Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng"...
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, các thế hệ nhà giáo tại TP Bảo Lộc đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ và niềm đam mê cho sự nghiệp “trồng người” cao quý.
|
Cô giáo Ka Àng |
Cô giáo phải là mẹ hiền
Đúng 16 năm, cô giáo Ka Àng (42 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc) gắn cuộc đời mình với nghề chăm trẻ. Chúng tôi về thăm Trường Mầm non Đạ Nghịch, khi cô giáo Ka Àng đang tay bế, tay bồng những đứa trẻ chỉ mới 2 - 3 tuổi đang bập bẹ tập nói. Phần lớn trẻ ở Mầm non Đạ Nghịch là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu gặp nhiều khó khăn hơn.
Cô giáo Ka Àng tâm sự: “Giáo dục mầm non là giai đoạn vô cùng quan trọng, có tính định hướng cho trẻ. Từ kinh nghiệm 16 năm gắn bó với các con, mình nhận thấy công việc của cô giáo mầm non lúc này không chỉ đơn thuần là chăm sóc trẻ từ những bữa ăn hàng ngày; hay đưa bé vào giấc ngủ ầu ơ, mà tụi mình còn phải biết dạy trẻ những điều tốt, tránh xa những điều xấu; dạy bé biết gọi dạ bảo vâng, nghe lời dạy bảo của người lớn, biết tôn trọng người già, yêu thương bạn bè cùng trang lứa. Những lúc trẻ tò mò, ngó nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trong veo thì tụi mình phải là người giải đáp thắc mắc cho bé… Vì thế, mỗi giáo viên mầm non như một người mẹ thứ hai, thay thế người mẹ đẻ dạy dỗ trẻ những khi ở trường”. Cô Ka Àng 3 năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp thành phố và được UBND TP Bảo Lộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tặng thưởng nhiều giấy khen.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền |
Cán bộ quản lý tài năng
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Lộc Sơn 1 (TP Bảo Lộc). Lúc nhỏ, cô Thu Hiền luôn ước mơ theo đuổi nghề giáo và quyết tâm thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình với nghề cao quý. 22 năm gắn bó với nghề nhà giáo, cô Thu Hiền đã kinh qua nhiệm vụ giảng dạy tại nhiều trường TH trên địa bàn TP Bảo Lộc.
Giờ đây, sau 3 năm làm cán bộ quản lý tại trường TH Lộc Sơn 1, cô Thu Hiền nhận thấy, rèn luyện phẩm chất năng lực nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của người cán bộ quản lý giáo dục trong xu thế đổi mới và hội nhập. Là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường, cô Thu Hiền cùng Ban giám hiệu nhà trường luôn xác định đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Vì vậy, cô luôn có những đề xuất Ban giám hiệu chú trọng tới công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. “Các buổi sinh hoạt chuyên môn được tổ chức theo hướng tích cực, chú trọng đến người học. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường chúng tôi nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay” - cô Thu Hiền cho biết.
Từ những đóng góp của mình, cô Thu Hiền cùng Ban giám hiệu nhà trường đã đưa TH Lộc Sơn 1 trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành Giáo dục Bảo Lộc trong phong trào dạy học đổi mới. Hàng năm, trường luôn đạt từ 67 - 70% học sinh hoàn thành xuất sắc chương trình. Trong 3 năm, Trường TH Lộc Sơn 1 vinh dự được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen. Trong đợt thi giáo viên giỏi gần đây nhất, trường có 3 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh (chiếm 50% giáo viên giỏi cấp tỉnh khối TH của TP Bảo Lộc) và trường còn có 2/6 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh khối TH của Ngành Giáo dục Bảo Lộc trong năm học 2020 - 2021.
|
Thầy giáo Trần Duy Thiện |
Truyền lửa văn chương cho học sinh
Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên và học sinh Trường THCS Quang Trung (TP Bảo Lộc) khi nhắc đến thầy giáo Trần Duy Thiện (57 tuổi) là nghĩ về một tấm gương sáng luôn tận tâm với nghề để truyền đam mê cho học sinh. Suốt hơn 37 năm làm “người đưa đò”, thầy Thiện đã có nhiều đóng góp trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) môn Ngữ văn của trường, góp phần tích cực vào thành tích chung của ngành Giáo dục TP Bảo Lộc.
“Dạy Văn là dạy cho HS đạo lý, lẽ phải, sống nhân văn hơn; dạy cho các em hình thành nhân cách, có kỹ năng sống để thích nghi với môi trường mà không dễ bị cám dỗ. Môn Ngữ văn còn đem đến cái đẹp, bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Khi mình đủ thuyết phục các em bằng những mục đích tốt đẹp đó thì văn chương sẽ dễ dàng đi vào lòng người thôi!” - thầy giáo Thiện chia sẻ.
Theo thầy Thiện, việc đầu tiên, giáo viên cần quan tâm đến khả năng cảm thụ văn chương của từng em để phân loại HS; phát hiện ra những học sinh có khả năng cũng như học sinh còn yếu để có phương pháp dạy phù hợp. Những em có khả năng cảm thụ tinh tế, nhạy cảm trước mọi vấn đề của cuộc sống; có vốn tri thức phong phú, thuộc nhiều thơ, văn qua việc tự học, tự tích lũy. Đây chính là đối tượng học sinh mà theo như thầy Thiện cần phải được tuyển chọn, bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi HSG.
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Thiện đã nhiều năm liền đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở và cấp tỉnh. Thầy Thiện còn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng… tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm học 2020 - 2021, thầy Trần Duy Thiện cũng là một trong 5 cán bộ, giáo viên của ngành Giáo dục Bảo Lộc vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
KHÁNH PHÚC