"K'Kim làm Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim này rồi", ông Cil Yũ Ha Giảng - người già uy tín của thôn Liêng Bông đã vui mừng thông báo với tôi như thế. Ông đang vui niềm vui chung của các buôn làng ở Đạ Nhim khi người con gái ưu tú của họ trở thành nữ Chủ tịch UBND xã đầu tiên của huyện Lạc Dương.
“K’Kim làm Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim này rồi”, ông Cil Yũ Ha Giảng - người già uy tín của thôn Liêng Bông đã vui mừng thông báo với tôi như thế. Ông đang vui niềm vui chung của các buôn làng ở Đạ Nhim khi người con gái ưu tú của họ trở thành nữ Chủ tịch UBND xã đầu tiên của huyện Lạc Dương.
|
Kơ Să K’Kim (bìa trái) là người con gái ưu tú của Đạ Nhim, là nữ Chủ tịch UBND xã đầu tiên của huyện Lạc Dương |
Đón tôi trong lần quay trở lại Đạ Nhim, vẫn nụ cười hiền quen thuộc, Kơ Să K’Kim bảo rằng “Được lãnh đạo địa phương và bà con tin tưởng mình vui lắm chứ. Vui nhiều nhưng áp lực cũng nhiều. Mình đang học tất cả mọi thứ để có thể hoàn thành công việc tốt nhất”. 34 tuổi, Kơ Să K’Kim - người con gái dân tộc Cill ở Đạ Nhim không chỉ nổi tiếng khắp vùng bởi nhan sắc xinh đẹp hay giọng hát thánh thót như chim, điệu múa mềm mại như suối mà cô còn được nhắc đến là người học giỏi nhất vùng. Chị là người con gái đầu tiên của những buôn làng nơi đây ra học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.
Tuổi thơ của cô là những tháng ngày mà cái đói là nỗi ám ảnh của cả buôn làng. Người ta đói giáp hạt, còn với gia đình có tới 11 anh em như nhà K’Kim thì cái đói giáp hạt ấy kéo dài quanh năm. Những tháng ngày ba mẹ và anh chị em đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, trên lưng mỗi người là củi, là rau rừng... nhưng bữa cơm của họ chỉ là một chén gạo nấu cháo loãng và cho rau rừng vào ăn cùng cho no bụng. Thế nhưng điều đặc biệt là cả 11 người con trong gia đình ấy đều được ăn học đàng hoàng. Thời điểm đó người ta bảo cha mẹ của K’Kim là “ngu dốt” bởi “cho con đi học chữ rồi lấy chữ mà ăn à”. Nhưng với ông Kon Sơ Ha Liêng và bà Kơ Să K’Srai - cặp vợ chồng không biết chữ nhưng những buổi học giáo lý ở nhà thờ cho họ biết rằng “không biết chữ, không được học hành thì khổ lắm”. Sự động viên của cha mẹ và cả sự vất vả trong lao động mỗi ngày chính là lý do để 11 đứa trẻ trong gia đình này nhất quyết không bỏ học. Thậm chí người con gái thứ 10 K’Kim và cô em gái thứ 11 còn học vô cùng giỏi. Tốt nghiệp Trường THPT, mặc dù thi đậu trường Đại học Đà Lạt nhưng cũng bởi gia đình quá khó khăn, K’Kim đã nhường cơ hội bước lên giảng đường cho em gái và trở về nhà. Nhưng chính cô cũng không biết rằng, quyết định ấy lại trở thành bước ngoặt để cô bén duyên với công tác ở địa phương.
Tiếc cho con đường học hành của K’Kim dang dở, lại đúng vào lúc cần hoàn thiện nhân sự, Hội Phụ nữ xã Đạ Nhim đã đề xuất UBND xã cử K’Kim đi học lớp Trung cấp Phụ vận về công tác phụ nữ ở Trường Chính trị tỉnh năm 2004. Sau 2 năm theo học, năm 2006 K’Kim trở về làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã khi vừa tròn 20 tuổi. Ngoài kiến thức sách vở, K’Kim còn bỡ ngỡ với công tác thực tiễn, nên cô thường xuyên đi cơ sở. Trong tất cả các cuộc họp ở thôn, các đợt vận động, tuyên truyền, K’Kim đều hăng hái tham gia. Bởi với cô “làm để học”. Sự ham học, năng lực và nỗ lực của K’Kim đã được lãnh đạo xã và bà con nhìn thấy. Và cũng trong tuổi 20 cô vinh dự được kết nạp và trở thành nữ đảng viên trẻ của Đạ Nhim. Sau 4 năm miệt mài cống hiến trong công tác phụ nữ, năm 2010, K’Kim được tất cả chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, K’Kim đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền. Những vấn đề nóng như đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tuyên truyền chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc con cái, vận động chống bỏ học… được K’Kim đẩy mạnh triển khai. Ở vùng đất thuộc chế độ mẫu hệ như Đạ Nhim, việc thay đổi nhận thức của phụ nữ đóng góp rất lớn cho sự đổi thay chung của cả vùng đất. Đã có nhiều dấu ấn của K’Kim để lại trong công tác phụ nữ, đơn cử như tại thôn Liêng Bông những năm trước là “điểm nóng” của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS. Hội Phụ nữ đã thành lập tại thôn này Câu lạc bộ “Phụ nữ không hôn nhân cận huyết” và vận động 35 chị em tham gia. Các gia đình có người tảo hôn, hôn nhân cận huyết hoặc những gia đình chuẩn bị thực hiện việc này đều được vận động vào câu lạc bộ. Bởi theo chị Kơ Să K’Kim - họ chính là những người cần vận động trước. Để rồi khi đã hiểu ra, chính họ lại trở thành những người vận động trong buôn làng. Với cách làm hiệu quả đó, đến nay không chỉ số lượng thành viên câu lạc bộ đã tăng lên 50 người mà thôn Liêng Bông đã hoàn toàn xóa bỏ được tập tục này. Đồng thời mô hình này còn lan tỏa ra các thôn khác trong xã.
