Hội thảo Chính sách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS, góc nhìn từ kết quả nghiên cứu thực tế

02:11, 17/11/2020

(LĐ online) - Sáng 17/11, tại TP Đà Lạt, Vụ Địa phương 2 - Ủy Ban Dân Tộc và Trung tâm Phát triển Truyền thông và Sức khỏe đã hợp tác cùng tổ chức ActionAid Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo về Chính sách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, góc nhìn từ kết quả nghiên cứu thực tế. 

(LĐ online) - Sáng 17/11, tại TP Đà Lạt, Vụ Địa phương 2 - Ủy Ban Dân Tộc và Trung tâm Phát triển Truyền thông và Sức khỏe đã hợp tác cùng tổ chức ActionAid Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo về Chính sách chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, góc nhìn từ kết quả nghiên cứu thực tế. 
 
Nhóm phụ nữ trong đối tượng nghiên cứu của đề tài dự án tham dự hội thảo
Nhóm phụ nữ trong đối tượng nghiên cứu của đề tài dự án tham dự hội thảo
 
Các bệnh không do viêm nhiễm sẽ nhiều hơn 
 
Tham dự hội thảo có 70 đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế, các tổ chức xã hội, các nhà báo, chuyên gia tư vấn độc lập, chính quyền và Nhân dân 2 huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk).
 
Thay mặt tổ chức ActionAid Việt Nam, bà Trần Bích Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo cho biết: Báo cáo nghiên cứu về “Tình hình các bệnh phụ khoa ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ tại huyện Krông Bông và huyện Lâm Hà” sẽ đánh giá tình hình mắc các bệnh phụ khoa của nhóm phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ; đưa ra những khuyến nghị về dịch vụ đáp ứng của phòng khám sản khoa; đề xuất những giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương. Đây cũng sẽ là diễn đàn để đại diện các bộ, ban ngành trung ương, cơ quan quản lý nhà nước, ngành y tế, các tổ chức xã hội, các chuyên gia tư vấn độc lập, chính quyền và Nhân dân địa phương thảo luận những nội dung liên quan đến chủ đề tăng cường sức khỏe sinh sản và tình dục cho phụ nữ và thanh niên DTTS tại các tỉnh Tây Nguyên. 
 
Là một trong những tổ chức có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phát triển cộng đồng, thúc đẩy quyền phụ nữ và dịch vụ công nhạy cảm giới tại Việt Nam, ActionAid sẵn sàng tham gia và hỗ trợ công tác xây dựng năng lực, đào tạo, kết nối và phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, ngành y tế và các bên liên quan. Những kết quả đánh giá thực tiễn từ nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các đại biểu từ hội thảo này, kết hợp với những thành quả của dự án EC4 và khung chính sách của Bộ Y tế sẽ góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ và thanh niên DTTS nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung.
 
Dự án EC4 “Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản" do Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ thực hiện từ 7/2017 đến 7/2021 tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Dự án hướng đến 95.320 đối tượng hưởng lợi cuối cùng, tương đương với 60% số phụ nữ và thanh niên ở hai huyện. 
 
Đến tháng 9/2018, một số hoạt động dự án đã được thực hiện như khảo sát ban đầu; thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ hoat động cho các tổ chức xã hội dân sự, cán khóa tập huấn về tiếp cận dựa trên quyền, giám sát dịch vụ công nhạy cảm giới, kỹ năng lãnh đạo và phát triển tổ chức... cũng đã được tổ chức cho cán bộ địa phương. Triển khai nghiên cứu về “Tình hình mắc các bệnh phụ khoa của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ” để xác định thực trạng và nguyên nhân của các vấn đề này và đưa ra những khuyến cáo về dịch vụ đáp ứng phù hợp. 
 
