Vì một thành phố thông minh

06:12, 28/12/2020

Tôi về phường Lộc Tiến, nơi có nhân tố quan trọng bậc nhất - Con người - đã và đang từng ngày góp sức mình làm nên những điều kỳ diệu - vì một thành phố thông minh...

Tôi về phường Lộc Tiến, nơi có nhân tố quan trọng bậc nhất - Con người - đã và đang từng ngày góp sức mình làm nên những điều kỳ diệu - vì một thành phố thông minh. Lộc Tiến được thành lập năm 1994 khi Chính phủ quyết định chia huyện Bảo Lộc thành hai đơn vị hành chính là thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Trong đó xã Lộc Tiến - diện tích 12,65 km², dân số khoảng trên 13 ngàn người - được chuyển thành phường cùng với các xã Lộc Phát, Lộc Sơn.
 
Một góc thành phố Bảo Lộc. Ảnh: HHN
Một góc thành phố Bảo Lộc. Ảnh: HHN
 
Ông Nguyễn Tấn Huy - Bí thư Đảng ủy phường Lộc Tiến hồ hởi chia sẻ:
 
- Phường chúng tôi đã và đang thực hiện các mô hình đô thị văn minh, như: “Xây dựng giáo xứ sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Cải tạo Nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm trở thành một công viên nghĩa trang hiện đại, văn minh”… 
 
Để minh chứng cho kết quả hai mô hình trên, ông Huy trở nên sôi nổi hơn, khi chúng tôi nhận ra, ông nói không chỉ bằng miệng, mà bằng cả ánh mắt và khuôn mặt rạng ngời:
 
- Trước hết, giáo dân Giáo xứ Thánh Tâm tích cực đóng góp sức người, sức của để thảm nhựa 8 tuyến đường trong giáo xứ, với tổng chiều dài hơn 4,5 km và kinh phí lên tới trên 8 tỷ đồng. Tiếp đến là việc cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Giáo xứ Thánh Tâm trở nên cấp bách. 
 
Còn ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch UBND phường Lộc Tiến, cũng rất tâm đắc về mô hình làm đẹp thành phố này:
 
- Năm 2016, phường Lộc Tiến được công nhận phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Góp phần làm nên những công trình này, có sự góp sức của bà con giáo dân, mà đặc biệt là Linh mục Dương Công Hồ. 
 
Như để đánh giá thật đầy đủ những cống hiến của vị linh mục, ông Lợi chầm chậm, rành rẽ nhả từng lời: 
 
- Giáo xứ Thánh Tâm có một con suối chảy ngang qua đã bị quá tải và ô nhiễm bởi nước thải và rác thải sinh hoạt, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Thấy cần phải làm cho con suối trở nên trong sạch hơn, Linh mục Hồ đã chủ động trao đổi với chính quyền địa phương, và chúng tôi ủng hộ hết mình trong việc giải phóng mặt bằng và tổ chức nạo vét. Trong thời gian gần hai tháng, với 120 công nạo vét, dòng suối đã thông thoáng, thoát nước nhanh hơn và môi trường xung quanh cũng trở nên trong lành và đáng sống hơn.
 
Bất giác, trong vị đặc trưng của cà phê xứ sở B’Lao, hương thơm lan tỏa, len sâu vào từng giác quan, chúng tôi lại nhớ câu nói của đồng chí Nguyễn Minh Châu - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, khi tiếp chúng tôi thức uống đặc biệt - Cà phê:
 
- Bảo Lộc sẽ phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị sinh thái hiện đại, với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao với những đồi chè, nương dâu và hồ nước mát lành…
 
Còn ông Hoàng Bảo Nguyên - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, không như người uống trà, nhấp một ngụm thì “khà” một tiếng sảng khoái. Tay ông nâng ly cà phê ngang môi, mắt nhắm lại, kệ cho làn khói thơm vương vương mà suy tưởng:
 
- Nói như cụ Tố Như: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì thánh thật. 
 
Từ một con suối, một nghĩa trang đã bao năm đượm cảnh buồn vì sự ô nhiễm, lộn xộn, nay nhờ những con người năng động, sắp xếp lại, trong tâm thức lúc nào cũng lo cho niềm vui chung, lúc nào cũng đăm đắm vì quê hương, đất nước được giữ trọn niềm vui… như Linh mục Dương Công Hồ, thì còn lo gì Bảo Lộc không về đích sớm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong vài năm tới.
 
