Hội Phụ nữ tỉnh hội thảo tổng kết mô hình cổ phần tài chính tự quản

04:11, 24/11/2020

(LĐ online) - Sáng 24/11, Hội Phụ nữ Lâm Đồng phối hợp với tổ chức CARE tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản.

(LĐ online) - Sáng 24/11, Hội Phụ nữ Lâm Đồng phối hợp với tổ chức CARE tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo tổng kết dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản”.
Các đại biểu tham dự hội thảo tổng kết dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản”.
 
Sau 2 năm triển khai thực hiện dự án, với sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh và địa phương, dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại TP Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản” đã mang lại nhiều thay đổi tích cực và đạt được những kết quả nhất định. 
 
Theo đó, với hợp phần nâng cao năng lực cho phụ nữ tạm cư, trải qua 4 khóa tập huấn theo phương pháp đồng tham gia, 32 thành viên nòng cốt thuộc các tổ  phụ nữ tạm cư tham gia sinh hoạt Hội tại thành phố Đà Lạt là những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án đã được tiếp cận thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về quyền cơ bản của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật lao động... Qua đó, các chị đã biết áp dụng các kiến thức đã học về tổ chức 20 buổi tuyên truyền với nội dung phong phú cho hơn 760 lượt chị ở tổ “Phụ nữ tạm cư tham gia sinh hoạt Hội”. Từ đó, góp phần giúp chị em phụ nữ tạm cư hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của mình để có cách phòng trách khi gặp sự cố trong công việc và tích cực tham gia các hoạt động hội đoàn thể tại địa phương.
 
Với hợp phần tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản, dự án thành lập được 20 mô hình “Cổ phần tài chính tự quản” tại Đà Lạt và 1 mô hình tại Thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng với hơn 500 thành viên tham gia đóng cổ phần (mệnh giá cổ phần từ 50.000 - 500.000 đồng/cổ phần) với số tiền hiện này là 792.350.000 đồng giúp cho 115 chị vay với lãi suất từ 0,5%/ tháng - 1%/tháng.  
 
Mô hình cổ phần tài chính tự quản được triển khai theo hình thức nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của nhóm cổ phần tài chính tự quản là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới hình thức cho các thành viên trong nhóm vay lại. Lãi suất đóng theo tháng, tiền gốc đóng vào cuối chu kỳ. Tuy nhiên, có một số mô hình trả gốc và lãi theo phân kỳ trả nợ hàng tháng. Ðiểm nổi bật của mô hình là việc vận hành rất đơn giản, không phải tính toán nhiều nên chị em có thể tham gia. Mô hình cổ phần tài chính tự quản tạo ra liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, mỗi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Không chỉ tạo cơ hội để chị em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống gia đình, kinh doanh sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, mô hình cổ phần tài chính tự quản còn giúp chị em hội viên phụ nữ  được giáo dục tài chính, quản lý thu nhập, chi tiêu gia đình, tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục phù hợp với nhu cầu của các thành viên góp phần ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen trên địa bàn;  tạo môi trường cởi mở, đoàn kết, tương thân tương ái tích cực thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”. Ðây là một trong những cách làm hay để hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tăng cường vị thế, vai trò và tiếng nói trong các tiến trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
 
Từ năm 2019 -2020, Hội LHPN tỉnh được tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ 546.510.000đ đồng  để triển khai hoạt động mở rộng của dự án “Nâng quyền cho nữ lao động di cư trong thị trường phi chính thức tại TP Đà Lạt thông qua nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận mô hình cổ phần tài chính tự quản. Từ hoạt động của dự án, Hội LHPN tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Thực trạng tiếp cận dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức tại thành phố Đà Lạt” để có giải pháp hỗ trợ phụ nữ làm việc phi chính thức trong thời gian đến.
 
AN NHIÊN