Trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập phòng, chống dịch COVID-19...
Trong buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở y tế và tại cộng đồng do Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh triển khai thực hiện.
|
Họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của CDC tỉnh xử lý tình huống giả định có phát hiện ca bệnh COVID-19 tại cộng đồng |
Trong năm 2020, ngành Y tế Lâm Đồng đã tập trung triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (COVID-19) trong tình hình đại dịch đã và đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới. Chủ động xây dựng nhiều kế hoạch phòng, chống dịch và chuẩn bị các nguồn lực như bố trí nhân lực tham gia phòng chống dịch tại các đơn vị y tế trong ngành, quân đội, công an…; xây dựng các phương án huy động nhân lực theo các cấp độ của dịch (huy động nhân viên y tế nghỉ hưu; học sinh, sinh viên các Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Trường Đại học Yersin Đà Lạt…). Tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất - trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch: Thành lập 27 khu cách ly tập trung với tổng số 4.050 giường, trong đó có 401 giường tại 3 cơ sở cách ly tập trung có thu phí.
Các bệnh viện công lập (5 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 bệnh viện tuyến huyện) và 1 bệnh viện tư nhân đã bố trí khu cách ly điều trị COVID-19, trong đó có 3 đơn vị điều trị tuyến cuối của tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng); lên phương án thiết lập bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng và bố trí khu điều trị COVID-19 tại Bệnh viện II Lâm Đồng.
Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 3 đơn vị điều trị tuyến cuối theo Danh mục trang thiết bị của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế; trang thiết bị phòng, chống dịch cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng (máy đo thân nhiệt, Hệ thống tách chiết DNA/RNA tự động). Tiếp nhận trang thiết bị do các tổ chức, công ty tài trợ: 1 hệ thống máy Realtime PCR (Công ty Hùng Phát - Lâm Đồng), 20 máy thở Eliciae MV20 (Đại học Văn Lang và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), 21 máy thở VFS-410 (Tập đoàn VinGroup tài trợ). Tham mưu tỉnh chuẩn bị về tài chính từ nguồn dự phòng của tỉnh và các nguồn mua sắm sửa chữa năm 2020, giảm chi ngân sách 2019 để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Các hoạt động chuyên môn được triển khai như: tập huấn về công tác giám sát dịch tễ, truy vết, tổ chức cách ly; phòng chống dịch; xét nghiệm; chẩn đoán và điều trị; kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp cho 9.758 lượt nhân viên y tế các tuyến và cán bộ các cơ quan, đoàn thể…; 1.063 lượt nhân viên y tế tham gia các lớp tập huấn do Bộ Y tế tổ chức; 4.400 lượt nhân viên y tế tham gia tập huấn do các đơn vị tổ chức; tập huấn cho 4.295 lượt cán bộ cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyến huyện, xã.
|
Phân cảnh Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh diễn tập công tác khử khuẩn khi đưa bệnh nhân F1 vào khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng |
Về thông tin, truyền thông: In ấn và cấp phát 476.200 tờ rơi, 2.346 áp phích, 324 đĩa hình, 276 băng rôn, 84 pano và bảng thông tin; truyền thông trực tiếp cho 997.792 lượt người với nhiều hình thức. Báo Lâm Đồng, Đài PTTH Lâm Đồng mở chuyên trang, chuyên mục cập nhật thường xuyên kịp thời thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, đăng tải các hình ảnh, clip khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Thông tin và Truyền thông mở chuyên mục truyền thông trên zalo Cổng hành chính công của tỉnh; tạo lập chuyên trang phòng, chống dịch bệnh vi rút Corona trên cổng thông tin điện tử của Sở. Triển khai thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NcoV, BlueZone; thực hiện giám sát, truy vết người có nguy cơ về từ vùng dịch, tiếp xúc với ca bệnh.
Ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh thực hiện cách ly tập trung và cách ly y tế 3.012 người có nguy cơ. Giám sát người và phương tiện giao thông 323.395 lượt người/ 153.330 lượt phương tiện. Xử lý môi trường tại khu vực cách ly tập trung, cách ly điều trị, trường học nơi công cộng…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, các đơn vị đã tăng cường tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát về công tác chuẩn bị, khu cách ly tập trung, điều trị, hóa chất vật tư phòng, chống dịch, thực hiện các quy định chuyên môn, tiêu chí bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, hoạt động kiểm soát dịch bệnh tại Sân bay Liên Khương, kiểm tra bình ổn giá các vật tư y tế phục vụ chống dịch… đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Kiểm dịch y tế quốc tế đã triển khai giám sát, đo thân nhiệt cho 121.841 lượt hành khách trên 1.019 chuyến bay, thực hiện cách ly 8 trường hợp có nguy cơ. Triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn, tập huấn, thẩm định cấp phép xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, phòng xét nghiệm của CDC Lâm Đồng đã thực hiện 459 mẫu xét nghiệm Realtime -PCR, 21 test nhanh phát hiện kháng thể.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có trường hợp mắc COVID-19. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch luôn sẵn sàng, chủ động. Việc ngành Y tế Lâm Đồng tổ chức diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ sở y tế tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng với kịch bản giả định có xuất hiện ca bệnh COVID-19 tại bệnh viện và tại cộng đồng là kinh nghiệm ứng phó trong tình huống có dịch, để đội ngũ cán bộ y tế trong toàn ngành làm công tác phòng, chống dịch chủ động, bình tĩnh triển khai các biện pháp chuyên môn đúng theo quy trình khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Trong bối cảnh nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ nước ngoài vào nước ta ở mức cao và có thể trở thành hiện hữu, mới đây, GS.TS-Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID -19 trong tình hình mới đã phát biểu: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát. Cả nước đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận, do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực, đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, thời điểm cuối năm trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng, chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất.
Để tăng cường việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch không làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Chỉ thị 24/CT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người...
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh duy trì thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Các cơ sở này cần tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường... Đối với các đơn vị y tế dự phòng, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại cửa khẩu. Những người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế. Các đơn vị y tế dự phòng phải giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại trường hợp cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly tập trung. Các cơ sở y tế tăng cường năng lực lấy mẫu và xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Đồng thời, rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 với tất cả trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài. Bộ Y tế đưa ra cảnh báo về việc giám sát COVID-19 ở thực phẩm nhập khẩu, yêu cầu thực phẩm đông lạnh từ nước có dịch phải được xét nghiệm COVID-19 vì khả năng sinh tồn ở thời gian dài.
AN NHIÊN