* * *
 
Tôi biết Linh mục Dương Công Hồ từ năm 1994, khi Đạ Tẻh đang chuẩn bị khởi công nhà thờ đầu tiên tại thị trấn huyện. Hai mươi hai năm gắn bó với một vùng đất mới còn nhiều khó khăn, Linh mục Hồ luôn được người có đạo hay ngoại đạo, đều thân thương gọi hai tiếng “Cha Hồ”. Ông canh cánh lo cho bà con người Mạ thiếu ăn. Ông trăn trở khi bà con có người thân qua đời cần một cỗ quan tài tươm tất… những điều tưởng nhỏ nhưng lại lấy được lòng bà con giữ trọn niềm tin yêu với Đảng. Chỉ trong hơn hai thập kỷ, ông đã để lại cho mảnh đất nơi ông gắn bó những công trình rất nhân văn, với những dấu ấn sâu đậm trong lòng giáo dân và con người nơi đây: Đó là thành lập Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ Hiệp Nhất; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Đó là việc thành lập và xây dựng Trường Tiểu học Tư thục Việt Anh, nơi dạy dỗ hàng trăm trẻ thơ, đa số là con em người dân tộc Mạ, dân tộc Tày… phát triển toàn diện, đủ hành trang bước vào môi trường học đường mới. Đó là phát triển mô hình trồng chuối giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Đạ Nha hàng chục héc ta, vừa để bà con không phá rừng vừa có thêm việc làm và tăng thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
 
Thế nên, khi về Lộc Tiến (Bảo Lộc), dù chỉ mấy năm, bằng trách nhiệm của một công dân yêu nước, Linh mục được chính quyền và Nhân dân tin yêu, ủng hộ, tất cả vì một thành phố trẻ phát triển bền vững, hướng tới văn minh. Lĩnh vực mà ông chọn để đột phá chính là: Xây dựng trật tự văn minh đô thị, trước hết phải xây dựng được nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Nếp sống là hành vi ứng xử của con người đã trở thành thói quen, được xã hội thừa nhận. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là nếp sống theo các chuẩn mực giá trị của văn hóa, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt đô thị. Nếp sống văn hóa - văn minh đô thị không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, bộ mặt văn hóa cho đô thị mà còn góp phần xây dựng con người mới với tác phong và cốt cách văn minh, hiện đại. Bằng chất giọng trầm ấm, truyền cảm, Linh mục Hồ trải lòng:
 
- Khu nghĩa trang này là địa điểm tâm linh và tồn tại hơn 60 năm, nên việc tu sửa theo hướng trật tự mới, văn minh, hiện đại gặp không ít khó khăn. Ông cha ta vẫn nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó rời”, nhưng được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và giáo hội, tôi đã kiên trì vận động, thuyết phục bà con, khi thì trên giáo đường, hoặc lúc đến từng nhà giáo dân để bàn bạc thực hiện việc tu sửa, xây dựng lại nghĩa trang. 
 
Thân mật đặt tay lên vai tôi, Linh mục chỉ về phía trước:
 
- Như anh thấy đấy, sự kiên trì đã được đền đáp, khu nghĩa trang được cải tạo trông như công viên giữa lòng thành phố. Giờ đây, hình hài của nó đã trở nên gọn gàng, hiện đại chia làm hai khu vực với công năng khác nhau. Được người dân hài lòng về một cảnh quan hiện đại, văn minh. Tạo thuận lợi cho giáo dân cũng như người thân qua lại viếng thăm.
 
Còn tôi, tôi lại thấy: Quan trọng hơn cả là công trình phù hợp với những tiêu chí của sự phát triển chung - thành phố Bảo Lộc trong tương lai.
 
* * *
 
Mười năm, một thời gian không dài, một bước đi ban đầu cho sự phát triển của một thành phố trẻ. Nhưng những điều mắt thấy, tai nghe đã cho chúng tôi niềm tin về một Bảo Lộc - Hiện thân của sức bật Phù Đổng - trên con đường phát triển.
 
Tôi đồng tình và chia sẻ với tâm sự giản dị mà đầy khát vọng của đồng chí Bí thư Thành ủy - Nguyễn Quốc Triệu:
 
- Bảo Lộc không được nổi tiếng, không trữ tình hay mỹ miều như “xứ sở ngàn hoa” Đà Lạt. Nhưng nơi đây xứng đáng là “viên ngọc thô” đẹp đẽ, đang rất cần sự chung tay, góp sức quy hoạch, đầu tư, xây dựng một cách bài bản, để xứng tầm là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.
 
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM