Đạ Tẻh: Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:11, 30/11/2020

Xác định công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Xác định công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng, làm tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua huyện Đạ Tẻh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong việc chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm hẳn qua từng năm, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.
 
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tố Lan (xã An Nhơn) giới thiệu về cây tre tầm vông được đồng bào Châu Mạ trồng tại thôn
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tố Lan (xã An Nhơn) giới thiệu về cây tre tầm vông được đồng bào Châu Mạ trồng tại thôn
 
Huyện Đạ Tẻh là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống với các dân tộc đến từ phía Bắc có 1.995 hộ/8.884 nhân khẩu, đồng bào gốc Tây Nguyên có 924 hộ/3.329 nhân khẩu. 
 
Những năm qua, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu giảm nghèo cụ thể từng năm. Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân, các tổ chức kinh tế - xã hội nhận thức rõ quan điểm, phương châm giải quyết của chương trình giảm nghèo bền vững là dựa vào cộng đồng. Kịp thời giới thiệu những kinh nghiệm tốt, nhân tố mới, mô hình giỏi từ thực tiễn để nhân rộng ra toàn huyện. Tăng cường quản lý hộ nghèo chặt chẽ, điều tra xác định chính xác hộ nghèo đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch từ cơ sở.
 
Năm 2016, toàn huyện có 325 hộ đồng bào DTTS thuộc hộ nghèo (chiếm 11,4 %) thì đến đầu năm 2019 số hộ nghèo còn 115 (chiếm 3,38 %). Nhìn chung số hộ nghèo hằng năm giảm từ 3% - 4%, số hộ tái nghèo chiếm tỷ lệ thấp. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án đã giúp người dân có thêm động lực để đầu tư sản xuất. Một số giống cây trồng, vật nuôi mới được đồng bào DTTS thay thế cho các giống cũ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 
 
An Nhơn là một xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, trước đây đời sống của bà con còn nhiều vất vả, song những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống bà con không ngừng được cải thiện. Thôn Tố Lan có 101 hộ dân với 382 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Châu Mạ. Tiếp tục chương trình hỗ trợ và chăm sóc tre tầm vông tại thôn, đến nay tổng diện tích đã cho khai thác là 28 ha/20 hộ. Các cấp, ban, ngành đang hỗ trợ trồng mới với 24 ha/23 hộ dân khác. Hiện nay tre tầm vông phát triển tốt và cho thu nhập bước đầu. Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Tố Lan, ông K’Miếu cho biết: Ngoài trồng lúa và tham gia quản lý, bảo vệ rừng thì đến nay người dân trong thôn bước đầu đã có thu nhập từ cây tre tầm vông. Có thể nói đây là một cây trồng rất phù hợp với địa phương vì cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Những năm trở lại đây cuộc sống của người Châu Mạ trong thôn đã khấm khá hơn nhiều, không còn chạy vạy, lo đói từng bữa nữa.  
 
Ông Lại Phước Thắng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đạ Tẻh cho biết: Thời gian tới, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, nhất thiết cần phải có sự phối kết hợp giữa đơn vị quản lý và đơn vị cho vay một cách đồng bộ, việc giải ngân vốn vay kịp thời, đặc biệt với các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương cũng như khả năng tiếp thu của người nghèo. Đào tạo các nghề phổ thông đơn giản, phù hợp với khả năng của người nghèo trong vùng đồng bào DTTS.
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng bằng các nguồn vốn đầu tư ngân sách, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, nguồn vốn huy động Nhân dân để ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2020 cũng đã phát huy hiệu quả. Như việc đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại thôn K’Long (xã Đạ Pal) được 1 trạm y tế, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 phân hiệu trường mẫu giáo. Xây dựng hệ thống cấp nước, sửa chữa hệ thống đường ống cấp nước sạch tại nhiều thôn của địa bàn huyện. Xây dựng nhà chế biến mủ cao su tại Thôn 8 (xã Mỹ Đức)…
 
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Đạ Tẻh xác định việc thực hiện Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị để nâng cao giá trị và phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng. Như việc tập trung hỗ trợ xây dựng vùng cao su tập trung trong vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên tại xã Mỹ Đức với diện tích 65 ha và xã Quốc Oai với diện tích 120 ha. Hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô như: lúa chất lượng cao 1.600 ha; dâu tằm 1.200 ha; tre tầm vông 150 ha; cây ăn trái 1.112 ha. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 85,28 triệu đồng/ha. 
 
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, trong thời gian tới, nhằm gắn xây dựng NTM với giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS thì UBND huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn UBND các xã được thụ hưởng Chương trình 135 thành lập Ban chỉ đạo, Ban giám sát cộng đồng để chỉ đạo, triển khai thực hiện theo quy trình hướng dẫn; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình 135 cho từng giai đoạn. Đề nghị Trung ương và UBND tỉnh tăng nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong những năm tiếp theo, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Tập trung kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS để người dân có điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề và xuất khẩu lao động.
 
ĐỨC TÚ