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện ở 3 xã Khuê Ngọc Điền, Dang Kang, Hòa Phong của huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) và 2 xã dự án Đan Phượng, Tân Thanh của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Đối tượng nghiên cứu là phụ nữ trong cộng đồng ở độ tuổi từ 19 đến 60. Các phát hiện chính từ nghiên cứu là: Nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu đang ở trong độ tuổi có nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 35 và phần lớn từ 20 - 40 tuổi. Khoảng 1/4 trong số này chưa có hoặc chỉ có 1 con, hơn 50% có 1-2 con; khoảng 3/4 có học vấn ở mức cấp 2 trở lên. Tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa ở nhóm phụ nữ đến khám ở các cơ sở y tế công lập đang ở mức cao với các triệu chứng thường gặp. Các bệnh phụ khoa phổ biến là viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, âm hộ; nhiễm trùng đường tiểu; rối loạn kinh nguyệt và viêm vòi trứng, buồng trứng. Tác nhân gây bệnh thường gặp là nhiễm trùng do Trichomonas Vaginalis, Candida Albicans, Gram (+) và tình trạng rối loạn kinh nguyệt là do yếu tố nội tiết. 
 
Có một khoảng trống thông tin về tỉ lệ mắc bệnh phụ khoa tại cộng đồng. Các cơ sở y tế công lập tổng hợp số liệu theo số lượt chứ không theo số trường hợp đến khám và điều trị. Số liệu khám và điều trị ở cơ sở y tế tư nhân không được ghi nhận và tổng hợp. Hơn nữa, việc suy diễn từ tỉ lệ mắc bệnh trong số đi khám sang con số chung cho cộng đồng là không phù hợp. Dự báo rằng trong thời gian tới, các trường hợp viêm nhiễm đường sinh sản sẽ giảm hoặc ở mức bão hòa do phụ nữ có điều kiện vệ sinh cá nhân và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Các bệnh không do viêm nhiễm, ví dụ như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u vú... sẽ nhiều hơn nhờ được phát hiện sớm hơn, do được cung cấp và sử dụng dịch vụ y tế tốt hơn. Các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành viên như tình dục không an toàn, nạo phá thai không an toàn... sẽ trở nên rõ hơn và phức tạp hơn. 
 
Nhóm phụ nữ cộng đồng đang có kiến thức khá tốt về dấu hiệu giúp phát hiện sớm và cách phòng viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh phụ khoa. Nhóm phụ nữ này cũng đang tiếp cận được nguồn nước sạch cho nhu cầu vệ sinh hàng ngày. Thói quen chưa tốt và điều kiện bất lợi tạo ra nguy cơ mắc bệnh phụ khoa ở nhóm này là thực hành vệ sinh không đúng cách; làm việc trong môi trường ẩm thấp, làm rẫy trong mùa mưa và chưa có thói quen khám phụ khoa định kỳ.
 
Chi phí y tế và điều kiện đi lại không phải là rào cản cho việc đi khám bệnh của người dân. Việc thông tuyến BHYT đã tạo thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhóm phụ nữ trong cộng đồng chỉ đi khám khi họ có nhu cầu trước mắt để điều trị bệnh; hoặc khi có chiến dịch khám tổ chức miễn phí tại cộng đồng. Mặc dù nghĩ rằng không cần phải khám định kỳ, nhưng nếu có chiến dịch khám miễn phí thì người dân sẵn sàng đi khám. Các đợt khám bệnh ngoại viện của ngành y tế hay các đợt khám bệnh từ thiện tại cộng đồng là cơ hội để người dân được khám, phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của hoạt động này thấp. 
 
Báo cáo nghiên cứu tình hình mắc bệnh phụ nữ trong vùng dự án gồm 5 xã thuộc huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng)
Báo cáo nghiên cứu tình hình mắc bệnh phụ nữ trong vùng dự án gồm 5 xã thuộc huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng)
 
Cải thiện chất lượng khám và điều trị bệnh phụ khoa 
 
Hiện chưa có một chương trình hay chính sách riêng biệt cho việc dự phòng và điều trị bệnh phụ khoa ở các địa bàn dự án. Việc khám và điều trị bệnh phụ khoa tuân theo các quy định chung và khám chữa bệnh của ngành y tế. Công tác dự phòng bệnh phụ khoa chủ yếu là truyền thông. Hoạt động này có liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành khác nhau. Trạm y tế xã, bệnh viện huyện và các phòng khám tư nhân đều có dịch vụ khám và điều trị nội khoa các bệnh do rối loạn nội tiết, các trường hợp viêm nhiễm đường sinh sản. Bệnh viện huyện có thể và điều trị ngoại khoa các trường hợp u xơ, u nang cơ quan sinh sản. 
 
