Lan tỏa mô hình ''Dân vận khéo''

06:12, 31/12/2020

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện hàng ngàn mô hình, điển hình tiêu biểu...

Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện hàng ngàn mô hình, điển hình tiêu biểu. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cũng đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... 
 
Tuyên dương các gương điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020
Tuyên dương các gương điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020
 
Xây dựng hơn 6 ngàn mô hình
 
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 6.117 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, củng cố xây dựng hệ thống chính trị… Trong đó, có 1.250 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế tập trung vào các nội dung sản xuất, kinh doanh giỏi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh từng vùng kinh tế; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của Nhân dân… 
 
Còn trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, có gần 2 ngàn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng nhân rộng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Bên cạnh đó, công tác giáo dục đào tạo, y tế được quan tâm đổi mới; các thiết chế văn hóa, thể thao được bổ sung; công tác bảo vệ môi trường được chú trọng; các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm đầu tư, bảo tồn; đời sống tinh thần ngày càng phát triển phong phú… Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực. 
 
Trong 5 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã xây dựng và nhân rộng được hơn 1,8 ngàn mô hình, điển hình trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Qua đó, đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng 1.171 mô hình, điển hình trong 5 năm qua. Thông qua các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận trong tình hình mới. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng đã chú trọng chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân, tổ chức tốt công tác tiếp dân, đối thoại và hòa giải; tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. 
 
Mô hình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương
Mô hình xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương
 
Lan tỏa các mô hình
 
Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình, điển hình với cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng đã được nhân rộng … Từ quá trình xây dựng, nhân rộng đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc; thu nhập, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; kinh tế tăng trưởng bền vững, an ninh chính trị ổn định; chất lượng đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao… 
 
Qua đánh giá của Tỉnh ủy, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng thời gian qua, trên lĩnh vực kinh tế, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Hay các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, còn có các mô hình liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân, giúp nhau làm kinh tế giỏi, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương… Còn trong lĩnh vực văn hóa xã hội, nhiều mô hình hiệu quả cũng đã được nhân rộng như, mô hình mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo; xây dựng các bếp ăn tình thương tại các bệnh viện; công tác tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; bảo vệ môi trường; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; xây dựng nông thôn mới… 
 
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, thành công trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua, cùng với các phong trào thi đua trong toàn tỉnh đã góp phần mang lại kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế của Lâm Đồng tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên theo hướng bền vững. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 71 triệu đồng năm 2020. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp cũng không ngừng tăng, hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của Lâm Đồng giảm đáng kể, từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,53% năm 2020… Trong xây dựng nông thôn mới, hệ thống dân vận trên địa bàn toàn tỉnh phối hợp cùng với các cấp, các ngành vận động Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Từ đó, đã huy động người dân đóng góp được hơn 1.700 tỷ đồng, hàng chục triệu ngày công lao động, hiến hàng trăm triệu cây các loại và hàng ngàn hecta đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ dân sinh trên địa bàn. 
 
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Hin, Đức Trọng
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tà Hin, Đức Trọng
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện và được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng. Nhiều mô hình, điển hình được xây dựng, nhân rộng, góp phần cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận của Đảng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng đã giúp các cấp ủy nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để kịp thời giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của Nhân dân; tích cực tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân cả về nhận thức và hành động, từ đó vận động Nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tham gia thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. 
 
“Thấm nhuần lời dạy của Bác về công tác dân vận là “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; tôi hi vọng các lực lượng làm công tác dân vận của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian tới để đạt nhiều kết quả nổi bật hơn nữa”, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Phúc chia sẻ thêm.
 
DUY DANH