5 năm triển khai Đề án 715: Đáp ứng và phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của địa phương

04:12, 23/12/2020

Sau 5 năm triển khai Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đề án 715), số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ.

Sau 5 năm triển khai Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đề án 715), số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ.
 
Thu hoạch chè ở Bảo Lộc
Thu hoạch chè ở Bảo Lộc
 
Để có số liệu tính toán các chỉ tiêu đầu vào phục vụ cho việc biên soạn GRDP trên địa bàn tỉnh, hàng năm, ngành Thống kê Lâm Đồng tổ chức thực hiện hơn 30 cuộc điều tra thường xuyên. Ngoài ra, còn có các cuộc điều tra đột xuất, điều tra định kỳ (điều tra doanh nghiệp; cá thể phi nông, lâm, thủy sản ...) và các tổng điều tra như dân số và nhà ở, nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, kinh tế.
 
Ở lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã tổ chức điều tra diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm, cây lâu năm, điều tra chăn nuôi; điều tra lâm nghiệp và điều tra thủy sản. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, điều tra mẫu công nghiệp tháng, điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành chế biến, chế tạo theo quý, điều tra xây dựng quý và năm; điều tra vốn đầu tư quý. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, điều tra mẫu tổng mức tháng, điều tra mẫu lưu trú, ăn uống tháng, điều tra mẫu hoạt động vận tải, kho bãi; điều tra xuất, nhập khẩu dịch vụ; điều tra giá tiêu dùng, giá nông, lâm, thủy sản, giá công nghiệp, giá dịch vụ, giá cước vận tải, giá nguyên, nhiên vật liệu...
 
Đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản, hàng năm, ngành thống kê đã thực hiện việc tính toán chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá thực tế và giá so sánh năm 2010 trên cơ sở nguồn thông tin để tính toán dựa vào số liệu kết quả điều tra thường xuyên hàng năm, các báo cáo ước tính theo mùa vụ. Đối với chính thức năm dựa vào kết quả điều tra về diện tích gieo trồng, năng suất cây hàng năm theo mùa/vụ, diện tích, năng suất, số lượng cây lâu năm, điều tra chăn nuôi, điều tra lâm nghiệp và điều tra thủy sản. Chất lượng số liệu chỉ tiêu giá trị sản xuất ngày một nâng lên, phản ánh tương đối sát thực tế xu hướng phát triển.
 
Công nghiệp - xây dựng được thực hiện việc tính toán chỉ tiêu giá trị sản xuất theo 2 giá là giá hiện hành và giá so sánh năm 2010 (ước và chính thức 6 tháng; ước và chính thức năm). Nguồn thông tin để tính toán chỉ tiêu số liệu báo cáo năm chủ yếu dựa vào số liệu kết quả điều tra doanh nghiệp (đã bao gồm số liệu các chi nhánh hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn từ Vụ Thống kê Công nghiệp phân bổ) và số liệu điều tra cá thể 1/10 hàng năm.
 
Theo Cục thống kê Lâm Đồng, việc xử lý, tính toán theo từng kỳ có sự phối hợp chặt chẽ với các chi cục, phòng liên quan; đảm bảo đủ phạm vi, đúng thời gian quy định và được tiến hành kiểm tra, rà soát dựa vào một số nguồn thông tin sẵn có, đảm bảo thống nhất trước khi trình ký lãnh đạo và gửi về Vụ Thống kê Công nghiệp thẩm định.
 
Đồng thời phối hợp với Vụ Thống kê Công nghiệp trong quá trình thực hiện nhằm thống nhất số liệu, nhất là số liệu theo đơn vị thường trú, phân bổ các đơn vị Trung ương, Tập đoàn và các đơn vị tỉnh, thành phố khác sản xuất ở Lâm Đồng. Chất lượng số liệu chỉ tiêu giá trị sản xuất ngày một nâng lên, phản ánh tương đối sát thực xu hướng và động thái phát triển. Số liệu giữa địa phương tính và số liệu Vụ chuyên ngành thẩm định thống nhất, không có sự chênh lệch.
 
Còn trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ thì nguồn số liệu báo cáo năm là số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra hàng tháng; điều tra doanh nghiệp; điều tra cá thể hàng năm; tổng điều tra kinh tế và các cuộc điều tra khác liên quan. Đối với báo cáo lĩnh vực thương mại - dịch vụ hàng tháng: Số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra mẫu hàng tháng của lĩnh vực thương mại - dịch vụ, đảm bảo đủ phạm vi, đúng thời gian quy định, suy rộng theo chương trình phần mềm xử lý của Trung ương.
 
Đối với lĩnh vực tài khoản quốc gia, nguồn thông tin đầu vào để tính GRDP cấp tỉnh tổng hợp lấy toàn bộ số liệu của Phòng Thống kê Nông nghiệp, Công nghiệp - xây dựng; Phòng Thống kê Thương mại, báo cáo thu chi của Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, quyết toán của UBND tỉnh đã được HĐND phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước và 2 cuộc điều tra doanh nghiệp và cá thể. 
 
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong 5 năm qua, công tác điều tra thu thập thông tin trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn những hạn chế nhất định như: Thời gian một số cuộc điều tra kéo dài so quy định; chất lượng hiệu quả một số khâu chưa cao, nhất là khâu thu thập thông tin từ các cơ sở, hộ gia đình chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến kết quả điều tra thống kê cũng như việc đánh giá thực trạng tình hình sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các ngành, các cấp; Một số chi cục thống kê chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong việc thu thập thông tin đầu vào của các cuộc điều tra cho các phòng thống kê nghiệp vụ phục vụ biên soạn số liệu GO, giá trị tăng thêm (VA), thuế sản phẩm và GRDP; Một số nguồn thông tin như thu, chi ngân sách, thuế sản phẩm, thuế xuất nhập khẩu,... được thu thập từ các sở, ngành ở địa phương thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống giá và chỉ số giá về cơ bản được bổ sung và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu loại trừ biến động giá các chỉ tiêu giá trị để tính chuyển từ giá hiện hành về giá so sánh và ngược lại. Tuy nhiên, một số chỉ số giá áp dụng theo vùng chưa phù hợp với sản xuất và sản phẩm đặc thù của từng địa phương, một số chỉ số giá dịch vụ, chỉ số giá xuất nhập khẩu còn bất cập...
 
Có thể nói rằng việc tổ chức thực hiện các cuộc điều tra thu thập thông tin, xử lý số liệu... với một khối lượng lớn hàng năm nhằm mục đích cuối cùng là tạo ra những con số phục vụ yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cấp các ngành. Sau 5 năm triển khai Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương và tỉnh đã tương thích và phản ánh tương đối sát thực.
 
NGUYỄN NGHĨA