Vẫn biết rằng phút giây tử biệt sinh ly rồi sẽ đến, nhưng khi nhận tin anh trút hơi thở cuối cùng trong đêm Đà Lạt đất trời nặng nề mưa gió sao lòng em xót xa đến vậy...
|
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thanh Đạm |
Vẫn biết rằng phút giây tử biệt sinh ly rồi sẽ đến, nhưng khi nhận tin anh trút hơi thở cuối cùng trong đêm Đà Lạt đất trời nặng nề mưa gió sao lòng em xót xa đến vậy. Nguyễn Thanh Đạm ơi, vậy là từ nay không còn được nghe giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm truyền qua điện thoại mỗi lần anh gọi: “Biểu à! Anh Đạm đây!...”. Vậy là từ nay anh em mình âm dương cách trở, chẳng còn cơ hội chung cuộc buồn vui thế thái nhân tình. Từ nay còn đâu những khoảnh khắc đối ẩm dốc cạn tình huynh đệ, sẻ chia cho nhau những cái chau mày trầm tư, truyền năng lượng bằng nụ cười ấm áp và cái siết tay ấm chặt để cùng vượt qua những nặng nhọc phận người…
Nhớ thương anh, em xin được lùi ký ức về với ba mươi năm trước. Ngày đó, khi anh đã là một cây bút cứng cựa của Báo Lâm Đồng thì em là cậu sinh viên vừa mới tốt nghiệp, một phóng viên tập sự còn bỡ ngỡ với nghề, ngơ ngác với đời. Anh đã cùng với các cô chú, anh chị đồng nghiệp đi trước, giang rộng vòng tay nhân hậu, cởi mở đón em. Anh và mọi người đã dành cho em, đứa em út nhỏ nhất bản báo vào thời điểm đó, những tình cảm chân tình, sự giúp đỡ chí nghĩa mà cả cuộc đời em khắc cốt ghi tâm. Những bát cơm ấm lòng mà các anh chị chia sớt cho em từ những nồi cơm nhỏ khét mùi mùn cưa và những bài báo, bản tin đăng báo đầu tiên được bút đỏ sửa chữa nham nhở cùng hòa lẫn vào nhau trong ký ức của em. Nước mắt cứ rưng rưng khi mỗi lần hồi niệm về những năm tháng cực nhọc, gian khó nhưng sâu đậm nghĩa tình thuở ấy!...
Anh Đạm ơi! Chúng ta đều nhớ, đến tận đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, làm báo nhiều gian khó và đời sống của những người làm báo tỉnh lẻ cũng còn lắm khó khăn. Lương thấp, nhuận bút còm, anh em mình đã phải vượt qua cuộc sống thường ngày cùng thế giới cần lao với biết bao lo toan, chật vật. Em không thể nào quên hình ảnh của anh râu tóc rậm rì, dáng người gầy gò, sau những chuyến công tác, những giờ trực tòa soạn, đến ngày nghỉ cuối tuần lại gò lưng đạp chiếc xe cũ kỹ leo lên dốc Dinh 3 chụp ảnh cho du khách như một kế mưu sinh vất vả nhưng trong sạch. Rồi suốt đêm anh cặm cụi trong buồng tối rửa ảnh, những bức ảnh dành cho trang nhất của số báo Lâm Đồng ngày mai và những bức ảnh chụp cho khách du lịch xếp lẫn lộn vào nhau. Bức ảnh nào cũng thấm mồ hôi, sức lực của người cầm máy. Ngày đó, không hiểu sao, em nhớ nhất về anh là những tiếng thở dài sườn sượt, nó chầm chậm tràn qua khứu giác dù thực lòng trước người đối diện hình như anh đã phải cố nén. Sau này, mỗi lần anh em trầm tư bên nhau, em mới biết, những tiếng thở dài ấy anh gửi về với những người ruột thịt đang cách xa hàng ngàn cây số ở quê lúa Đông Các, Đông Hưng, Thái Bình. Nơi ấy, dưới mái nhà nhỏ, anh có người cha già bươn chải trăm nghề nuôi sống gia đình, có người mẹ nhiều tháng năm bệnh tật, những người em không được gặp may mắn trong đời. Từng về thăm gia đình anh ở quê, em thấu cảm hơn về những nỗi niềm đau đáu của anh. Anh Đạm ơi! Nhắc chuyện cũ chỉ càng buồn hơn, em xin phép không nói gì thêm về những tiếng thở dài của anh làm em cũng nối thêm những tiếng thở dài. Chỉ muốn nói rằng, anh em mình đã gắn bó, thân thiết và chia sẻ cùng nhau không chỉ trong những giây phút vui vẻ, thăng hoa mà cả trong sâu thẳm nỗi buồn, trong những khó khăn của đời sống thường nhật. Những năm tháng ấy đã lùi khá xa mà sao trong ngày anh rũ gót trần về miền xa thẳm em nhớ về lại nặng lòng đến vậy!…
* * *
Em vẫn nhớ, ngày đầu mới vào nghề, đã học từ anh sự chắt lọc cốt lõi nhân văn trong mỗi đề tài, mỗi câu chữ, mỗi chi tiết, lấy đó làm thước đo tầm ảnh hưởng của tác phẩm văn chương, báo chí. Anh nói với em, người viết giỏi là biết cách huy động cảm xúc của mình vào ngôn ngữ để tạo nên hiệu ứng xúc cảm lan tỏa đến cộng đồng. Những chuyến theo chân anh về với cơ sở, em đã học ở anh sự tinh tế trong quan sát, sự chú tâm khi lắng nghe, sự tỉ mỉ trong ghi chép. Chuyến công tác Bảo Lộc dài ngày 30 năm trước, em đã theo chân anh và cố thi sĩ Lâm Tuyền Tĩnh, nhà giáo Lê Quang Kết thâm nhập vùng văn hóa Châu Mạ và khai mở được nhiều điều thú vị. Cùng anh về Đơn Dương, em cảm nhận niềm đam mê khám phá đời sống người dân Chu Ru từ cách giao tiếp, hỏi chuyện và sự tôn trọng đồng bào của anh. Đêm vùng Loan của huyện Đức Trọng, anh em mình thức trọn cùng những người làm vườn vốn là dân thành phố về khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Chuyến thực tế Nam Ban - Lâm Hà, chúng ta thấu cảm hoàn cảnh khó khăn của các thầy giáo miền Bắc, miền Trung vào cao nguyên lập nghiệp những ngày đầu. Tính anh vốn vậy, truyền kinh nghiệm và những bài học làm nghề cho lứa em, lứa cháu không phải bằng những lời giáo huấn lên gân mà bằng sự nhiệt tâm trong trực tiếp công việc. Anh nói với em, muốn viết hay thì cần phải đi nhiều, ham đọc, ham học. Biết em mê văn chương cổ điển Nga và Pháp, anh lục lọi từ tủ sách của mình tất cả những cuốn anh có để em tham khảo. Cùng mê âm nhạc, hai anh em có nhiều đêm đắm chìm trong giao hưởng phương Tây, cháy bỏng với cảm xúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An. Biết em thích hội họa và nhiếp ảnh nhưng hiểu biết vẫn còn lỗ mỗ, anh dành thời gian chia sẻ với em vốn kiến thức mà anh từng thu nạp…
|
Báo Lâm Đồng tặng hoa chúc mừng nguyên Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng Nguyễn Thanh Đạm nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2020 |
Ngày em mới vào nghề, anh đã là một nhà báo từng trải, thành danh. Là đồng nghiệp, là người anh, là lãnh đạo, nhưng hơn thế, anh là một trong những người thầy đầu tiên dạy em làm báo. Em học từ anh phong thái ứng xử lịch lãm, khoan thai mà quyết liệt, dứt khoát trong nghiệp vụ. Em học từ anh tính nhân hậu, bao dung, nhiệt tình, nhiệt tâm trong giao đãi, quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè. Cách anh sống, cách anh cho, cách anh quan tâm mọi người cũng là điều mà em ấn tượng. Có lẽ bởi vậy mà Nguyễn Thanh Đạm là người có một tài sản lớn là thân hữu mọi nơi, khắp chốn. Có lẽ bởi vậy mà bạn văn, bạn báo khắp mọi miền đất nước có dịp đến Đà Lạt là lại tìm đến anh như một góc ấm áp trong mỗi đêm cao nguyên giá lạnh. Sự tận hiến cho nghề bền vững qua năm tháng là phẩm chất của anh mà tính cách hào sảng, chịu chơi, lãng tử một cách tự nhiên cũng là dấu ấn của một Nguyễn Thanh Đạm trong lòng mọi người. Thanh Đạm là vậy, từ cách giao tiếp nhẹ nhàng, chân tình, cũng có lúc cực đoan, nóng nảy, bộc trực nhưng đã tạo nên sự thẩm thấu chầm chậm, từ từ mà đọng lại thật sâu, thật lâu cho người tiếp xúc. Làm em của anh, làm đồng nghiệp của anh suốt ba mươi năm, em cảm nhận ở anh cái đức tính khiêm nhường, không câu nệ, luôn hòa mình trong đời sống cần lao. Từ lúc là phóng viên, đến khi là Tổng Biên tập, là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo rồi Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng… vẫn là một hình ảnh Thanh Đạm không hề thay đổi. Sự khiêm nhường của anh còn thể hiện trong một kỷ niệm chung của anh em mình mà em rất trân trọng. Anh đến với nghề báo trước em nhưng em tiếp cận văn chương lại sớm hơn anh, anh biết vậy, và khi quyết định xuất bản tuyển tập thơ đầu tay, anh đã trao đổi với em rất kỹ. Anh đã giao bản thảo cho em đọc và góp ý, đã dành quyền trình bày và đặt tên thi phẩm là “Ngọn lửa” cho em. Những ấn phẩm sau đó của anh, là thơ hay văn xuôi, anh cũng không ngần ngại ghi nhận những lời em chân thành góp ý. Nguyễn Thanh Đạm là vậy, có thể rất “cương” khi cần thiết, nhưng cũng khiêm tốn tiếp thu nếu được nhận vào tai những lời nói phải…
