Giúp học sinh khuyết tật hòa nhập

07:11, 22/11/2020

(LĐ online) - Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục, trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường, trong trường phổ thông tại nơi trẻ sinh sống...

(LĐ online) - Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục, trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ em bình thường, trong trường phổ thông tại nơi trẻ sinh sống. Thực tế, vì nhiều lý do mà công tác này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Điều này khiến cô giáo Bùi Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Tân Châu I (huyện Di Linh) vô cùng trăn trở, từ đó tìm ra giải pháp thích hợp để tháo gỡ những khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
 
Đề tài “Một số giải pháp giúp giáo viên chủ nhiệm (GVCN) làm tốt công tác giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập” của cô Bùi Thị Nguyệt đã được áp dụng vào thực tiễn từ 2 năm nay. Năm 2020, đề tài này được UBND tỉnh công nhận là Sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh.
 
Dưới sự hướng dẫn của cô hiệu trưởng Bùi Thị Nguyệt (trái) và GVCN, em Bằng Tuấn Khang đã có nhiều tiến bộ trong học tập và kỹ năng
Dưới sự hướng dẫn của cô Hiệu trưởng Bùi Thị Nguyệt (trái) và GVCN, em Bằng Tuấn Khang đã có nhiều tiến bộ trong học tập và kỹ năng
 
Xuất phát từ thực tiễn
 
32 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Hiệu trưởng Bùi Thị Nguyệt nói rằng mình có duyên với công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.Từ năm 2008 cho đến nay, cô đã được tham gia nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh về trẻ khuyết tật, kể cả các chương trình tập huấn của chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc về công tác giáo dục hòa nhập.
 
Càng đi nhiều, tiếp xúc nhiều kiến thức liên quan, cô càng thấy trẻ em khuyết tật ở nông thôn chịu nhiều thiệt thòi và công tác giáo dục trẻ khuyết tật tại địa phương còn nhiều hạn chế. Vì nhiều lý do khác nhau mà đại bộ phận trẻ khuyết tật ít được hoặc không được ra lớp, hoặc chỉ đến lớp một thời gian ngắn sau đó bỏ học.
 
Từ tháng 10/2018, khi về làm Hiệu trưởng Trường TH Tân Châu I, cô Nguyệt bắt đầu đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, bởi Trường TH Tân Châu I là một trong những trường hàng năm có số học sinh khuyết tật hòa nhập khá nhiều so với các trường TH khác trên địa bàn huyện Di Linh. 
 
Cụ thể, năm học 2018 - 2019, trường có 8/570 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,4% (cuối năm có 2 em hoàn thành chương trình bậc Tiểu học). Năm học 2019 - 2020 có 6/553 học sinh khuyết tật học hòa nhập, chiếm tỷ lệ 1,1%, gồm các dạng khuyết tật như câm điếc, trí tuệ chậm phát triển, khuyết tật về ngôn ngữ,... Đa số các em đến trường học để hòa nhập chứ không theo kịp các lĩnh vực giáo dục đặt ra và có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
 
Theo cô Nguyệt, giáo dục hòa nhập cần dựa trên quan điểm tích cực, đánh giá đúng trẻ khuyết tật, bởi mọi trẻ em dù khuyết tật nhưng vẫn có những năng lực nhất định. Từ đó tập trung quan tâm, tìm kiếm những cái mà trẻ khuyết tật có thể làm được. Cũng theo quan điểm giáo dục này, cộng đồng xã hội cần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động và hòa nhập xã hội, tạo niềm tin, lòng tự trọng, ý chí vươn lên để các em đạt mức chất lượng cao nhất mà năng lực của mình cho phép.
 
Thực tiễn những năm gần đây, việc huy động trẻ khuyết tật ra lớp học hòa nhập luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong đợi. “GVCN lớp quá nhiều áp lực, nhiều việc phải hoàn thành; đội ngũ giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, năng lực của một số cán bộ quản lý còn hạn chế trong các khâu điều hành, tổ chức thực hiện; cơ sở vật chất phục vụ cho việc giáo dục trẻ hòa nhập còn nhiều thiếu thốn. Gia đình học sinh thường mặc cảm, tự ti, không muốn cho trẻ đến trường hoặc tiếp xúc với người ngoài, có khi lại phó mặc cho nhà trường. Đây là những khó khăn cần sớm được tháo gỡ” - cô Nguyệt phân tích.
 
