Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên hơn 74%, đời sống còn nhiều khó khăn; nhưng xã Lát, huyện Lạc Dương đã xây dựng và đạt những kết quả rất khích lệ về các mô hình "học tập"...
Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên hơn 74%, đời sống còn nhiều khó khăn; nhưng xã Lát, huyện Lạc Dương đã xây dựng và đạt những kết quả rất khích lệ về các mô hình “học tập”. Từ năm 2017 đến nay, danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã được địa phương giữ vững và trở thành điển hình của tỉnh.
|
Bữa cơm bán trú của trẻ mầm non Đạ Nghịt |
Xã Lát có tổng diện tích tự nhiên gần 21.714 ha. Là xã có 653 hộ với 2.840 người cư trú; trong đó, DTTS 2.107 người. Xã Lát có 4 thôn, 4 trường học và trên 10 dòng họ. Sau đại hội năm 2020, Hội Khuyến học xã có 543 hội viên, đạt tỷ lệ 83,15%.
Thực hiện chủ trương xây dựng “Cộng đồng học tập” của các cấp, đầu năm 2017, Đảng ủy xã Lát đã ban hành Nghị quyết số 07 nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, công tác phổ cập, trung tâm học tập cộng đồng, xã hội học tập trên địa bàn. Công tác giáo dục được cụ thể hóa tại Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Cùng đó, các kế hoạch và quyết định được UBND xã ban hành để triển khai hàng năm và cả giai đoạn 5 năm (2016-2020). Khi có những hành lang pháp lý, Ban chỉ đạo được kiện toàn; quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đến mỗi thành viên phụ trách từng lĩnh vực, từng tiêu chí. Từ đây, phong trào học tập lan tỏa đến mọi tổ chức mặt trận, các đoàn thể, Ban giám hiệu trường học, chi bộ và Ban nhân dân các thôn. Hội Khuyến học chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động sát thực nhất. Cụ thể, xây dựng các mô hình học tập; thường xuyên kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của chi hội khuyến học; xây dựng quỹ khuyến học; hướng dẫn các thôn đăng ký xây dựng “Thôn học tập”, phối hợp vận động Nhân dân đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”, tham mưu cho Ban chỉ đạo xã đăng ký “Xây dựng xã hội học tập”; kiểm tra, hướng dẫn việc bình xét “Gia đình học tập”, “Thôn học tập”... Công tác tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và phát động hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” theo đó duy trì và phát triển...
Phong trào “Cộng đồng học tập” có thực chất hay không phải từ Mặt trận, các đoàn thể, thôn dân cư nắm giữ vai trò rường cột. Các đầu mối này vừa định hướng, phổ biến nội dung; vừa tuyên truyền, vận động các thành viên và vừa tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá. Riêng công tác tuyên truyền, tập huấn về lĩnh vực chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua, xã Lát tổ chức được 51 lớp với 7.000 lượt người tham gia. Phong trào từng bộ phận ngày càng nâng lên, thực sự có tính lan tỏa và tác động tích cực đến xã hội.
Ông Trần Đình Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Lát, Trưởng ban Chỉ đạo “Xây dựng xã hội học tập” xã Lát cho biết, 5 năm qua, địa phương đón nhận 490 triệu đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân để cùng chung tay tham gia công tác xã hội hóa việc xây dựng “xã hội học tập”. Cùng đó, 300 triệu đồng từ kinh phí của Nhà nước đã góp phần quan trọng để xã Lát từng bước hoàn thành các chỉ tiêu về hoạt động giáo dục. Ông Thể nhận xét: “Qua 5 năm triển khai, xây dựng và thực hiện các mô hình học tập theo Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn xã đã xuất hiện những cá nhân, đơn vị có nhiều cố gắng phấn đấu trong việc xây dựng “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”. Chính từ những mô hình này đã góp phần vào kết quả của địa phương, tạo được sức lan tỏa trên toàn xã, làm cho việc xây dựng các mô hình học tập không chỉ mang tính phong trào mà trở thành việc làm thường xuyên và có ý nghĩa thiết thực”.
Cũng theo ông Thể, hàng năm, số gia đình đăng ký “Gia đình học tập” đạt tiêu chuẩn này đều trên 75%; 100% các thôn được công nhận “Cộng đồng học tập”, 100% các trường và UBND được công nhận “Đơn vị học tập”. Từ năm 2017 đến nay, xã Lát được công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”. Những hộ tiêu biểu về “Gia đình học tập” là ông Kơ Să K’Gút, ông Đa Cat K’Han ở thôn Păng Tiêng; ông Liêng Hót Ha Đinh, bà Cil K’Thim ở thôn Đạ Nghịt I; ông R’ông K’Gail ở thôn Păng Tiêng I hay ông Liêng Hót Ha Ky ở thôn Đạ Nghịt... Mô hình “Dòng họ học tập” tiêu biểu như dòng họ Kơ Să, dòng họ Liêng Hót, dòng họ Rơ Ông... Mô hình “Cộng đồng học tập” cấp thôn tiêu biểu như thôn Đạ Nghịt I, thôn Păng Tiêng I…, và mô hình “Đơn vị học tập” tiêu biểu như Trường THCS xã Lát, Trường Tiểu học Păng Tiêng, UBND xã Lát...
Ý nghĩa và tính bền vững của phong trào “Cộng đồng học tập” ở xã Lát là tác động đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của xã và huyện. Trong đó, việc về đích xây dựng nông thôn mới rất đáng khích lệ và tiếp tục phát huy. Đến nay, đời sống người dân nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững và ổn định.
Giữa tháng 9/2020, xã Lát Đại hội Hội Khuyến học xã khóa IV (2020-2025) thống nhất một số chỉ tiêu cụ thể hàng năm như: 80% trở lên số hộ dân đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”, trong đó 75% trở lên số hộ gia đình đăng ký đạt; từ 2 dòng họ trở lên đạt “Dòng họ học tập”; 100% đơn vị, trường học đạt “Đơn vị học tập” và duy trì “Cộng đồng học tập cấp xã”...
MINH ĐẠO