Huy động trẻ 5 tuổi ra lớp hằng năm đạt 100%, sĩ số chuyên cần hằng ngày đạt trên 95%, có 17/18 giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo...
Huy động trẻ 5 tuổi ra lớp hằng năm đạt 100%, sĩ số chuyên cần hằng ngày đạt trên 95%, có 17/18 giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo...; đó là những thành tích rất đáng ghi nhận của cô và trò ở ngôi trường mầm non nơi vùng sâu Đạ Long.
|
Học sinh Trường Mầm non Đạ Long hào hứng với nhiều hoạt động liên quan đến yếu tố văn hóa truyền thống |
Cô Kon Yông Ka Khét - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đạ Long không khỏi ngậm ngùi khi nghe chúng tôi hỏi về “ngày xưa” ở vùng đất còn nhiều khó khăn này. Theo cô Khét, hạn chế lớn nhất trước đây là việc phụ huynh đi làm ăn xa, nhiều người còn quay trở về làng cũ, đưa cả nhà đi theo làm gián đoạn việc học hành của trẻ. Trước thềm mỗi năm học mới, tổ vận động học sinh ra lớp bao gồm thành phần là cán bộ xã, các đoàn thể, giáo viên lặn lội trên rừng, qua suối không kể ngày đêm. “Đỡ nhiều lắm rồi, các cô không còn phải bỏ tiền túi đi mua từng viên kẹo để dỗ dành trẻ đến trường mỗi ngày nữa”, cô Khét chia sẻ.
Hiểu rõ việc xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp mang tính chiến lược, sẽ là tiền đề để nâng cao chất lượng toàn diện học sinh, từ giai đoạn 2011 - 2013, Ban Giám hiệu nhà trường đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể kêu gọi người dân đóng góp tích cực trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị. Từ đó, nhà trường tập trung đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ, đã tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày, duy trì mô hình bán trú. Hầu hết giáo viên đều đã đầu tư nghiên cứu soạn giảng, thực hiện tốt việc đổi mới công tác giảng dạy tạo cho việc thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng sinh động, thu hút được trẻ tham gia hoạt động và phát huy tính tích cực của trẻ…
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng ủng hộ và thống nhất cao với các phương án xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, các ngày hội, ngày lễ huy động được sự đóng góp của cộng đồng cho giáo dục mầm non của địa phương. Kết quả không nằm ngoài sự mong đợi khi đến đầu năm 2014, trường chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đây là thành tích mà không nhiều trường mầm non trên địa bàn làm được.
“Trẻ càng ngày càng chăm ngoan, chuyên cần của các lớp luôn duy trì ở mức 90 - 95%. 100% học sinh được ăn bán trú tại trường,100% trẻ ở lại bán trú. Nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh ngày càng tăng, không chỉ là tiền bạc, phụ huynh còn đồng hành cùng nhà trường trong các hoạt động duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan… Nhà trường cũng đã tuyên truyền kiến thức nuôi dạy con theo khoa học cho cha mẹ học sinh thông qua góc tuyên truyền của lớp, gặp gỡ phụ huynh để có phương pháp giáo dục đúng đắn tại nhà… tạo sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục mà đội ngũ đã và đang thực hiện”, cô Khét cho biết thêm.
Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, hằng năm nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ, khuyến khích giáo viên đổi mới sáng tạo, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Năm học này, nhà trường duy trì 8 nhóm lớp với 265 trẻ, tăng 35 em. Tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, trong đó có tới trên 95% trẻ DTTS. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn 100% và 94,5% trên chuẩn về đào tạo, vượt xa thời điểm đạt trường chuẩn quốc gia có 50% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
Thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường chỉ đạo giám sát, đánh giá các nhóm, lớp thực hiện chuyên đề một cách linh hoạt và sáng tạo, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm, giao tiếp, trao đổi thực hành, từng bước nâng cao khả năng tự tin cho trẻ. Các chuyên đề phát triển ngôn ngữ, nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động, lồng ghép các nội dung phát triển thể chất thông qua các hoạt động mọi lúc mọi nơi, thường xuyên trao đổi, động viên gia đình cung cấp và bồi dưỡng cho trẻ về ngôn ngữ tiếng Việt, khuyến khích trẻ cùng phát âm tiếng Việt để sẵn sàng bước vào lớp 1.
Kể ra thì nhanh vậy nhưng hành trình để có được những điều trên đều là nỗ lực từng ngày, từng giờ của cô và trò trong suốt những năm qua. Nhiều thế hệ đang sống ở Đạ Long luôn mong mỏi một ngày có cơ hội bước ra tìm hiểu thế giới bên ngoài, thoát khỏi thế “đường cùng, ngõ cụt”. Những người cha, người mẹ vốn chỉ biết đầu tắt mặt tối trên nương rẫy và những cánh đồng đã đặt niềm tin ở con cái mình bằng việc chuẩn bị cho chúng một nền giáo dục thật tốt ngay từ ban đầu.
HỒNG THẮM