Hamasing - một trong 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của thị trấn D'Ran (Đơn Dương), mùa này rộn ràng và tất bật...
Hamasing - một trong 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của thị trấn D’Ran (Đơn Dương), mùa này rộn ràng và tất bật. Bất chấp cái lạnh của mùa Giáng sinh, người dân ở đây vẫn lên rẫy từ sớm để thu hoạch cà phê. Sự siêng năng, chịu khó, chủ động đang giúp cuộc sống của bà con nơi thôn nhỏ này thay đổi từng ngày từ chính đôi bàn tay của họ.
|
Cô và trò tại phân hiệu Trường Mầm non Hamasing trong giờ tập viết chữ |
Chúng tôi tìm đến Hamasing khi thôn nhỏ vẫn còn chìm trong làn sương mù buổi sớm, từ những ấn tượng mà trong câu chuyện về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương và ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’ran đều vô tình nhắc đến bằng niềm phấn khởi. Thật vậy, từ con đường dẫn vào thôn khang trang, sạch đẹp, Hamasing hiện ra với 255 nóc nhà nằm yên bình dưới tán thông xanh và những vườn hồng đã đến mùa trụi lá. Rất nhiều ngôi nhà trong đó được xây kiên cố và hàng quán nhộn nhịp, rộn ràng như bất cứ thôn nào ở khu vực trung tâm.
Anh Ya Hiên - Trưởng thôn Hamasing tranh thủ tiếp khách lúc 7h sáng - khi vừa phun thuốc xong cho vườn đậu leo đang ra trái và lại chuẩn bị lên rẫy để hái cà phê. Tháng cuối năm, trong thôn chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà, vì ai nấy đều đã đi hái cà phê từ sớm. Nhưng Ya Hiên bảo rằng, hết mùa cà phê thì cũng vậy, người dân thôn Hamasing không để mình rảnh rỗi. Ai có đất sẽ trồng thêm rau, thêm chuối, ai không có đất thì đi làm mướn, làm thuê. “Mình ở nhà chơi không cũng vậy, chi bằng chịu khó đi làm để có thêm thu nhập lo cho gia đình. Ai cũng nghĩ vậy, nên bà con chịu thương chịu khó làm hết việc này đến việc khác, cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo” - anh Trưởng thôn trẻ tuổi chia sẻ. Năm 2020, thôn Hamasing có 255 hộ với 1.119 khẩu. Trong đó, có 124 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số mà phần lớn là người K’Ho. Và chỉ 2 trong số đó là hộ cận nghèo, toàn thôn không còn hộ nghèo.
Hamasing đã từng là thôn nghèo nằm trong Chương trình 135. Đó là những ngày mà bà con nơi đây chỉ biết trồng lúa, bắp, đậu. Năng suất không nhiều mà giá cả cũng chẳng được bao nhiêu. Không có tiền, người dân chẳng thể đầu tư để làm việc gì khác. Từ những chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Đến nay, thu nhập chính của người dân thôn Hamasing đến từ cây hồng và cà phê, nhiều người còn trồng thêm chuối Laba, rau thương phẩm,... Bà con đa phần có thu nhập trung bình và khá, nhà cửa từ đó cũng được xây dựng kiên cố, khang trang. Các hủ tục dần được đẩy lùi để xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2017, trục đường chính trong thôn được hoàn thành từ sự đóng góp chiếm đến 60% kinh phí của Nhân dân, với số tiền 3,1 triệu đồng/hộ. Anh Ya Hiên kể, trước khi làm đường, mình họp dân để phổ biến cho người dân hiểu được lợi ích mà mình được hưởng. Sau đó lập ban vận động thôn để đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Con đường hoàn thành trong niềm phấn khởi vô cùng của người dân thôn Hamasing, vì sự chia cắt đã được xóa nhòa, đi lại thuận tiện, sạch sẽ, việc vận chuyển nông sản cũng dễ dàng hơn. Những ngày này, xe máy chở cà phê chạy nhộn nhịp trên những con đường đổ bê tông vững chãi.
Thôn Hamasing nằm bình yên dưới tán rừng thông xanh mát, bởi 70% người dân trong thôn nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích khoảng 5.200 ha. Không chỉ vì số tiền 4,5 triệu đồng mỗi thành viên nhận được trong mỗi quý, mà mỗi người dân nơi đây ý thức được vai trò của rừng, nên họ chung tay bảo vệ rừng như bảo vệ tài sản chung. Mùa khô thì trực phòng, chống cháy, mùa mưa lại tránh xâm chiếm đất rừng. Giáng sinh những năm gần đây, thay vì chặt cây thông non trên rừng về nhà trang trí như trước, người dân thôn Hamasing dùng cây thông làm từ khung sắt, khung tre để thay thế. Anh Ya Hiên bảo rằng, đó cũng là một cách mà họ bảo vệ rừng.
Phân hiệu Trường Mầm non thôn Hamasing với 29 học sinh cũng nằm giữa tán thông như thế. Bận rộn với ruộng vườn, nương rẫy, các phụ huynh đưa con lên trường từ sớm kèm với suất ăn trưa, yên tâm giao cho các cô trông nom, dạy dỗ. Cô giáo Phan Thị Kim Nhạn chia sẻ, dù các cháu ở phân trường vẫn còn nhiều thiệt thòi do cơ sở vật chất không đầy đủ, nhưng nhiều em rất sáng dạ, tiếp thu nhanh. Mùa này, hai cô giáo ở lại trường muộn hơn một chút, vì phụ huynh bận rộn hái cà phê ở những rẫy xa nên có khi 6h tối mới đón con. Không bận lòng, điều khiến các cô vui là phụ huynh trong thôn đã quan tâm hơn đến việc học của con em mình, chủ động kèm con học ở nhà chứ không phải giao phó hoàn toàn cho giáo viên như trước.
Nhắc đến thôn Hamasing, ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’ran đã kể với chúng tôi về một thôn mà môi trường, cơ sở hạ tầng, kể cả nếp sống văn minh đều được đảm bảo, diện mạo nông thôn thay đổi từ chính đôi bàn tay cần mẫn của người dân. Trưởng thôn Ya Hiên cười hiền khoe rằng, ngày Chủ nhật thứ 2 mỗi tháng, bà con trong thôn đều đồng loạt ra quân Ngày Chủ nhật xanh. Có lẽ, người dân thôn Hamasing không quan trọng đó là một phong trào, họ chỉ biết rằng mình muốn bảo vệ môi trường quanh mình sạch đẹp, và bàn tay mỗi người họ sẽ tự giữ gìn điều đó - như cái cách mà họ tự lực vươn lên trong cuộc sống lâu nay.
VIỆT QUỲNH