người dân thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ trên địa bàn; vận động người dân sản xuất rau hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, phát triển diện tích rau hữu cơ sạch, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đơn Dương cũng chính là địa phương đi đầu Lâm Đồng trong chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò hiện nay trên 15.000 con, tăng 41,5% so với cách đây 5 năm, trong đó có khoảng 47% đang cho khai thác sữa, bình quân 160 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi đạt khoảng 2 tỷ đồng/ngày.
Một cuộc bình xét cuối năm 2019 vừa qua của Hội Nông dân huyện cho biết, toàn huyện có 8.790 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có 69 gia đình đạt cấp trung ương; 617 hộ đạt cấp tỉnh; cấp huyện 1.926 hộ; cấp cơ sở 6.178 hộ. Thu nhập bình quân của người dân Đơn Dương đến cuối năm 2019 đã đạt 72 triệu đồng/ người/ năm; hộ nghèo của huyện chỉ còn chưa đến 1% tỷ lệ dân số, trong đó hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số chỉ còn 1,85%.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra một bước đột phá đầy ngoạn mục cho vùng đất Đơn Dương. Từ một cánh đồng lúa, bắp một vụ nghèo nàn ngày trước nay thành một cánh đồng rau hoa công nghệ với giá trị kinh tế cao, một huyện nông thôn mới đầy tiềm lực như hiện nay, như anh Sơn, như ông Đông và rất nhiều người nơi đây cho biết là điều mà họ chưa bao giờ nghĩ đến. “Nhưng khi cơ hội đến thì mình phải cố gắng thôi” - ông Đông cười tươi.
VIẾT TRỌNG - NHẬT QUỲNH