Được Nhà nước quan tâm đầu tư từ các chương trình, dự án, nhất là sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh làng quê ở xã vùng sâu từng là vùng căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng (Di Linh) đã có nhiều khởi sắc...
Được Nhà nước quan tâm đầu tư từ các chương trình, dự án, nhất là sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bức tranh làng quê ở xã vùng sâu từng là vùng căn cứ cách mạng Đinh Trang Thượng (Di Linh) đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân đã được cải thiện và nâng cao. Đến nay, xã Đinh Trang Thượng đã cơ bản đạt các tiêu chí NTM và phấn đấu về đích vào cuối năm 2020.
|
Đoàn Kinh tế Quốc phòng (QK7) hỗ trợ bà con làm sân bê tông |
Trước đây, Đinh Trang Thượng là một trong 3 xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Di Linh, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 71,98% dân số toàn xã, trình độ dân trí thấp và không đồng đều; nhận thức của người dân về xây dựng NTM còn hạn chế; còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào độc canh cây cà phê, một số hộ do đời sống còn khó khăn vừa thiếu vốn đầu tư vào sản xuất lẫn kiến thức khoa học - kỹ thuật, nên việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa thực sự mang lại hiệu quả cao…
Ông Lê Xuân Song - Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Thượng, cho biết: Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, để sớm hoàn thành bộ tiêu chí và “về đích” NTM theo lộ trình, xã Đinh Trang Thượng đã có nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Ngoài tập trung mọi nguồn lực, nhất là thực hiện các tiêu chí khó đạt, địa phương đã xây dựng các mô hình kinh tế, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động… cùng chung sức xây dựng NTM. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó về tiêu chí số 18 (Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) chưa đạt chuẩn, nhất là một số chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội CCB chưa chuẩn theo quy định. Hiện xã Đinh Trang Thượng đã báo cáo lên Phòng Nội vụ của huyện để đề xuất lên cấp trên có giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Cũng theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Đinh Trang Thượng, việc xây dựng NTM tuy có những khó khăn, nhưng có một số mặt cũng rất thuận lợi, cụ thể là hạ tầng cơ sở nông thôn.
Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, thời gian qua, địa phương còn được Đoàn Kinh tế Quốc phòng (QK7) tiếp sức hỗ trợ nhiều tỷ đồng để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất, hỗ trợ làm sân bê tông, nhà ở cho hộ nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân địa phương... Đến nay hệ thống cơ sở trường học, trạm y tế, điện lưới sinh hoạt và hàng chục kilômét các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất được xây dựng khá khang trang và phủ khắp trên toàn xã.
Ông Nguyễn Văn Hoàng ở khu Liang thuộc Thôn 3 bày tỏ, Dốc Liang là đường vách núi cao nằm cạnh Quốc lộ 28, dốc đứng và hẹp nên việc đi lại của người dân vào mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn. “Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM và theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ vật tư, Nhân dân làm công trình”, tôi đã đứng ra vận động các hộ dân và những hộ xâm canh ở khu vực này đóng góp kinh phí được trên 80 triệu đồng để đối ứng với Nhà nước làm đường bê tông xi măng khoảng 400 m, đến nay việc đi lại của người dân được thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Hoàng phấn khởi.
Tính đến nay, đồng bào DTTS nơi đây đã hiến đất, đóng góp kinh phí trên 910 triệu đồng, 3.555 ngày công lao động để thực hiện thắp sáng đường quê, làm sân cổng, hàng rào hội trường thôn, đào ao, hồ nhỏ; trên 2.500 lượt người tham gia “Ngày thứ Bảy vì NTM”; phong trào xây dựng cổng, hàng rào ở các khu dân cư có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay đã thực hiện được 83 sân bê tông với diện tích gần 10.000 m2.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xã đã chú trọng công tác trồng xen canh cây ăn trái các loại có giá trị kinh tế. Hiện Đinh Trang Thượng đã trồng cây bưởi da xanh được 105 ha, trồng xen sầu riêng, bơ, mắc ca được 255 ha, trong đó đã có một số diện tích cho thu với tổng sản lượng ước đạt 1.260 tấn quả các loại /năm. Riêng việc trồng dâu nuôi tằm tuy mới triển khai, nhưng tính đến cuối năm 2019 nhiều hộ dân đã phát triển được 55 ha, sản lượng đạt 950 tấn lá/năm. Chăn nuôi cũng được duy trì phát triển ổn định với tổng đàn gia súc, gia cầm các loại trong toàn xã lên đến gần 2.000 con.
Ông K’Chi ở Thôn 4 cho hay: “Nhìn chung người dân nơi đây đã chịu khó, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và trồng xen canh, nên đời sống vật chất, tinh thần đã được nâng lên nhiều so với trước đây. Cơ sở hạ tầng trường lớp khang trang, đường làng, ngõ xóm thoáng đãng, sạch đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em được học cái chữ”.
Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đinh Trang Thượng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 63 hộ, chiếm tỷ lệ 6,33%. “Xã Đinh Trang Thượng phấn đấu đến cuối năm 2020 thu nhập bình đầu người sẽ đạt trên 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%. Hiện cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân đang nỗ lực để hoàn thành, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để sớm được công nhận xã NTM”, ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng khẳng định.
NDONG BRỪM