Những giáo viên dân tộc thiểu số tương lai

06:12, 11/12/2020

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt giờ không còn đông số lượng sinh viên so với trước đây vì quy định mới về đào tạo, nhưng vẫn nhiều sắc màu của trang phục và tiếng nói nơi giảng đường...

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt giờ không còn đông số lượng sinh viên (SV) so với trước đây vì quy định mới về đào tạo, nhưng vẫn nhiều sắc màu của trang phục và tiếng nói nơi giảng đường. Trở lại ngôi trường được xem như một trong những “cái nôi” đào tạo của ngành Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng, chúng tôi đã gặp nhiều SV các dân tộc thiểu số (DTTS) đang học tập. 
 
Niềm vui của nhóm SV K’Ho sau giờ văn nghệ
Niềm vui của nhóm SV K’Ho sau giờ văn nghệ
 
Tỷ lệ tốt nghiệp Khá, Giỏi cao
 
Thầy giáo, Phó Hiệu trưởng CĐSP Đà Lạt, ThS. Phan Văn Bông niềm nở tiếp tôi tại phòng làm việc chia sẻ ngay: “SV DTTS mấy năm nay thể hiện rất rõ về năng lực bản thân, từ chuyên môn tốt hơn, nhiều cố gắng học tập và rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để bổ trợ khi ra trường. Các bạn giờ nhiều tự tin và mạnh dạn hơn hẳn”. 
 
Số liệu từ Phòng Đào tạo - Khoa học và Công nghệ về SV sư phạm và ngoài sư phạm tốt nghiệp từ năm 2018-2020 là 1.110/1.366 SV; trong đó, SV DTTS đã tốt nghiệp sư phạm thuộc 8 bộ môn của THCS và 2 ngành Tiểu học, Mầm non là 318 em. Hiện số SV DTTS đang học sư phạm tại trường (3 khóa 43, 44, 45, từ 2018-2021) là 266/529 SV, chiếm gần 49%. Theo thầy Phan Văn Bông, khoảng trên 80% SV DTTS tốt nghiệp loại Khá, Giỏi; đặc biệt, ngành Giáo dục tiểu học 100% SV tốt nghiệp Khá, Giỏi. Tại Lễ tổng kết tốt nghiệp ra trường, (khóa 42, năm 2017-2020 với 146 SV Tiểu học), ThS. Trần Thị Hồng - Trưởng Khoa Tiểu học - Mầm non cho biết, kết quả rèn luyện và học tập của khóa học là khá cao, thể hiện ở tỷ lệ SV đạt hạnh kiểm xuất sắc, học lực Khá, Giỏi tăng lên theo từng học kỳ. Còn ngành học Mầm non, tại Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp tháng 7/2020, Hiệu trưởng nhà trường đã trao Quyết định khen thưởng cho 17 SV có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn khóa học; trong đó SV Ka Să KDuyên là dân tộc K’Ho đạt thủ khoa, điểm trung bình 8.53 điểm. Đại diện 190 tân Cử nhân cao đẳng, cô giáo tương lai Ka Să KDuyên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, đã tận tâm truyền đạt cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình học tập và hứa sẽ đem những kiến thức đã học, vận dụng sáng tạo vào công việc và cuộc sống để khỏi phụ lòng mong đợi của thầy cô. Chất lượng của khóa 42 này có 15 SV đạt loại Giỏi (chiếm 7,9%); 172 SV đạt loại Khá (90,5%) và 3 SV đạt loại Trung bình (1,6%).
 
Tự tin rèn luyện 
 
Về đào tạo SV DTTS (gồm 22 dân tộc đã và đang theo học tại trường), Hiệu phó Phan Văn Bông cho biết: “Đồng thời với việc nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, nhà trường thường xuyên quan tâm những hoạt động bổ trợ học tập cho các em như văn nghệ, thể thao và kỹ năng”. Ký túc xá gần như hỗ trợ các em, mỗi SV chỉ trả 40.000 đồng/tháng và thêm tiền điện, nước. Các tổ chức Đoàn, Hội xây dựng các nguồn quỹ hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cho SV tham gia thực tế cơ sở khởi nghiệp; giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp… “Các SV DTTS có thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp tương lai; ý thức tự học, tự rèn luyện tốt. Giờ các em tích cực, chủ động hơn trong học tập so với những năm trước đây. Chúng tôi thực sự vui là các SV đã tự tin và ngày càng hòa đồng trong cuộc sống cũng như học tập…”, ThS. Bông nhận xét. 
 
