(LĐ online) - Vào thời điểm quý IV năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhu cầu tuyển dụng bổ sung lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, để tăng tốc sản xuất phục vụ hàng Tết và các đơn hàng đã ký kết...
(LĐ online) - Vào thời điểm quý IV năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhu cầu tuyển dụng bổ sung lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, để tăng tốc sản xuất phục vụ hàng Tết và các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu tuyển dụng cao của các DN, thị trường việc làm những tháng cuối năm đang ghi nhận sự khan hiếm nguồn lao động.
|
Công ty Dalat Hasfarm có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động phổ thông |
Nhiều cơ hội việc làm cuối năm
Nếu như những tháng đầu năm 2020, thị trường lao động trở nên ảm đạm, vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì thời điểm này, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã khôi phục sản xuất và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, phục vụ cho thị trường dịp cuối năm.
Ghi nhận tại các sàn giao dịch việc làm gần đây tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng, thị trường lao động đang phục hồi nhanh sau dịch bệnh và dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc hơn. Đây là cơ hội việc làm cho lao động mất việc, thất nghiệp và sinh viên mới ra trường.
Sau thời gian căng mình xoay xở duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, Công ty Dalat Hasfarm đang đăng tuyển số lượng lớn cả ngàn lao động phổ thông với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, cùng nhiều chế độ, chính sách phúc lợi khác để thu hút lao động.
Ông Nguyễn Công Nga - Giám đốc Sản xuất Farm Đạ Ròn (thuộc Công ty Dalat Hasfarm) cho biết: Chỉ tính tại Farm Đạ Ròn, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ từ 800 – 1.000 lao động phổ thông với nhiều vị trí công việc tại các bộ phận như: Trồng và chăm sóc hoa cắt cành, sơ chế, đóng gói… Còn trong toàn bộ hệ thống các farm sản xuất của công ty tại 4 trang trại gồm: Đà Lạt (30 ha), Đa Quý - Xuân Thọ (10 ha), Đạ Ròn - Đơn Dương (250 ha) và Phúc Thọ - Lâm Hà (30 ha) thì số lượng lao động thời vụ công ty cần tuyển lên đến gần 2.000 người.
Theo ông Nga, do nhu cầu tuyển gấp số lượng lớn công nhân nên công ty tạo điều kiện hết mức có thể, giúp người lao động có được công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Qua đó, các công nhân khi được tuyển vào làm tại công ty đều được cán bộ, nhân viên huấn luyện phương pháp làm việc nhanh nhất để thuần thục quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản của từng loại hoa khác nhau.
Tương tự, tại Siêu thị Big C Đà Lạt, hiện đơn vị cũng đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động tại các vị trí: Thu ngân, đóng hàng, đóng gói, bảo quản… Đại diện Phòng Nhân sự Siêu thị cho biết, do nhu cần gấp nên sau phỏng vấn, người lao động có thể đi làm ngay trong tuần. Để khuyến khích nhân viên, siêu thị đưa ra chính sách hấp dẫn như: Tăng lương từ 15 – 20% so với thời điểm bình thường, thưởng chuyên cần, doanh số cho công nhân…
Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 91 được Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng tổ chức mới đây, nhiều DN trong tỉnh cũng đã đăng ký tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu tuyển hơn 4.000 lao động, bao gồm cả phổ thông và tay nghề. Các ngành nghề tuyển dụng nhiều như: may mặc, đồ gỗ, cơ khí, giày da,… Đây là cơ hội để người lao động có cơ hội tìm lại việc làm mới, ổn định cuộc sống.
Nguồn lao động đang khan hiếm
Ngoài tham gia các sàn giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động, nhiều DN tại khu công nghiệp còn đăng tuyển lao động trở lại bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn đăng tuyển, tuyển dụng ngay cổng công ty hoặc liên kết với các công ty giới thiệu việc làm tuyển dụng... Trên tờ thông tin tuyển dụng đều ghi rõ nhiều chế độ chính sách, phúc lợi, mức lương, môi trường làm việc cụ thể để thu hút người lao động.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng khá cao cùng nhiều chế độ, chính sách hấp dẫn, song đại diện phòng nhân sự nhiều DN cho biết, việc tuyển dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã đăng tuyển bằng nhiều kênh, song vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nhiều DN chỉ nhận được vài bộ hồ sơ mỗi ngày khi tham gia tuyển dụng trực tiếp hoặc trên các trang web của DN.
Ông Hà Văn Đạt – Đại diện Công ty Hà Gia Phát, khu công nghiệp Phú Hội, (huyện Đức Trọng) cho biết: Nhu cầu thị trường từ đây đến Tết Nguyên đán về các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ là rất cao. Công ty cũng đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đáp ứng các đơn hàng lớn đã ký trong nước. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu hụt nguồn nhân công.
Theo ông Đạt, hiện nay đang vào mùa thu hoạch cà phê nên công ty rất khó tuyển dụng được lao động thời vụ. Đó là chưa kể một số công nhân đang làm việc cũng tính chuyện xin nghỉ để hái cà phê. Mặc dù, công ty đã cố gắng đưa ra các chính sách về lương, thưởng tháng 13, thưởng Tết… nhưng vẫn chưa tuyển được số lượng công nhân theo nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng cho biết: Điều khác biệt khi tuyển dụng lao động năm nay là các DN không yêu cầu tay nghề khắt khe như trước đây, mà mở rộng cửa hơn để thu hút lao động. Các DN chấp nhận đào tạo nghề cho lao động mới, lao động trẻ và chi trả mức lương tương xứng để có nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Tuy nhiên, do việc tuyển dụng khó khăn, ngoài việc tuyển dụng trực tiếp và sử dụng các kênh khác nhau, tham gia sàn giao dịch việc làm, các DN còn liên hệ với các trung tâm dịch vụ môi giới việc làm xung quanh các khu công nghiệp để phối hợp tuyển dụng.
Giải thích về lý do khan hiếm lao động dịp cuối năm, bà Hương cho rằng, thời điểm dịch bệnh xảy ra, các DN đều gặp khó khăn và cho lao động làm việc luân phiên, nghỉ việc không lương hoặc nghỉ việc có chế độ. Nhiều DN sau khi phục hồi sản xuất đã nhận lại số lao động đã nghỉ trước đây nên phần lớn họ tìm được việc làm trở lại. Mặt khác, đối với lao động ở các DN giải thể đã tìm được việc làm mới hoặc đăng ký học nghề, tìm công việc khác nên lực lượng lao động phổ thông không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các DN.
HOÀNG SA