Trạm y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh có thanh toán BHYT. Vì vậy, trạm có nguồn thu từ BHYT trả chi phí. Tuy nhiên, nguồn thu này không đủ cho ngân sách hoạt động của trạm y tế. Nên trung tâm y tế huyện phải cân đối và hỗ trợ thêm. Chi phí cho lương nhân viên được chi trả theo quy định bậc lương của nhà nước. Ngoài ra, khi thực hiện những chiến dịch phối hợp với các cơ quan ban ngành khác, trạm y tế còn được các cơ quan này hỗ trợ thêm kinh phí. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này phụ thuộc vào từng hoạt động cụ thể và không ổn định. 
 
Quá trình lập kế hoạch của ngành y tế đang được thực hiện theo cách tiếp cận phối hợp, vừa từ dưới lên, vừa từ trên xuống. Tuy nhiên, hướng tiếp cận quyết định là từ trên xuống. Quá trình đăng ký và phân bổ chỉ tiêu của trung tâm y tế huyện và sở y tế đã tham chiếu các nguồn thông tin chủ yếu từ báo cáo và chỉ tiêu đăng ký của tuyến dưới; nghị quyết của HĐND cùng cấp và chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020. 
 
Mạng lưới y tế thôn, cộng tác viên dân số KHHGÐ, chi hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ và các tổ nhóm CLB phụ nữ, nhóm Phát triển Cộng đồng thuộc dự án EC4 có thể được coi như là những hoạt động liên quan đến việc cải thiện sức khỏe phụ nữ; trong đó, có bệnh phụ khoa. Các nhóm được thành lập để vận động phụ nữ thực hiện các chương trình mà các tổ chức đứng sau này đang thực hiện. Lãnh đạo nhóm này truyền thông cho nhóm phụ nữ là thành viên của họ và cộng đồng về các chủ đề sức khỏe phụ nữ; trong đó, có bệnh phụ khoa. Kênh truyền thông ưa thích của nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu là truyền thông trực tiếp, kết hợp với truyền thông đại chúng và các sự kiện, áp phích cộng đồng. 
 
Dịch vụ y tế tư nhân đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Chất lượng dịch vụ và chuyên môn y tế của các phòng khám tư được đánh giá cao. Chi phí cho y tế và đi lại khi khám chữa bệnh thông thường ở mức chấp nhận được. Hầu hết số tham gia nghiên cứu đều hài lòng về dịch vụ y tế tư nhân ở địa bàn dự án. Với mô hình phòng khám thuộc dự án, gói dịch vụ được nhóm phụ nữ tham gia nghiên cứu mong đợi là khám chữa bệnh phụ khoa, khám thai định kỳ, chăm sóc sức khỏe tình dục, tư vấn, tham vấn và KHHGĐ. Chi phí dịch vụ có thể được tính bằng chi phí của phòng khám ngoài giờ ở huyện. Việc thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt, hoặc phiếu khám chữa bệnh hay các loại thẻ. Các nhóm phát triển cộng đồng có thể tham gia hỗ trợ phòng khám bằng các hoạt động truyền thông, kết nối dịch vụ và phản ánh nhu cầu của khách hàng.
 
Khuyến nghị của báo cáo nghiên cứu tập trung vào các hướng sau: Cải thiện dịch vụ truyền thông, tư vấn tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế và cải thiện chất lượng khám và điều trị bệnh phụ khoa của hệ thống y tế công. Thành lập phòng khám chăm sóc sức khỏe sinh sản; tập trung vào yếu tố pháp lý của phòng khám, quy mô, vai trò của các tổ chức xã hội và các gói dịch vụ cung cấp.
 
AN NHIÊN