Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, công tác xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình "Khu dân cư tiêu biểu" và "Khu dân cư kiểu mẫu" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, công tác xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình “Khu dân cư tiêu biểu” và “Khu dân cư kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân. Cũng từ đó, Lâm Đồng hướng đến việc nâng cao chất lượng sống, kiến tạo khu dân cư thực sự là nơi đáng sống theo hướng văn minh, hiện đại.
KỲ 1: KHI CHỦ TRƯƠNG HÌNH THÀNH TRÊN THỰC TIỄN
|
Tăng thu nhập và nâng cao mức sống từ mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những tiêu chí bình xét khu dân cư kiểu mẫu. (Trong ảnh: Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng lãnh đạo Đoàn ĐBQH và tỉnh thăm khu trồng hoa công nghệ cao tại Công ty Đà Lạt Hasfarm) |
Trên cơ sở định hướng từ Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Nghị định của Chính phủ cũng như các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Lâm Đồng đã ra Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 17/2/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Nghị quyết số 166-NQ/HĐND, ngày 21/1/2020 của HĐND tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu MTTQVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Quyết định số 281/QĐ-MTTQ-BTT ngày 18/4/2019 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng ban hành Tiêu chuẩn khung về mô hình “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” (KDCTB, KDCKM) trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, Lâm Đồng đặt ra quyết tâm phấn đấu từ nay đến cuối nhiệm kỳ (năm 2024), toàn tỉnh có trên 50% KDCTB, trong đó có trên 30% KDCKM và tiến tới năm 2029, toàn tỉnh có từ 90 - 95% KDCTB, trong đó có trên 60% KDCKM.
Trao đổi về sự thiết thực của mô hình KDCTB, KDCKM, ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh tâm huyết: Phát huy những kết quả đạt được của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2019; từ thực tiễn tình hình hoạt động, hiệu quả và sức lan tỏa của các hình thức tự quản, mô hình tự quản của Nhân dân tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh hiện nay, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong tỉnh nhìn chung đã năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp triển khai, hiệp thương, phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” đạt hiệu quả; vai trò của MTTQ các cấp được phát huy.
Theo số liệu thống kê, tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.541 thôn, tổ dân phố. Sau khi thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh hiện nay còn 1.376 thôn, tổ dân phố; trong đó có 877 thôn, 499 tổ dân phố, giảm 165 thôn, tổ dân phố so với trước đây. Hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố có chi bộ Đảng, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể gồm: Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Chữ thập đỏ và Hội Khuyến học… Trong đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư thể hiện rõ vai trò nòng cốt, chủ trì thực hiện xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhất là việc xây dựng KDCTB, KDCKM. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; làm tốt vai trò chủ trì tham mưu chi bộ, phối hợp với Ban Nhân dân thôn, tổ dân phố và các tổ chức thành viên của MTTQ tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn khu dân cư, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
Qua nhiều năm thực hiện, các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có 1.112 mô hình tự quản ở khu dân cư hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế có 402 mô hình; lĩnh vực an ninh trật tự có 511 mô hình; lĩnh vực bảo vệ môi trường có 98 mô hình; lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, nhân đạo từ thiện có 71 mô hình; lĩnh vực khác có 30 mô hình.
Các mô hình tự quản ra đời và hoạt động đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khu dân cư; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương, cơ sở.
Tìm hiểu thực tế cơ sở, phóng viên ghi nhận các ý kiến cho rằng: Việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có mặt thuận lợi là các nguồn lực về nhân lực, kinh phí hoạt động của thôn, tổ dân phố được tăng cường; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của khu dân cư được thực thi bài bản, khoa học hơn; chế độ phụ cấp và trách nhiệm của các chức danh chủ chốt ở khu dân cư được nâng lên… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất sau khi sắp xếp, sáp nhập các khu dân cư là quy mô dân số tăng, địa giới hành chính của thôn, tổ dân phố rộng hơn; sự biến động, thay đổi về các chức danh đứng đầu hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố như thay đổi Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư; Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận… Tại các khu dân cư mới sáp nhập, các thiết chế văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân chưa đáp ứng kịp với quy mô dân số tăng; sự di chuyển của Nhân dân đến trung tâm sinh hoạt của khu dân cư xa hơn; các lực lượng tham gia xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” hoạt động vất vả hơn so với trước khi sáp nhập… Từ đó, ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý, điều hành, công tác tuyên truyền, vận động và chất lượng phong trào xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”.
Mặt khác, qua khảo sát, đánh giá của Ủy ban MTTQVN tỉnh, tại một số khu dân cư, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các tổ chức thành viên trong xây dựng, hoạt động các mô hình tự quản còn chồng chéo, trùng lắp. Một số tổ chức thành viên của MTTQ chưa có sự gắn kết chặt chẽ với MTTQ và hệ thống chính trị khi xây dựng mô hình tự quản. Chất lượng, hiệu quả một số mô hình tự quản còn hạn chế, thiếu kinh phí để hoạt động. Việc duy trì, nâng cao chất lượng mô hình chưa được chú trọng. Công tác sơ kết, tổng kết, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các mô hình tự quản tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức.
NGUYỆT THU