Chúng ta đã chống chịu tốt nhưng thiên tai quá khốc liệt" là điều ông Nguyễn Hoàng Hiệp -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời VNexpress. 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ. Gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái...
(LĐ online) - “Chúng ta đã chống chịu tốt nhưng thiên tai quá khốc liệt” là điều ông Nguyễn Hoàng Hiệp -Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời VNexpress. 249 người chết, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ. Gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp tổn thương nghiêm trọng với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu, 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3.200.000 gia cầm bị chết; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km với tổng thiệt hại ước tính 30.000 tỷ đồng. Những con số mà Thứ trưởng đưa ra đã cho thấy sự khốc liệt này, dù đó có thể chưa phải là con số cuối cùng tại miền Trung – Tây Nguyên trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.
Sự cố thảm khốc ở Rào Trăng 3, ở Trà Leng và vài điểm sạt lở khác ở khu vực này chắc chắn phải đặt ra việc rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại quy hoạch về hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nhưng trên biên độ rộng, mưa gió, thiên tai, bão lũ…đã lấy đi của người dân rất nhiều cơ hội để sống và thay đổi. Tôi nhớ những ngôi nhà ẩm ướt ngày đi qua mấy vùng trũng ven phá Tam Giang, nhớ những tấm bạt căng tạm che mưa gió, những ruộng rau ngoi ngóp sau lũ, những ngôi trường chưa thể đón học sinh trở lại cùng những buồn lo nặng trĩu trong những ánh mắt mình đã gặp, đã trò chuyện. Vẫn biết người miền Trung vốn chịu thương, chịu khó để vượt qua khó khăn, nhưng trở lại không có nghĩa là với nhịp sống ở trường độ cũ, mà là sẽ rất nhiều nhọc nhằn, chắt chiu để gầy dựng trở lại, mọi thứ.
Dẫu vậy, tôi vẫn thấy lòng mình nhói về khi vị thứ trưởng chia sẻ rằng, mất mát, thiệt hại là quá nhiều, dù Nhà nước có cấp ngay một gói 30.000 tỷ đồng đi chăng nữa, vẫn không thể tái thiết được như cũ. Ông cũng cho hay, 10 năm nữa cũng chưa thể phục hồi được những gì đã có, như trước lũ.
Trong các cuộc chuyện trò, điều mà tôi nhận ra là ngay cả người dân cũng với mong ước về những ngôi nhà kiên cố hơn, chắc chắn hơn để có thể náu mình hay cất giữ đồ đạc khi lũ về, như một cách đối diện với thiên tai. Nhưng chắc chắn, sinh kế cho người dân là quan trọng nhất và chắc chắn, sẽ có nhiều điều cần phải được bàn bạc, hoạch định lại sau lũ.
Tái thiết lại cuộc sống của người dân vùng lũ đang được ưu tiên hàng đầu. Chính quyền các cấp cũng đã đặt trọng tâm vào vấn đề này, với mọi ưu tiên nhất có thể. Rất nhiều việc sẽ phải khởi động lại, với những lựa chọn dựa trên các yếu tố an toàn, thuận tiện và hạn chế thấp nhất những tác động đến người dân cả trong cư trú, sinh hoạt, sản xuất. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện các tỉnh trong giai đoạn làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, là thời điểm thuận lợi để chính quyền tính yếu tố thiên tai. Đây chắc chắn sẽ là quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, không chỉ riêng ở miền Trung – Tây Nguyên!
YÊN MINH