Trong những năm gần đây, nhằm hạn chế những yếu kém trong việc tìm hướng đi cho học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp lớp 12...
Trong những năm gần đây, nhằm hạn chế những yếu kém trong việc tìm hướng đi cho học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp lớp 12, hướng nghiệp cho các em đang trở thành một vấn đề hết sức cấp thiết và đã nhận được sự quan tâm từ các cấp Trung ương đến địa phương. THPT Lộc An (Bảo Lâm) là ngôi trường đóng trên địa bàn có nền kinh tế đang chuyển hướng mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp thủ công sang áp dụng công nghệ hiện đại. Nhà trường chú trọng thay đổi về cách thức và nội dung hướng nghiệp cho các em học sinh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong tư vấn hướng nghiệp.
|
Học sinh tham quan mô hình trồng dưa lưới giá thể bằng công nghệ Israel tại Thôn 11, Lộc An |
Nếu như trước đây, việc giúp đỡ học sinh xác định về xu hướng tâm lý và năng lực của các em mất rất nhiều thời gian của ban tư vấn, việc nắm bắt thông tin về các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề thông qua tờ rơi chẳng mấy đem lại hiệu quả, sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các mô hình sản xuất hiệu quả cao với hoạt động hướng nghiệp của nhà trường chưa thực sự rõ ràng thì năm nay, trường đã hoàn toàn đột phá trong hoạt động đó. Ban hướng nghiệp nhà trường đã chủ động hướng dẫn học sinh cài đặt và sử dụng phần mềm tư vấn hướng nghiệp JobWay (một trong ba công trình xuất sắc giành giải đặc biệt của Chương trình “Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục, giai đoạn 2016-2020”). Với phần mềm này, thông qua 2 bài test trong mục “Hiểu mình”, học sinh sẽ có thể xác định được tính cách của bản thân, các nhóm nghề phù hợp với nhóm tính cách đó cùng độ tin cậy khá cao. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp cho học sinh cơ hội nắm bắt thông tin của gần 100 trường đại học, cao đẳng và sở hữu cơ hội tư vấn trực tiếp từ các tác giả của ứng dụng. Sau khi trải nghiệm, hầu hết học sinh bất ngờ và cảm thấy hứng thú với ứng dụng này.
Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phần mềm thì tỉ lệ học sinh “đã xác định được nhóm nghề nhưng vẫn còn phân vân” là khá cao. Ý thức được điều đó, trường đã chủ động tổ chức lồng ghép nội dung tư vấn hướng nghiệp nhóm lớn vào trong các hoạt động giáo dục bắt buộc của nhà trường. Trong hoạt động tư vấn này, để tránh tình trạng thông tin các em cần thì không có, điều các em không muốn thì lại được nói quá nhiều, nhà trường đã chủ động lên kế hoạch phát phiếu thăm dò nhu cầu hướng nghiệp cho các em. Từ kết quả thăm dò, nhà trường quyết định hình thành chuỗi tư vấn: sản xuất - dịch vụ thương mại - đào tạo. Cụ thể, Ban hướng nghiệp của nhà trường đã chủ động mời Ban Giám đốc Công ty Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Tâm Châu, 1 nhà nông có mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại địa phương và một số khoa của Trường Đại học Đà Lạt. Tại buổi tư vấn, học sinh rất hứng thú và rất nhiều câu hỏi được các em đặt ra cho các chuyên gia tư vấn. Có những em quan tâm đến quá trình bứt phá dám từ bỏ cây cà phê để đầu tư nông nghiệp chất lượng cao của bác Đinh Văn Hiến tại Thôn 5 xã Lộc An; có những em quan tâm đến nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng nhân viên thu nhập cao của Tâm Châu. Đặc biệt, tại buổi tư vấn, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Đà Lạt không chỉ chuyển phiếu giới thiệu tới tận tay học sinh mà còn tận tình trả lời các câu hỏi về quy mô, thế mạnh, hiệu quả đào tạo của trường; cuối buổi tư vấn các thầy chủ động tập trung các nhóm nhỏ học sinh để trao đổi thông tin nhóm ngành mà các em quan tâm. Sau buổi tư vấn, thầy Hoàng Minh Tiến - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Điều chúng tôi cảm thấy phấn khởi không phải chỉ là sự quan tâm của nhà trường mà còn ở chỗ sau buổi tư vấn, chúng tôi cảm thấy ít nhiều đã trao cho các em được niềm tin vào bản thân, vào Trường Đại học Đà Lạt.
Ngoài hai nhóm giải pháp trên, để tăng cường tính thực tế cho hoạt động hướng nghiệp, nhà trường còn chủ động tổ chức tư vấn hướng nghiệp nhóm bằng việc cho học sinh trực tiếp tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trên địa bàn xã Lộc An. Cụ thể, các em được tham quan mô hình trồng hoa cúc, ớt chuông, đặc biệt là tham quan mô hình sản xuất dưa lưới bằng hình thức giá thể theo công nghệ Israel của trang trại Phước Nguyệt tại Thôn 11, xã Lộc An. Tại đây, các em được tìm hiểu về quá trình mày mò học hỏi của chủ trang trại, được tự tay đo nồng độ pH trong đất, quy trình vận hành hệ thống tự động và tìm hiểu khâu bảo quản, tiêu thụ trái dưa lưới. Kết thúc buổi tham quan, em Lê Phước Tứ, học sinh lớp 11A1 cho biết: Chưa bao giờ em được trải nghiệm một loạt các hoạt động tư vấn hướng nghiệp như lần này, qua đây em đã xác định được rõ ràng về nghề nghiệp cho bản thân.
Có thể nói, với Đề án 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 5206/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025”, hoạt động hướng nghiệp của Trường THPT Lộc An là một luồng gió mới mang tính đột phá cao trên địa bàn. Hy vọng chương trình hướng nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng của lực lượng lao động cho chính địa phương này trong tương lai.
NGUYỄN VĂN DŨNG