Năm 2015, Kơ Să K’Kim lại được tín nhiệm đảm nhận các vị trí Phó Bí thư Đảng ủy xã kiêm Phó Chủ tịch HĐND, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy. Thời điểm đó Đạ Nhim có chủ trương đưa các đảng ủy viên về làm bí thư chi bộ các thôn, K’Kim được điều về làm Bí thư Chi bộ thôn Liêng Bông. Nhiều trọng trách đè nặng lên vai người con gái. Nhưng có lẽ chính phương châm “học nhiều, hỏi nhiều và nỗ lực nhiều” đã giúp K’Kim hoàn thành được mọi nhiệm vụ. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc thi Bí thư Chi bộ giỏi năm 2018, tên K’Kim lần lượt được xướng lên ở vị trí cao nhất cấp xã và vị trí thứ 2 cấp huyện. Bởi đó là kinh nghiệm, là kết quả của cô trong những tháng ngày làm công tác Đảng ở cơ sở.
Đạ Nhim là xã có 79,8% dân số là người DTTS. Lượng đảng viên là đồng bào DTTS cũng chiếm đến 50,8%. Với lợi thế là đồng bào DTTS, K’Kim đi cơ sở thường xuyên, tiếp xúc, giải thích để bà con hiểu các chủ trương nhằm tạo sự đồng thuận. Là người lãnh đạo phụ trách công tác Đảng, K’Kim hiểu rằng để có được sự tín nhiệm của các đảng viên lớn tuổi, ngoài việc nắm rõ các quy định để “hỏi tới đâu, biết và giải thích tới đó” còn cần phải trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng lòng tin của bà con từ những điều thực tiễn nhất. Có lẽ cũng bởi lý do đó mà hàng trăm nóc nhà ở 5 thôn, mỗi nhà một hoàn cảnh, song cô vẫn thuộc nằm lòng. Ở thôn Đarahoa và Đa Tro, bà con chủ yếu theo đạo Cơ đốc, đạo Thiên chúa nên sẽ nghỉ vào ngày thứ Bảy; đó cũng chính là thời điểm cán bộ xã vào thôn để triển khai các công việc trong thôn. Còn ở các thôn Liêng Bông, Đaplah, Đa Chais, bà con chủ yếu theo đạo Tin lành nên ngày Chủ nhật là thời điểm cán bộ xã vào làm công tác tuyên truyền trong thôn. Còn ở chi bộ thôn Liêng Bông, nơi cô làm Bí thư chi bộ, phần lớn các đảng viên là nông dân nên việc sinh hoạt chi bộ phải tổ chức vào ban đêm để vẫn đảm bảo đúng quy định mà không ảnh hưởng tới công việc của bà con. Và rồi suốt bao năm qua, trong tất cả các nhiệm vụ như rà soát hộ nghèo, vận động bà con đóng bảo hiểm y tế, vận động các cháu học sinh ra lớp hay đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng… tất cả đều có bóng dáng của K’Kim.
Ông Nguyễn Hữu Hòa - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Dương khẳng định rằng: “Công tác tổ chức cán bộ chọn K’Kim vào vị trí Chủ tịch UBND xã là sự cất nhắc, xem xét kỹ lưỡng của Huyện ủy trong suốt thời gian dài. Ngoài việc dựa trên năng lực của cán bộ sau thời gian dài cống hiến còn có cả sự tín nhiệm của toàn thể đảng viên và Nhân dân trong xã”.
Và giờ đây, trên cương vị mới - Chủ tịch UBND xã, người ta lại thấy K’Kim thường xuyên luồn rừng kiểm tra các tiểu khu. Bởi với cô giờ đây “mình phải đi nhiều, phải hỏi nhiều, học nhiều mới không phụ lòng tin của bà con ”.
NGỌC NGÀ