Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Lâm Đồng năm 1993, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.673 người nhiễm HIV tích lũy, 287 bệnh nhân AIDS và 589 người tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV, có 799 người hiện còn sống tại địa phương. Tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ có thai chiếm 7,3%.
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Lâm Đồng năm 1993, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.673 người nhiễm HIV tích lũy, 287 bệnh nhân AIDS và 589 người tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV, có 799 người hiện còn sống tại địa phương. Tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ có thai chiếm 7,3%.
Kỹ thuật viên đang thực hiện mẫu xét nghiệm tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng |
Về phân bố địa bàn dịch, đến năm 2020 người nhiễm HIV đã phân bố khắp cả 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở thành phố Đà Lạt (531 ca), huyện Đức Trọng (318 ca), Lâm Hà (204 ca), thành phố Bảo Lộc (168 ca), Di Linh (139 ca) và Bảo Lâm (107 ca). Trong năm 2020 Lâm Đồng đã xét nghiệm phát hiện 50 trường hợp nhiễm HIV dương tính, đưa 75 trường hợp nhiễm HIV vào quản lý. Trong đó, ghi nhận hai địa phương có số người mới phát hiện cao nhất là Đà Lạt (13 ca); Đức Trọng (13 ca).
Số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là trong nhóm tiêm chích ma túy (33,3%), quan hệ tình dục khác giới (9,9%), bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM: 6,3%), nhóm phụ nữ có thai (7,3%). Tập trung ở độ tuổi trẻ từ 25-49 tuổi, chiếm 73,3% và nhóm từ 15-24 tuổi (19,2%), trong đó nam chiếm đa số 68,4% và nữ chiếm 31,7%.
Công tác hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được tiếp tục triển khai hoạt động với 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng. Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 719 bệnh nhân, trong đó có 17 trẻ em. Hiện tại cả 3 phòng khám chuyên khoa HIV nêu trên được thông tuyến bảo hiểm y tế. Số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 676/715 bệnh nhân, chiếm 94,5%. Chương trình đã cấp 646 hộp sữa cho 13 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV. Thực hiện xét nghiệm PCR cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIVcó 17/22 trẻ được làm xét nghiệm PCR, phát hiện 3 trẻ dương tính với HIV.
Ngành Y tế tổ chức các hoạt động Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 từ ngày 1/6 đến 30/6/2020 với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”. Trong năm thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai với 23.136 mẫu, phát hiện 10 mẫu HIV dương tính. Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2020 nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện mục tiêu: “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai; cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV, bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai; đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện để đảm bảo giảm tối đa tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Các hoạt động chủ yếu trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm: Chỉ đạo, điều phối việc cung cấp thuốc, sinh phẩm, sữa thay thế và tài liệu, ấn phẩm truyền thông phục vụ Tháng cao điểm; kiểm tra, đôn đốc, giám sát hỗ trợ hoạt động của các huyện, thành phố; đảm bảo tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương.
Theo kế hoạch năm 2021, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông rộng rãi về Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Cải thiện công tác xét nghiệm chẩn đoán sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi, đảm bảo 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm chẩn đoán sớm. Tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ điều trị ARV tại 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Phát hiện và điều trị ARV sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV và điều trị ARV dự phòng cho trẻ. Thông tin, truyền thông về lợi ích điều trị ARV sớm cho phụ nữ có thai trong việc phòng trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tập trung cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Theo dõi và đánh giá hiệu quả của chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
AN NHIÊN