Vừa học trung học phổ thông vừa học nghề

05:12, 09/12/2020

Đã có không ít học sinh khi hoàn thành trung học cơ sở đã chọn vừa học trung học phổ thông vừa học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng...

Đã có không ít học sinh khi hoàn thành trung học cơ sở đã chọn vừa học trung học phổ thông vừa học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng. Sau 3 năm học ở đây, các em có thể học tiếp lên cao đẳng hoặc thi vào đại học.
 
Học sinh phổ thông trong giờ thực tập phòng thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng
Học sinh phổ thông trong giờ thực tập phòng thí nghiệm tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng
 
Nhiều nghề để chọn
 
Với Lê Văn Thành, học sinh lớp 10 Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng - Đà Lạt, học nghề trong lúc đang học trung học phổ thông là một lựa chọn phù hợp mà Thành yêu thích lâu nay.
 
Người Đà Lạt, gia đình ở Phường 5, lúc hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trong khi các bạn khác đa số đều vào trung học phổ thông để học tiếp thì Thành chọn theo học trung học phổ thông tại Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng để học cả nghề công nghệ thông tin tại đây. 
 
Thành cho biết, khi hết lớp 9 em vẫn đủ điểm để vào trung học phổ thông một trường trên địa bàn, nhưng em chọn học Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng, vì trước đó có người quen giới thiệu, gia đình cũng đồng ý với chọn lựa này. “Có anh chị trước đây vào học xong phổ thông là có nghề luôn, tìm được việc làm, phụ giúp được gia đình nên em cũng thích” - Thành nói.
 
Thành cho hay, ở trường chỉ học văn hóa buổi sáng, chiều học nghề. Đến nay, trong lớp nghề, Thành đã bắt đầu tìm hiểu về máy tính, sửa chữa, cài đặt. “Khi có nghề rồi khi học lên đại học cũng thuận lợi, có thể tìm việc làm thêm, cũng đỡ bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình” - Thành suy nghĩ.
 
Còn với Phạm Hoàng Yên Nhi, người Đà Lạt, học sinh lớp 11, do năm trước em không đủ điểm vào một trường công lập nên đã đăng ký vào học tại đây. Bên cạnh học văn hóa, Nhi cũng chọn học nghề công nghệ thông tin. “Em thích tin học và công nghệ thông tin” - Nhi nói. 
 
Theo Nhi, chương trình học văn hóa nơi đây khá nhẹ, thầy cô lại tận tình giúp đỡ nên học không căng thẳng lắm. Em cùng các bạn trong trường còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao. “ Trường học rất vui, em sẽ học tiếp lên bậc cao đẳng tại trường” - Nhi cho biết.
 
Bên cạnh công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng hiện có rất nhiều nghề cho học sinh khi vào học trung học phổ thông nơi đây có thể chọn lựa. Như Trương Quang Trường, học sinh lớp 10, gia đình ở thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng, Đam Rông đã chọn theo nghề kỹ thuật chế biến món ăn.
 
“Do các anh chị trong huyện trước đây đăng ký học tại trường khá nhiều và có giới thiệu cho gia đình biết nên khi xong trung học cơ sở, em xin đi học và được gia đình chấp nhận. Nhà cũng ra đây xem xét mọi thứ rồi mới cho em đi học” - Trường tươi cười.
 
Học sinh ngày càng tăng 
 
“Học sinh trong trường theo chương trình vừa học phổ thông, vừa học nghề này đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây” - ông Trần Đăng Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng cho chúng tôi biết.
 
Theo ông Hải, hệ đào tạo này đã được áp dụng tại trường hơn 20 năm nay, từ khoảng năm 2000 theo chủ trương định hướng phân luồng học sinh trung học theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, những năm trước đây số học sinh còn khá khiêm tốn, còn trong 2 năm gần đây đã tăng lên rất nhanh. Năm học 2019-2020, trường tuyển được trên 400 học sinh, niên học 2020 - 2021 này đã có khoảng 700 học sinh đăng ký theo học tại điểm trường chính ở Đà Lạt và các điểm vệ tinh của trường tại các huyện và tại thành phố Bảo Lộc. 
 
Học sinh phổ thông khi theo chương trình này, theo ông Hải, sẽ có rất nhiều ưu đãi. Cụ thể, học sinh sẽ được học văn hóa theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời các em sẽ được học một nghề trong thời hạn 2,5 năm. Trường buổi sáng dạy văn hóa, buổi chiều tổ chức các lớp nghề cho các em. 
 
“Tốt nghiệp bậc trung học cơ sở, các em có thể vào đây, chương trình này được Nhà nước cấp học phí nên các em trong thời gian học tại trường không phải đóng gì, em nào học giỏi còn được học bổng và được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp” - ông Hải cho biết. 
 
Với học nghề, theo ông Hải, nhà trường có rất nhiều nghề để học sinh lựa chọn, từ các nhóm nghề du lịch như hướng dẫn lữ hành, buồng phòng, kỹ thuật nấu ăn, tiếp tân, kế toán cho đến các nghề về công nghệ, kỹ thuật như tin học, điện, công nghệ thực phẩm, công nghệ ô tô…
 
Để tạo điều kiện cho những học sinh xa nhà, gần đây nhà trường đã xây dựng hệ thống ký túc xá ngay trong điểm trường chính tại Đà Lạt. Học sinh ở xã có thể đăng ký ở ngay trong trường. Hiện ký túc xá này có 51 học sinh đăng ký ở, nhà trường chỉ thu 120 nghìn đồng/tháng tiền điện nước đối với mỗi học sinh, trường có tổ chức căn tin, nhà bếp nấu ăn cho học sinh với 25 nghìn đồng/suất cơm mỗi bữa.
 
“Để gia đình các em ở xa an tâm, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ, yêu cầu các em tuân thủ giờ giấc, nội quy sinh hoạt. Buổi tối các em học tập trung theo quy định, có giáo viên kiểm tra, mỗi tháng các em được phép về nhà một lần” - thầy giáo Danh Đạt Hiếu, quản lý ký túc xá cho biết.
 
Ông Hải cho biết, sau 3 năm học, các em sẽ nhận bằng tốt nghiệp phổ thông cùng bằng trung cấp nghề, các em có thể đăng ký thi tốt nghiệp phổ thông hoặc có thể dùng bằng tốt nghiệp trung cấp nghề để học lên bậc cao đẳng, đại học hoặc đi làm. Trong trường hợp các em học liên thông ngay tại trường, chương trình đào tạo sẽ rút ngắn thời gian học tập đáng kể cho các em, hệ cao đẳng chỉ còn học 1,5 năm là xong, liên thông đại học chỉ mất 2,5 năm. Trong thời gian liên thông, các em có thể đi làm thêm, nhà trường sẽ bố trí lịch học vào buổi tối hoặc thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. 
 
“Nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em khi vào học chương trình này tại đây. Nhà trường trong những năm gần đây đã liên kết với nhiều doanh nghiệp bên ngoài, mở rộng ngành nghề đào tạo, các em được thực hành tại các doanh nghiệp để làm quen. Hằng năm, trường liên kết mở các hội chợ việc làm, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với doanh nghiệp để tìm cơ hội khi ra trường. Thực tế, hầu như những học sinh chúng tôi đào tạo trong những năm gần đây khi ra trường đều có việc làm” - ông Hải khẳng định.
 
GIA KHÁNH - THỤC HIỀN