Anh Đạm ơi! Chúng ta đã sống những ngày đã qua không mấy hối tiếc. Lứa chú, lứa anh trước, lứa em, lứa cháu sau, các thế hệ những người làm Báo Lâm Đồng đã vượt qua những tháng ngày gian khó bằng một tinh thần tận lực, tận tâm với nghề nghiệp mà mình đã chọn, cả tập thể cùng góp vào mỗi số báo biết bao trí tuệ, công sức và nhiều lúc phải vượt qua hiểm nguy bằng lòng quả cảm. Dưới ánh đèn mỗi đêm, gói thuốc không đầu lọc và ấm trà loại ba cũng vơi dần trước mặt anh em mình ở phòng tòa soạn với một niềm đam mê không giới hạn dành cho mỗi con chữ, mỗi bức ảnh, mỗi trang ma-két mẫu của số báo mới. Em sẽ nhớ mãi hình ảnh anh xoay ngang, trở dọc cây thước trong tay, chiếc bút phớt, bút mực đỏ, tập giấy mẫu ma-két và chồng bản thảo chất đầy giữa bàn. Cũng từ đó mà anh em mình với các đồng nghiệp đã cùng nhau cộng cảm, sẻ chia, cùng nhau tạo dựng thương hiệu Báo Lâm Đồng. Thời chưa xa ấy không tránh khỏi có lúc phải “mặt nặng mày nhẹ” với nhau nhưng mục đích đau đáu là tìm cách làm mới hơn tờ báo, tìm cách mở rộng biên độ và chiều sâu thông tin, tạo thêm nhiều ấn phẩm, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và thỏa mãn nhu cầu, mong mỏi của bạn đọc ngày một tốt hơn…
* * *
Là một người cầm bút, em biết rằng, suốt cả đời anh đã khắc khoải tìm kiếm những câu trả lời về thân phận con người. Đôi lúc, chúng ta không kịp nhận ra tất cả, không thể thỏa mãn điều mình đau đáu kiếm tìm mà phải tự trả lời câu hỏi bằng những tự vấn hết sức khó khăn. Có thể, những câu hỏi mỗi ngày cứ nhân lên và mãi mãi bỏ ngỏ cho đến thời khắc giã từ nhân thế. Nhưng anh Đạm ơi, Kinh Thánh mặc khải: “Thân cát bụi lại trở về cát bụi”. Phật cũng dạy: Kiếp nghiệp nhân gian thật là ngắn ngủi. Chúng ta sống là chấp nhận sự chật chội của cõi nhân sinh với bao nhọc nhằn. Thời gian của mỗi kiếp người là hữu hạn nhưng không gian thì mênh mông vô cùng. Sống chết ở đời âu là lẽ thường tình, anh nhỉ?! Điều đáng nói là anh đã sống, đã cống hiến cho cuộc đời, cho người thân, cho bạn bè, đồng nghiệp những tháng ngày đã qua với hàm lượng sống đáng để lưu nhớ. Vẫn biết là vậy nhưng đêm nay em không thể chợp mắt, bao ký ức trở về làm lòng em nghẹn ngào, thước phim cuộc đời quay trở lại những dòng hồi niệm của ba mươi năm trọn tình huynh đệ. Em viết vài dòng như một nén tâm nhang gửi tới hương linh anh, khóc tiễn anh về với miền núi đồi thẳm xa vô tận. Tự đáy lòng của một đứa em thân thiết của anh, em gửi niềm mong cầu anh tiếp tục những bước chân phiêu linh vào một cuộc viễn du vĩnh cửu nhẹ nhàng và an nhiên.
Nhớ lắm anh Đạm ơi! Nhưng anh hãy ra đi và trút bỏ tất cả những điều không đáng nhớ, chỉ lưu vào ký ức trong chuyến đi xa mãi mãi này là nỗi quý mến và niềm nhớ thương của người thân, đồng nghiệp, bạn bè. Bỏ lại sau lưng những mùa nhớ tháng quên, đi về với núi đồi mênh mang miên viễn của thế giới bên kia, anh đừng mang theo những hành trang nặng nề. Hôm nay tiễn anh, em lại hình dung về một Thanh Đạm đầu đội mũ nồi, vai khoác ba lô, ngực đeo máy ảnh, nheo mắt cười ấm áp và vẫy tay chào từ biệt đời trần chìm dần hình hài vào sương khói xa xăm…
UÔNG THÁI BIỂU