Nghẹn lại với những dòng cảm xúc cũ ùa về, cô giáo Lin Đa nói mọi nhọc nhằn được đổi lại bằng tình yêu và nụ cười của lũ trẻ đầy ngô nghê, tinh nghịch. Với tấm lòng và tuổi trẻ của mình, Lin Đa mang một làn gió mới vào sự nghiệp ươm mầm thế hệ mai sau ở vùng đất khó Đam Rông.
Nghẹn lại với những dòng cảm xúc cũ ùa về, cô giáo Lin Đa nói mọi nhọc nhằn được đổi lại bằng tình yêu và nụ cười của lũ trẻ đầy ngô nghê, tinh nghịch. Với tấm lòng và tuổi trẻ của mình, Lin Đa mang một làn gió mới vào sự nghiệp ươm mầm thế hệ mai sau ở vùng đất khó Đam Rông.
|
Học sinh của cô giáo Lin Đa thích thú cùng các tiết học với những mô hình cồng chiêng |
Vốn là một cô bé người Cil hát hay, múa đẹp, Lin Đa (sinh năm 1992) từ nhỏ đã mong ước mình được trở thành một giáo viên mầm non. Và trường mầm non Đạ Long (huyện Đam Rông) là nơi để cô tiếp tục “gieo” cái duyên với nghề của mình.
5 năm, hành trình dường như chỉ vừa mới bắt đầu. Lin Đa nhớ, trước đây bỡ ngỡ bao nhiêu thì bây giờ tự hào bấy nhiêu. Nhìn cái cách lũ trẻ gọi và chào Lin Đa để trở về vòng tay cha mẹ trong một buổi trưa đầy mưa gió, chúng tôi nhìn nhau cười và chợt cảm thấy ấm lòng. “Lũ trẻ cũng giống như con của mình ở nhà, mình dạy chúng với tất cả tấm lòng là được” - đó là quan niệm của cô giáo trẻ Lin Đa.
Ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Đạ Long, khi mà cái ăn, cái mặc còn là nỗi lo của nhiều gia đình thì việc con cái được quan tâm, tạo điều kiện đến trường là điều mà những người làm công tác giáo dục luôn mong mỏi. Theo cô Kon Yông Ka Khét, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ Long, một trong những điều khiến cán bộ, giáo viên của trường phấn khởi trong những năm gần đây chính là hình ảnh phụ huynh đứng chờ con ở cổng trường mỗi giờ tan lớp ngày một nhiều. Điều này chứng tỏ phần nào việc phụ huynh đã chăm lo đến việc học hành của các em, không còn nhiều em trong độ tuổi ra lớp phải theo cha mẹ lên rẫy, mất đi quyền mà vốn dĩ thuộc về mình ngay từ lúc được sinh ra.
Nhớ về chuyện vận động học sinh ra lớp, cô giáo trẻ Lin Đa lại nhớ về những câu chuyện dở khóc dở cười. Lin Đa kể, khi mới về trường nhận công tác, mỗi sáng sớm cô lại phải dùng xe máy chạy vòng quanh xã, đến tận nhà đón từng học sinh. Đầu năm học nào cũng thế, có ngày phải đi đến 4 - 5 lượt. Nhiều phụ huynh thấy cô giáo ngày nào cũng đến nhà năn nỉ như vậy thì khó chịu, la mắng, thậm chí đuổi về khiến không ít lần cô giáo trẻ rơi nước mắt trên đường về.
Nhưng những điều ấy không làm khó được Lin Đa, bởi bên cạnh cô luôn có những người đồng nghiệp, làm nơi cô trút bầu tâm sự và truyền lửa để tiếp tục. Lin Đa bảo đôi lúc mình đã có suy nghĩ bỏ nghề bởi những suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ, thế nhưng nhìn thấy những ánh mắt ngây dại, non nớt trên gương mặt lắm lúc còn lấm lem của lũ trẻ cùng những tiếng ê a đã kéo cô trở lại mong ước thuở ban đầu để cố gắng hơn.
Thế là Lin Đa đã nghĩ ra cách để tạo sự hứng thú cho trẻ, để cha mẹ chúng cảm nhận được niềm vui đến trường của con cái. Nhận thấy việc liên tục dạy và học cho trẻ trong nhà sẽ gây cảm giác căng thẳng, Lin Đa đề xuất nhà trường tổ chức dạy lồng ghép các chương trình ngoại khóa vào 2 buổi/tuần. Đây cũng chính là những giờ học được đông đảo học sinh chờ đón. Thay vì các bài giảng có phần cứng nhắc, khô khan, Lin Đa tìm kiếm một số trò chơi dân gian như nhảy sạp, nhảy bao bố, kéo co… để thu hút học sinh và dạy thêm một số kỹ năng. Ngày đầu bước ra sân, những tưởng học sinh ngại ngùng nhưng trái lại, các hoạt động đổi mới ấy lại khiến học trò vô cùng hào hứng, tham gia nhiệt tình đến quên cả thời gian.
Lin Đa còn có một tình yêu lớn đối với văn hóa truyền thống của dân tộc Cil. Tiếng cồng chiêng của cha, những điệu xoang của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn cô để làm nên một Lin Đa uyển chuyển trong từng điệu múa truyền thống, truyền lửa trong những giai điệu hiện đại. Với mong muốn học trò của mình được tiếp cận với văn hóa truyền thống đã phần nào bị mai một, Lin Đa mang khối tài sản lớn của gia đình như bộ cồng chiêng, trang phục thổ cẩm, cái gùi, quả bầu… lên lớp học để các em trực tiếp nhìn thấy, tự mình gõ nên âm thanh từ đôi tay nhỏ. Nhìn học trò của mình say mê với chúng, Lin Đa cười hạnh phúc.
Chính khoảng thời gian hạnh phúc này đã tạo động lực để Lin Đa dù ở thời điểm đó mới chỉ vào nghề 2 năm nhưng đã tự tin đưa tiết dạy có lồng ghép các giá trị văn hóa như thế đến Hội thi Nghiệp vụ sư phạm giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017 và xuất sắc giành được giải Ba. Đồng thời, ngành Giáo dục Đam Rông cũng ghi nhận những đóng góp của cô với các danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đánh dấu 5 năm công tác, Lin Đa vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020…
Nhưng đối với cô giáo trẻ Lin Đa, sự ghi nhận lớn nhất chính là tình cảm của chính những người đồng nghiệp đi trước cũng như phụ huynh và học sinh. Bởi Lin Đa bảo rằng chỉ cần có thể thu hút học sinh ra lớp, duy trì sĩ số thường xuyên thì không chỉ cá nhân Lin Đa mà tất cả cán bộ, giáo viên nơi này sẽ có thêm động lực gắn bó với nghề.
HỒNG THẮM