Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng ''Khu dân cư tiêu biểu'', ''Khu dân cư kiểu mẫu''

04:12, 01/12/2020

Nhiều năm qua, Lâm Đồng là địa phương được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao về việc đi trước, đón đầu nhiều nội dung, trong đó nổi lên những năm gần đây là xây dựng "Khu dân cư tiêu biểu", "Khu dân cư kiểu mẫu"...

[links()]

CHƯA CÓ CHÚ THÍCH ẢNH
Đà Lạt xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu” để tiến tới nâng cao “Nông thôn mới - đô thị văn minh” bền vững
 
Nhiều năm qua, Lâm Đồng là địa phương được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao về việc đi trước, đón đầu nhiều nội dung, trong đó nổi lên những năm gần đây là xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” (KDCTB, KDCKM), hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó, góp phần quan trọng tạo “thế và lực”, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở vùng đất Nam Tây Nguyên với quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. 
 
Tại buổi tọa đàm bàn về giải pháp trong thời gian tới để nâng cao chất lượng “KDCTB”, “KDCKM”, chúng tôi được lắng nghe các ý kiến phản ánh từ thực tế tại cơ sở, trong đó nổi lên nhiều vấn đề còn vướng mắc, khó khăn như: Công tác triển khai thực hiện xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” đối với MTTQ các cấp còn lúng túng. MTTQ một số huyện, thành phố chưa bám sát sự hướng dẫn của MTTQ tỉnh; chưa cụ thể hóa và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn. Một số tiêu chí, tiêu chuẩn về mô hình “KDCTB”, “KDCKM” chưa phù hợp với đặc thù của từng khu vực: vùng nông thôn (xã) và vùng đô thị (phường, thị trấn), vùng tôn giáo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn... Chất lượng hồ sơ, thủ tục đề nghị thẩm định xét công nhận mô hình “KDCTB”, “KDCKM” một số nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác thẩm định, công nhận mô hình “KDCTB”, “KDCKM” tại một số địa phương chất lượng chưa cao; công tác biểu dương, khen thưởng mô hình còn hạn chế nhất định.
 
Điều đó cũng dễ nhận thấy, bởi việc xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” là cách làm mới, sáng tạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư một số nơi hạn chế về năng lực, trình độ, kỹ năng tham mưu, phối hợp, tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện phong trào, xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”. Đôi lúc, đôi nơi sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở và sự phối hợp của một số tổ chức thành viên trong việc xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” chưa sâu sát, chặt chẽ, đồng bộ.
 
Trao đổi về việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình này, ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết thêm: MTTQ Việt Nam các cấp phải xác định đúng, rõ về mô hình cần xây dựng; mô hình đó phải phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ở khu dân cư và đáp ứng nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mô hình “KDCTB”, “KDCKM” đã đáp ứng được yêu cầu như vậy. Trong triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc tập trung của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
 
 Mặt khác, MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phải chủ trì việc xây dựng, nhân rộng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”; phải nhuần nhuyễn về phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, vận động và tập hợp lực lượng; chủ động, năng động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát, chặt chẽ, kịp thời trong hướng dẫn và tổ chức thực hiện; biết phát huy vai trò các tổ chức thành viên của MTTQ cùng cấp để tham gia xây dựng, nhân rộng mô hình. Để xây dựng, nhân rộng, nâng cao chất lượng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”, MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phải được đảm bảo cơ bản các điều kiện về con người, cơ chế, chính sách, kinh phí... 
 
Tuy gặp phải những khó khăn trước mắt, nhưng nhìn chung, qua việc xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, các tổ chức thành viên và hệ thống chính trị ở khu dân cư được nâng cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, đã phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của Nhân dân. Ý thức tự quản và đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của người dân tại khu dân cư được nâng lên; an ninh trật tự, cảnh quan môi trường của khu dân cư được đảm bảo; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn khu dân cư được tăng cường, phát huy, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tăng cường phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tính tự quản, nội lực, sự sáng tạo của người dân tham gia xây dựng khu dân cư vững mạnh toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
 
Kết quả nổi bật đó là vào đầu năm 2019, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 559 KDCTB và 260 KDCKM thì đến cuối năm 2019, có 217 KDCTB (đạt tỷ lệ 38,8%) và 50 KDCKM (đạt tỷ lệ 19,2%) được thẩm định, công nhận, khen thưởng. Năm 2020, toàn tỉnh đăng ký xây dựng 511 KDCTB, 251 KDCKM và đến ngày 10/11/2020, có 216 KDCTB được MTTQ cấp huyện thẩm định, công nhận (đạt tỷ lệ 42,3%) và 79 KDCKM được đề nghị MTTQ tỉnh thẩm định, công nhận (đạt tỷ lệ 31,5%). 
 
Trong đó, có 21 KDCKM (đợt 1) được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh công nhận, khen thưởng và chọn để lãnh đạo tỉnh về dự Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2020. Đồng thời, MTTQ các huyện, thành phố cũng đề nghị MTTQ tỉnh thẩm định, công nhận giữ vững các KDCKM được công nhận trong năm 2019.
 
Giải pháp được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đặt ra để thực hiện có hiệu quả, đó là đối với khu dân cư vùng nông thôn (các xã), tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí liên quan về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu vận động Nhân dân các khu dân cư thực hiện, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí để góp phần từ xã đạt chuẩn nông thôn mới vươn lên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, từ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vươn lên đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Riêng đối với khu dân cư vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí liên quan đến phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự... và phát huy thế mạnh của khu dân cư vùng dân tộc thiểu số trong xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của khu dân cư có đông đồng bào các tôn giáo, nhất là Tin lành hoặc Công giáo toàn tòng trong tham gia xây dựng, phát triển các mô hình “Khu dân cư bình yên, văn hóa, sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm”, “Giáo xứ, giáo họ không có người sử dụng ma túy”, “Khu dân cư tốt đời, đẹp đạo”... Đối với khu dân cư vùng đặc biệt khó khăn, tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí liên quan đến phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bảo vệ môi trường, không phá rừng hay lấn chiếm đất rừng làm rẫy trái pháp luật... MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đẩy mạnh hiệp thương rộng rãi với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cấp dưới; hiệp thương, phối hợp, thống nhất phân công các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo đảm nhận tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, tín đồ và các tầng lớp nhân dân thực hiện các tiêu chí liên quan để góp phần xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng mô hình “KDCTB”, “KDCKM”.
 
Từ năm 2024 trở đi, tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình, phấn đấu mỗi năm, toàn tỉnh thẩm định, công nhận thêm từ 10% trở lên KDCTB, trong đó, có 6% trở lên KDCKM. Phấn đấu đến hết năm 2029, toàn tỉnh có từ 90% - 95% KDCTB, trong đó có trên 60% KDCKM được thẩm định, công nhận. 
 
Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng kiến nghị với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về đô thị văn minh, làm căn cứ pháp lý để Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng xây dựng, triển khai thực hiện tiêu chí về mô hình KDCTB, KDCKM trong vùng đô thị trên địa bàn tỉnh một cách bài bản, khoa học.
 
NGUYỆT THU