''Đi dân nhớ - ở dân thương''

06:11, 11/11/2020

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.783,34 km2, dân số trên 1.296.906 người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, có 4 tôn giáo chính (Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài), đồng bào các dân tộc có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã tạo nên một cộng đồng đa dạng về văn hóa cũng như phong tục, tập quán.

 

[links()]

Ban CHQS TP Đà Lạt và Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng tổ chức lễ bàn giao nhà nghĩa tình quân dân cho hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Tà Nung, TP Đà Lạt
Ban CHQS TP Đà Lạt và Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng tổ chức lễ bàn giao nhà nghĩa tình quân dân cho hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Tà Nung, TP Đà Lạt
 
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.783,34 km2, dân số trên 1.296.906 người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, có 4 tôn giáo chính (Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài), đồng bào các dân tộc có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển đã tạo nên một cộng đồng đa dạng về văn hóa cũng như phong tục, tập quán. 
 
Đại tá Trần Văn Khương - Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: Về cơ bản, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ, động viên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (ATXH) trên địa bàn cơ bản ổn định, đời sống của Nhân dân trong tỉnh được nâng lên. Tuy nhiên, vấn đề dân tộc, tôn giáo vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp như việc tranh chấp đất đai, di dân tự do, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra...; một số tà đạo vẫn lén lút hoạt động trái phép; giá cả thị trường diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường.
 
Từ đặc điểm tình hình trên, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và triển khai tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” đạt được kết quả thiết thực, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
 
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã kịp thời xây dựng nghị quyết, kế hoạch, quy chế công tác dân vận. Trong từng đơn vị và ở từng địa bàn, công tác dân vận luôn đặt dưới sự lãnh đạo, điều hành thống nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy và chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp; làm tốt công tác tham mưu và phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng, các ban, ngành, đoàn thể, quần chúng tiến hành công tác dân vận. Hàng năm, xây dựng chương trình phối hợp công tác dân vận với các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động giao lưu kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đứng chân, qua đó tạo mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn.
 
Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Đoàn Kinh tế quốc phòng huy động nguồn vốn hơn 22 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh; tiến hành các đợt công tác dân vận tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn đứng chân đạt hiệu quả thiết thực. Triển khai xây dựng công trình đường thảm nhựa nối xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đi xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Làm đường nhựa nối Quốc lộ 27, 28 với tổng chiều dài trên 1,4 km; làm mới đường bê tông xi măng, đường cấp phối, cầu bê tông dự ứng lực và 1 cầu sắt. Xây dựng 12.120 m đường điện trung thế 1 pha, 10.230 m đường dây hạ thế hỗn hợp, 3.995 m đường dây hạ thế độc lập, 08 trạm biến áp 75 KVA phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho trên 1.500 hộ dân. Nạo vét 1 hồ chứa nước diện tích 1,4 ha, dung tích 31.961 m3; kiên cố hóa bằng bê tông cốt thép 2.107 m kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất cho trên 200 ha cây trồng. Hỗ trợ bò giống, gà giống, phân bón, giống bắp lai, giống lúa... cho 11 xã phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ những hoạt động trên đã có khoảng hơn 2.000 lượt hộ nghèo được thụ hưởng từ dự án.
 
Đảng ủy - Ban CHQS huyện Đạ Huoai tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà nghĩa tình quân dân cho hộ nghèo đồng bào DTTS tại Đạ Huoai
Đảng ủy - Ban CHQS huyện Đạ Huoai tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà nghĩa tình quân dân cho hộ nghèo đồng bào DTTS tại Đạ Huoai
 
Được biết, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nhân đạo, Học viện Lục quân (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 502 của Tỉnh ủy) huy động hơn 19,5 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh, chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo 502 của huyện ủy, thành ủy thực hiện tốt phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”.
 
Giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo 502 đã tổ chức 7 đợt công tác dân vận tập trung giúp dân, hướng dẫn kỹ thuật về tái canh cây cà phê, kỹ thuật trồng lúa nước, cách chăm sóc và trồng cây ăn trái, cây nông nghiệp ngắn ngày, mô hình ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê bằng men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, mở ra hướng làm ăn, phát triển kinh tế mới cho Nhân dân trên địa bàn.
 
Ngoài ra, trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đã phối hợp với Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, Bệnh viện Quân y 87/TCHC, Bệnh viện 7A/QK7, Học viện Lục quân, Chi nhánh Viettel Lâm Đồng, các cơ sở y tế địa phương tiến hành khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 2.000 lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Rô Men, Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông (huyện Đam Rông); xã Lộc Bảo, xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm); xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng); xã Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương); xã Mê Linh (huyện Lâm Hà); xã Sơn Điền, Gia Bắc (huyện Di Linh). Hỗ trợ tặng trang thiết bị y tế cho trạm y tế 3 xã của huyện Đam Rông trị giá 46 triệu đồng, tổng trị giá trên 365 triệu đồng phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa quân dân y kết hợp khu vực Phi Liêng, trung bình 1 năm khám, chữa bệnh cho hơn 7.000 lượt người.
 
Phối hợp cùng Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cùng cấp tổ chức gặp mặt, giao lưu nói chuyện, với hơn 1.300 lượt vị chức sắc tiêu biểu các tôn giáo, hơn 3.320 lượt vị tià làng, trưởng thôn, người có uy tín và tặng quà lưu niệm với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Chỉ đạo Ban CHQS huyện Lạc Dương, huyện Bảo Lâm cử hơn 45 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia Đội công tác liên ngành của địa phương vận động hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Tiểu khu 26, 27, xã Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương); Tiểu khu 389, xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) trở về làng cũ; 14 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Tu Tra trả lại 44.305 m2 đất rừng lấn chiếm trái phép.
 
Hoạt động dân vận để lại dấu ấn sâu đậm đó là việc duy trì thường xuyên hoạt động “Tết quân dân” tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương. Kết quả tổ chức thành công một đêm giao lưu văn nghệ, thu hút hơn 300 người tham dự; tặng 50 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá 15 triệu đồng. Tổ chức hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”; cử cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận đợt 2 tại xã Đạ Long, Đạ Tông (huyện Đam Rông) với lực lượng tham gia 1.700 ngày công, tổng kinh phí 457 triệu đồng.
 
Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua. Tiêu biểu phải kể đến như mô hình “Về với Nhân dân”của Bộ CHQS tỉnh, mô hình “Huấn luyện kết hợp với công tác dân vận” của Ban CHQS TP Bảo Lộc, mô hình “Xây dựng nhà tình nghĩa và tình thương” ở Ban CHQS huyện Đức Trọng, mô hình “Hũ gạo tình thương” của Trung đoàn 994, mô hình “Thắp sáng đồng quê” ở Ban CHQS huyện Bảo Lâm, mô hình “Công tác kết nghĩa với phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội và Quốc phòng - An ninh” của Ban CHQS TP Đà Lạt... qua đó đã làm cho phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” của LLVT tỉnh ngày càng có chất lượng cao, đạt hiệu quả thiết thực. 
 
Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Trần Văn Khương cho biết thêm: Trong những năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Quân khu 7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch dân vận; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn và tổ chức lực lượng, phương tiện làm dân vận bảo đảm đúng theo kế hoạch, đạt kết quả cao. Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được quan tâm thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; tổ chức bộ máy cán bộ và chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận từng bước được kiện toàn, nâng cao, bám sát yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt quân - dân và giữa Đảng với Nhân dân.
 
Nhiều hoạt động dân vận đã được LLVT thực hiện bằng cả tinh thần trách nhiệm lẫn tình cảm “quân với dân như cá với nước” và mỗi bước hành quân trên mọi vùng miền của Tổ quốc, bộ đội đã để lại niềm thương nỗi nhớ trong lòng Nhân dân, “đi dân nhớ - ở dân thương”.
 
NGUYỆT THU