Nâng cao chất lượng học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Di Linh

08:12, 07/12/2020

Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống giáo dục trên toàn huyện đảm bảo quy mô, chất lượng học sinh vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Di Linh đã đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần đào tạo thế hệ tương lai, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện hệ thống giáo dục trên toàn huyện đảm bảo quy mô, chất lượng học sinh vùng dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Di Linh đã đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần đào tạo thế hệ tương lai, bồi dưỡng nhân tài để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Cô và trò Trường Tiểu học Tân Châu II trong một buổi lên lớp
Cô và trò Trường Tiểu học Tân Châu II trong một buổi lên lớp
 
Kết quả học tập có nhiều khởi sắc
 
Di Linh được biết đến là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm phần lớn, mức sống khá thấp, trình độ dân trí còn hạn chế, nên sự nghiệp học tập của con em địa phương phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào thầy, cô giáo. Toàn huyện hiện có 88 trường học, gồm 82 trường công lập và 6 trường tư thục với 1.133 lớp và 39.771 học sinh; trong đó, có 29 trường mầm non, 22 trường THCS, 6 trường THPT và 1 trung tâm GDTX. Theo đó, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm trên 40%. 
 
Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên rõ rệt so với những năm trước đây. Tại trường mầm non, 100% đang thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non. Đối với trẻ DTTS, có 2.566/2.566 em được tăng cường tiếng Việt, đạt 34,77%. Kết quả môn Tiếng Việt bậc tiểu học đạt 98,56% học sinh hoàn thành trở lên và môn Toán đạt trên 98,65%; 98,2% học sinh cấp tiểu học được xét hoàn thành chương trình lớp học và 10% hoàn thành chương trình cấp học.
 
Theo thầy Nguyễn Phước Bảo Cường - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trong năm học qua, kết quả học tập của con em vùng DTTS có nhiều khởi sắc. Về học lực của con em DTTS, có trên 40% học sinh bậc THCS xếp loại học lực khá và giỏi; gần 99,8% học sinh được xét công nhận Tốt nghiệp THCS. Về xếp loại hạnh kiểm, THCS có trên 95% học sinh xếp loại khá và tốt, không có học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu.
 
“Đặc biệt, những năm gần đây đã có học sinh DTTS tham gia và đoạt nhiều giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh và tham gia vào các cuộc thi khoa học, kĩ thuật” - thầy Cường nói.
 
Là trường có tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 99,3%, Trường Tiểu học Tân Châu II còn đó nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của lãnh đạo nhà trường, thầy, cô giáo cùng các em học sinh nên chất lượng giáo dục của trường đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Giữa tháng 11/2020, trường vinh dự được đón bằng công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
 
Cô Nguyễn Thị Nguyện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Châu II cho biết: Trước những khó khăn ấy, nhà trường đã khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp, kỹ năng dạy học sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, tính đến nay 100% giáo viên đều đạt chuẩn, trong đó có 46,7% giáo viên trên chuẩn… Đối với học sinh, tỷ lệ khá, giỏi hằng năm tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém ngày càng giảm. Kết thúc học kỳ năm học 2019 - 2020, chất lượng giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục học sinh được xếp loại hoàn thành và hoàn thành tốt đạt tỷ lệ 97,7%, có hơn 43% là học sinh DTTS xếp loại khá và giỏi...
 
Đồng bộ các giải pháp
 
Năm học 2019 - 2020, UBND huyện đã làm việc với Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam đầu tư đối ứng xây dựng nhà bán trú Trường Tiểu học Tân Nghĩa I với tổng kinh phí đầu tư 500 triệu đồng, xây dựng Trường Mẫu giáo Hòa Trung với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và xây dựng mới 5 trường học với tổng kinh phí 62 tỷ đồng. Đồng thời, UBND huyện đã đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách địa phương với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường học trực thuộc đã thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục, qua đó đã huy động được hơn 10 tỷ đồng để nâng cao các điều kiện dạy học, giáo dục trong nhà trường.
 
Cùng với cơ sở vật chất, huyện Di Linh đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục cho giáo viên ở vùng sâu, vùng xa... Các biện pháp này đã góp phần đảm bảo duy trì tốt công tác dạy và học, đặc biệt là duy trì tỷ lệ chuyên cần ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trong năm, số lượng học sinh bỏ học giảm còn 0,52%; trong đó, tỷ lệ học sinh DTTS ở bậc mầm non và tiểu học không có học sinh bỏ học.
 
Bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn trong việc dạy và học tại các vùng DTTS trên địa bàn huyện, nhất là do trình độ dân trí chưa thực sự đồng đều, đời sống người dân tuy được cải thiện song vẫn còn nhiều hộ nghèo, kinh tế khó khăn nên việc quan tâm đến học hành của con em còn nhiều hạn chế. Đồng thời, vốn từ tiếng Việt của học sinh còn quá ít, kỹ năng nghe, nói hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập. 
 
“Nhằm hạn chế những khó khăn, ngành tiếp tục phấn đấu có kế hoạch cụ thể để có các phương pháp chỉ đạo phát triển nền giáo dục nói chung và giáo dục DTTS nói riêng được căn bản đổi mới toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất được đồng bộ. Đồng thời, chú trọng việc đổi mới phương pháp giáo dục phải cập nhật với xu thế hiện đại song phải phù hợp với đối tượng học sinh DTTS, để đẩy mạnh công tác dạy và học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển” - thầy Cường cho hay.
 
THÂN THU HIỀN