Đài truyền thanh cơ sở là "cầu nối" đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân...
Đài truyền thanh cơ sở là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của các kênh thông tin đại chúng, đài truyền thanh cơ sở vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội bởi những lợi thế và tính thiết thực mà không có kênh thông tin nào thay thế được.
|
Anh Cill Ha Cường trong một buổi lên sóng ở Đài Truyền thanh cơ sở xã Đạ Tông |
Loa truyền thanh đối với đời sống của những người dân vùng sâu, vùng xa gần như một người bạn “sớm - tối”. Dù không còn thiếu thốn thông tin bởi các phương tiện nghe nhìn đã được phổ biến, nhưng loa truyền thanh vẫn thực sự gần gũi bởi thông tin được truyền tải qua hệ thống phát thanh với người dân vẫn rất dễ hiểu, hữu ích và quan trọng là “bên tai” hàng ngày.
Xã Đạ Tông, một địa bàn vùng sâu và còn nhiều khó khăn của huyện Đam Rông. Toàn xã chỉ có 8 thôn với trên 1.600 hộ dân, trong đó có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp và địa bàn sinh sống tương đối rộng. Theo ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông: “Chính điều này đã giúp cho hệ thống truyền thanh cơ sở ở địa phương phát huy được hết tác dụng của mình. Ngoài những thông tin về thời sự thế giới, trong nước, địa phương, huyện được thu sóng trực tiếp thì những kiến thức về phát triển kinh tế cũng được chuyển tải đến bà con một cách cụ thể và liên tục nhất. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thì truyền thanh cơ sở chính là một trong những kênh thông tin chính thức, an toàn đến với tai nghe của người dân. Qua đó, cũng giúp người dân có được những kiến thức để thực hiện một cách nghiêm túc”.
Trong xu thế phát triển hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang có xu hướng thay hình thức tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở bằng các phương tiện hiện đại khác. Tuy nhiên, bằng nhiều nguồn vốn, đặc biệt là kinh phí đầu tư cho việc xóa nghèo thông tin ở Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của phương tiện tuyên truyền này.
Ông Huỳnh Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Thực tế, theo khảo sát từ nhiều năm qua cho thấy, cùng với các kênh thông tin đại chúng khác, đài truyền thanh cơ sở vẫn là một kênh vô cùng hữu hiệu trong việc đồng hành với chính quyền địa phương trên tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa các nghị quyết, chính sách đi vào cuộc sống. Đặc biệt, ở những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,vai trò và tầm quan trọng của hệ thống truyền thanh lại càng được khẳng định, nhất là trong việc thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp về thiên tai, bão lụt, phòng chống dịch bệnh...”.
Theo anh Cill Ha Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Đạ Tông kiêm phụ trách công tác truyền thanh của xã: Hiện tại, xã vẫn thực hiện chương trình truyền thanh mỗi ngày. Buổi sáng từ 5h đến 7h; chiều từ 16h30 đến 19h. Có thể nói, đây là khung giờ thích hợp nhất để phát thanh, vì lúc này gần như người dân ở nhà để có thể thoải mái thu nhận thông tin. Bên cạnh việc phát sóng trực tiếp, chúng tôi còn sản xuất các bản tin ngắn thông tin về các hoạt động của xã hoặc liên quan để phục vụ bà con. Những từ ngữ mới hay phiên âm nước ngoài, tôi cố gắng dùng ngôn ngữ địa phương phiên âm ra để bà con có thể hiểu rõ nghĩa hơn”.
Thực tế cho thấy, các đài truyền thanh xã luôn có những ưu thế nổi bật là thông tin ngắn gọn, sát thực và dễ hiểu. Ngoài việc đề cập đến những nội dung gần gũi với đời sống thường nhật của người dân như chuyện nhà nông, thời vụ, tuyên truyền về những mô hình kinh tế hiệu quả, gương mặt điển hình, người tốt, việc tốt thì các hoạt động liên quan như đại hội Đảng các cấp, bầu cử, các kỳ họp HĐND... cũng được chuyển tải đầy đủ, giúp người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của các sự kiện chính trị lớn của địa phương và đất nước.
Dễ để nhận thấy, trong thời đại số, các phương tiện thông tin hiện đại ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, không ít thông tin trên mạng xã hội, internet với nội dung tiêu cực, không chính xác có thể tác động, ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, hành động của người dân. Cùng với các kênh thông tin chính thống khác, đài truyền thanh cơ sở càng phải được duy trì, phát huy hiệu quả, bởi đây là kênh có sức ảnh hưởng, lan tỏa đến mọi thành phần, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng liên quan cần phải tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa đến cơ sở vật chất, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đảm bảo mức phụ cấp tương xứng cho đội ngũ làm truyền thanh cơ sở ở địa phương. Đảm bảo được những yêu cầu đó, mới có thể đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương nói riêng và của Lâm Đồng nói chung trong tình hình mới.
LINH ĐAN