Không chỉ có năng lực về văn nghệ, thể thao, SV DTTS Trường CĐSP Đà Lạt mấy năm nay đã mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cuối tháng 11/2020, qua hướng dẫn của giảng viên, 2 SV ngành Tiểu học Khóa 43 là Ka Lin (dân tộc K’Ho ở Di Linh) và Ma Trạm (dân tộc Chu Ru ở Đức Trọng) đã đoạt giải Khuyến khích “Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học-Euréka lần thứ 22” do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng thu hút 1.011 đề tài từ 114 trường đại học, cao đẳng, học viện trên cả nước. Đề tài của Ka Lin và Ma Trạm là “Khó khăn tâm lý trong hoạt động học tập của học sinh lớp 1 ở một số trường tiểu học vùng sâu, vùng xa huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng”; bước đầu đưa ra một số giải pháp khắc phục như chuẩn bị tốt cho trẻ về các mặt: tâm, sinh lí; tri thức, ngôn ngữ, kỹ năng sống… Kết quả này vừa khẳng định lòng đam mê theo nghề của các SV DTTS, vừa có ý nghĩa lớn là động viên, khích lệ niềm tự tin vào bản thân ở mỗi SV và giáo viên DTTS. 
 
Ma Trạm là Chi hội trưởng SV của lớp, chia sẻ, ở vùng cô sống (xã Đạ Quyn) còn nhiều khó khăn nên thôi thúc phải làm gì đó để về giúp đỡ mọi người. Đó là lý do Trạm chọn đề tài nghiên cứu khoa học trên và dự định sẽ phát triển làm khóa luận tốt nghiệp vào năm sau. Ma Trạm cũng cho biết, sự tận tình của Nhà trường và thầy, cô, đến nay đã giúp cô tích lũy được nhiều kỹ năng như soạn giáo án, đứng bục giảng, xử lý tình huống sư phạm. “Khó khăn nhất của em giờ đang là thiếu vốn ngôn ngữ tiếng Việt nên ảnh hưởng đến diễn đạt. Em đang tích cực tích lũy để về buôn làng mình cố gắng truyền thụ kiến thức cho các em được hiệu quả”, Ma Trạm nói. 
 
Liêng Jrang Ka Hiêng, ở xã Đạ Loan, huyện Đức Trọng, SV ngành Mầm non K44 bộc bạch: Học không khó lắm nhưng cần nhiều kiến thức và xử lý tình huống. Giáo viên Mầm non rất cần năng khiếu múa và hát. Ka Hiêng nói: “Ở buôn làng, trẻ mầm non biết ít tiếng Việt lắm. Cho nên phải dạy trẻ từ cách chào hỏi người lớn tuổi, đến phân biệt đồ vật bằng tiếng Việt thông qua việc bắt đầu bằng tiếng mẹ đẻ…”. SV Hoàng Thị Thanh, dân tộc Tày ở xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, lớp Anh K43 lại nêu khó khăn khác. Đó là điều kiện các trường học phổ thông chưa đáp ứng được những phương pháp dạy-học hiện đại. Theo Thanh, cần cho học sinh nghe hội thoại nhiều để tập nói, lỗi đâu giáo viên sửa đấy. “Ở Trường, em tích cực học qua tài liệu, internet và chăm chú lĩnh hội kiến thức từ sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên trẻ”. Điều tiếc nuối đối với SV K43 là do dịch COVID-19 nên thời gian kiến tập chưa được dạy thử, chỉ dự giờ, nên các bạn đang tích cực tổ chức tiết dạy ở lớp để giảng viên và đồng môn thảo luận đóng góp.     
 
Rời Trường CĐSP Đà Lạt, tôi gặp nhóm SV Tiểu học K44: Ka Da Lin, Ka Nhis, Rơ Ông Thùy Dương, Ma Hường, Kon Sa Ka Thư trong trang mục K’Ho tập văn nghệ. Những sơn nữ đến từ các buôn làng các huyện Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương và Lạc Dương ríu ran trong hạnh phúc. Niềm vui từ các bạn càng nhân lên trong tôi khi biết rằng, môi trường ấy, SV nhiều năm nhận Bằng khen về thành tích các phong trào của Trung ương Đoàn và tỉnh Đoàn; và mới đây, Trường vừa hoàn thành cơ bản “Đánh giá ngoài cơ sở giáo dục giai đoạn 2015-2019” do Trung tâm kiểm định Đại học Đà Nẵng thực hiện. 
 
MINH ĐẠO