Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Việt Nam tập trung vào chủ đề "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam"...
Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Việt Nam tập trung vào chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, bảo vệ an toàn sức khỏe Nhân dân |
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Như vậy, cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để thực hiện mục tiêu quan trọng này. Với những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch HIV, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến gần đến các mục tiêu 90-90-90, tạo cơ hội để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam.
Trong năm 2020, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng đã triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; xây dựng kế hoạch in ấn và cấp phát 102.272 bản cam kết triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư ở 118 xã, phường, thị trấn trong tỉnh ký cam kết về phòng, chống HIV/AIDS với các hộ gia đình. Phân bổ 11.040 sách mỏng, 3.000 tờ gấp, 46.400 áp phích về chương trình Methadone, bao cao su, bơm kim tiêm cho các đơn vị tuyến huyện, thành phố triển khai nhóm giáo dục đồng đẳng. Tổ chức tập huấn chương trình phòng, chống HIV/AIDS: mở 7 lớp với 200 học viên là cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV huyện, thành phố. Tập huấn chương trình can thiệp giảm tác hại cho mạng lưới đồng đẳng viên; tập huấn cho 300 học viên các ban, ngành, đoàn thể về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Phân bổ 182.000 bơm kim tiêm các loại, 80 hộp đựng bơm kim tiêm cố định, 83.000 bao cao su, 66 hộp đựng bao cao su cố định, 120 cuốn tạp chí AIDS và cộng đồng cho 12 huyện, thành phố triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại. Tiếp cận được 1.438 người nghiện chích ma túy, 321 người bán dâm, 372 người nam quan hệ tình dục đồng giới.
Công tác giám sát phát hiện HIV được triển khai thường xuyên và định kỳ hàng tháng, quý. Thực hiện xét nghiệm 46.624 mẫu cho tất cả các đối tượng, phát hiện có 146 mẫu xét nghiệm HIV dương tính. Tập huấn phần mềm quản lý HIV và phần mềm báo cáo trực tuyến của Bộ Y tế cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, thành phố. Hiện tại đã có 12/12 huyện, thành phố báo cáo trên phần mềm HIV Info 3.1 và báo cáo trực tuyến theo Thông tư 03/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 1.664 người nhiễm HIV tích lũy, có 287 người chuyển sang AIDS và 588 người nhiễm HIV tử vong.
CDC Lâm Đồng thực hiện hợp đồng xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai với 12 huyện, thành phố với tổng số mẫu theo hợp đồng là 26.724 mẫu. Tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho 1.560 trường hợp (đạt 104%). Thực hiện xét nghiệm PCR cho 17 trên 22 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, phát hiện 3 trẻ dương tính với HIV. Thực hiện xét nghiệm tải lượng vi rút cho 667 trên 715 bệnh nhân (đạt 93,2%). Tiếp tục triển khai hoạt động 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng. Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 708 bệnh nhân, trong đó có 16 trẻ em. Hiện tại cả 3 phòng khám chuyên khoa HIV được khám thông tuyến bảo hiểm y tế. Số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế là 676 trên 715 bệnh nhân, chiếm 94,5%. Chương trình đã cấp 646 hộp sữa cho 13 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS năm 2021, theo Sở Y tế tỉnh (cơ quan thường trực phòng, chống AIDS) có 3 nhóm giải pháp. Cụ thể, nhóm hoạt động về dự phòng lây nhiễm HIV: Tăng cường hoạt động truyền thông có chủ đích. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến huyện, xã, mạng lưới đồng đẳng viên và y tế thôn bản về phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn kiến thức về HIV/AIDS tại nơi làm việc. Tổ chức các hoạt động truyền thông rộng rãi về Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp cận và phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới: Duy trì hoạt động của nhóm giáo dục đồng đẳng tại 5 huyện trọng điểm là Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Mở rộng hoạt động phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm thông qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng; mở các điểm cung cấp bơm kim tiêm cố định, bao cao su cố định tạo sự sẵn có cho người dân dễ tiếp cận. Thiết kế, sản xuất và nhân bản các tài liệu truyền thông về chương trình bơm kim tiêm, bao cao su; thực hiện truyền thông trực tiếp cho nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm. Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; tổ chức thu gom bơm kim tiêm đã qua sử dụng thông qua mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên.
Nhóm hoạt động về xét nghiệm và giám sát HIV: Tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV và kết nối với điều trị HIV. Xây dựng quy trình làm xét nghiệm khẳng định HIV tại Bệnh viện II Lâm Đồng. Triển khai công tác tư vấn xét nghiệm HIV trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành, đặc biệt chú trọng phát hiện mới người nhiễm HIV. Triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đến các cơ sở khám điều trị ARV. Mở các đợt xét nghiệm HIV lưu động tại các trại tạm giam, Trung tâm cai nghiện ma túy. Tăng cường xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS: Thực hiện xét nghiệm đo tải lượng HIV thường quy cho bệnh nhân đang điều trị ARV, đảm bảo chỉ tiêu 90% bệnh nhân được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Cải thiện công tác xét nghiệm chẩn đoán sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi, đảm bảo 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm chẩn đoán sớm. Thực hiện các quy trình chuẩn từ lấy mẫu, vận chuyển, thực hiện, thông báo và báo cáo. Tăng cường việc ghi chép lưu trữ thông tin số liệu có liên quan đến hoạt động xét nghiệm HIV, CD4, PCR. Giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; thực hiện giám sát HIV trên các nhóm đối tượng.
Nhóm hoạt động về điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ điều trị ARV; tổng hợp số liệu, theo dõi tình hình tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV qua BHYT tại từng cơ sở điều trị HIV/AIDS. Thực hiện điều trị ARV sớm cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện. Bảo quản, báo cáo và cấp phát thuốc ARV theo hướng dẫn. Đánh giá việc thực hiện tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV của người bệnh và triển khai các hoạt động hỗ trợ tuân thủ điều trị cho các trường hợp có biểu hiện chưa tuân thủ điều trị. Phát hiện và điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và điều trị ARV dự phòng cho trẻ. Thông tin, truyền thông về lợi ích điều trị ARV sớm cho phụ nữ có thai trong việc phòng trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tập trung cho quần thể có hành vi nguy cơ cao. Hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS về phát hiện lao tích cực, dự phòng mắc lao ở người nhiễm HIV và điều trị ARV, điều trị lao cho người nhiễm HIV/lao. Triển khai cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (Prep) trên địa bàn; thông tin, truyền thông về lợi ích điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
AN NHIÊN