Ở trường TH tân Châu I, học sinh khuyết tật được học chung với học sinh bình thường với chương trình học được điều chỉnh phù hợp
Ở Trường TH tân Châu I, học sinh khuyết tật được học chung với học sinh bình thường với chương trình học được điều chỉnh phù hợp
 
Giải pháp thiết thực
 
Từ 2 năm nay, anh Bằng Sơn Viễn (xã Tân Châu) đã không còn phải đều đặn mỗi tuần đưa đón con trai xuống trường Khiếm thính Ánh Sao (Bảo Lộc) để học, khi Bằng Tuấn Khang - con trai anh, đã được chuyển lên học ở Trường TH Tân Châu I. Khang bị khiếm thính, phải mang máy trợ thính lúc học. Công việc nhà nông bận rộn, vất vả, anh Bằng chia sẻ rằng từ khi Khang chuyển về học gần nhà, con trai anh được gần gũi với gia đình hơn, bố mẹ cũng không còn tốn nhiều thời gian đưa đón hay lo lắng khi con học xa.
 
Dù vẫn gặp khó khăn trong phát âm, nhưng bây giờ, Khang đã có thể đọc được nguyên một đoạn văn hoặc đề toán. Vẫn còn rụt rè, nhút nhát, nhưng em đã có thêm bạn ở cùng bàn, cùng nhóm. Đó là điều khiến bố mẹ Khang vui hơn cả. 
 
Là giáo viên chủ nhiệm của lớp 4A3, cô giáo Phan Thị Thắm vẫn thường ưu tiên dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho cậu học trò đặc biệt này. Cô Thắm cho hay: “Trong giờ học, Khang rất tập trung, khả năng tiếp thu và hoàn thành bài của em có thể đạt đến 75% so với các bạn khác. Sau khi giảng bài cho cả lớp, tôi có thể giảng thêm cho riêng Khang, và có những yêu cầu linh hoạt, phù hợp với em như đặt câu hỏi dễ để khuyến khích em trả lời. Điều này giúp em tự tin, mạnh dạn hơn”. 
 
Cũng như cô Thắm, các GVCN phụ trách các lớp có học sinh khuyết tật tại Trường TH Tân Châu I đều đã vận dụng linh hoạt các giải pháp được đề ra. Cuối năm học 2019 - 2020, Trường TH Tân Châu I có 4 học sinh khuyết tật hoàn thành môn học và hoạt động giáo dục. Các em đều có những chuyển biến rõ rệt và tiến bộ nhiều về mọi mặt, đặc biệt là những kỹ năng hòa nhập cộng đồng. 
 
Để có được những chuyển biến này, cô Bùi Thị Nguyệt đã đề ra 5 nhóm giải pháp để thực hiện, liên quan đến: công tác quản lý của Hiệu trưởng; Tổ khối chuyên môn; GVCN; Công tác phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường; Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và cộng đồng. Trong đó, GVCN được xác định là nhân tố đóng vai trò quyết định. Theo đó, mỗi lớp được phân bố không quá 2 học sinh khuyết tật, và chọn giáo viên có kinh nghiệm, uy tín và trách nhiệm để dạy các lớp này.
 
GVCN phải hiểu rõ nhu cầu và năng lực của từng trẻ khuyết tật để xây dựng mục tiêu giáo dục phù hợp, tổ chức các mối quan hệ giữa học sinh bình thường với học sinh khuyết tật. Đồng thời tổng hợp thông tin về trẻ từ nhiều yếu tố để xây dựng chương trình học đáp ứng mong muốn của học sinh và phụ huynh.
 
“Chúng tôi xác định việc huy động và duy trì số lượng trẻ khuyết tật đến lớp là một trong những mục tiêu thực hiện chiến lược mang tính bền vững và lâu dài. Mặc dù kết quả bước đầu còn khiêm tốn, nhưng điều quan trọng là cộng đồng xã hội và cha mẹ học sinh đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập. Đây sẽ là bước đầu để tạo nên những sự thay đổi”- cô Nguyệt chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH