Đúng 5 năm trước, tháng 1/2016, Quyết định số 196 của UBND tỉnh đã "Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học huyện Đạ Tẻh đến năm 2020"...
Đúng 5 năm trước, tháng 1/2016, Quyết định số 196 của UBND tỉnh đã “Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học huyện Đạ Tẻh đến năm 2020”. Đến nay, huyện Đạ Tẻh đã cơ bản hoàn thành những nội dung chủ yếu theo Quyết định này, trong đó lĩnh vực giáo dục học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng khởi sắc.
|
Giờ ra chơi của học sinh dân tộc Mạ ở điểm trường Đạ Nhar |
Mục tiêu chung đặt ra tại Quyết định 196 là sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới trường học trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đến năm 2020 phù hợp với các điều kiện địa lý, dân cư và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của huyện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân hướng tới một xã hội học tập. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp học, nhất là mầm non và phổ thông ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhằm giảm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng và đảm bảo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Tăng cường cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại, đảm bảo phòng học kiên cố, phòng học bộ môn và phòng chức năng đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và mầm non... Theo đó, nhiều mục tiêu cụ thể đối với từng bậc học. Trong đó, vấn đề giáo dục HS DTTS được nhấn mạnh như: tăng tỷ lệ HS trong độ tuổi đến trường, huy động số em trong độ tuổi đạt 100% (ở bậc tiểu học); chú trọng dạy nghề cho lao động (ở giáo dục nghề nghiệp)…
Số liệu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Đạ Tẻh cho biết, toàn ngành có 2.411 HS DTTS trên tổng HS 9.700, chiếm tỷ lệ 24,85%. Trong đó, mầm non 572/2.718 HS, tỷ lệ 21,04%; tiểu học 1.063/4.131 HS, tỷ lệ 25,73% và THCS 776/2.851 HS, tỷ lệ 27,21%. Điểm nổi bật và đáng vui ở HS DTTS trên địa bàn huyện là chất lượng và hiệu quả 2 mặt giáo dục không chênh lệch nhiều so mặt bằng chung. Kết quả năm học 2019-2020 cho thấy, hạnh kiểm từ Trung bình trở lên có 774/776 HS, đạt 99,74%; học lực từ Trung bình trở lên có 733/776, đạt 94,5% (mặt bằng chung 96,3%). Đặc biệt, xếp loại học lực Trung bình và Khá của HS DTTS Đạ Tẻh đạt cao hơn mặt bằng chung của ngành: loại Khá 308/776, tỷ lệ 39,7% (mặt bằng chung 39,2%); Trung bình 364/776, tỷ lệ 46,9% (mặt bằng chung 37,8%). Tuy nhiên, học lực loại Giỏi còn thấp so mặt bằng chung toàn ngành: Đạ Tẻh đạt 7,9%, trong lúc mặt bằng chung 19,3%.
Những số liệu trên đã được nhìn nhận nghiêm túc để tiếp tục phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế. Ngành GDĐT huyện Đạ Tẻh mạnh dạn nêu những khó khăn và hạn chế. Đó là xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia về số lượng đã thực hiện vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết đề ra; tuy nhiên một số đơn vị trong lộ trình đạt chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2 còn một số tiêu chí chưa đảm bảo, đặc biệt về tiêu chí CSVC. Chất lượng mũi nhọn giảm về số lượng và chất lượng giải so với năm học 2018-2019; một số bộ môn chất lượng chưa được cải thiện, chưa có HS tham gia dự thi ở bộ môn Vật lý (chủ yếu ở bậc THCS). Công tác duy trì sĩ số một số đơn vị còn thấp, còn tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là HS DTTS ở bậc THCS và THPT. Đó còn là việc nâng cao chất lượng giáo dục ở một số vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal), buôn Tố Lan (xã An Nhơn), thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai) vẫn nhiều khó khăn. Về đội ngũ, việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ở một số cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) còn hạn chế, thiếu sự chủ động. Vẫn còn những GV chưa linh hoạt trong quá trình giảng dạy, áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực trong từng tiết, từng bài cụ thể còn hạn chế.
|
Cô giáo Ka Rêu trong tiết học của học sinh DTTS lớp 5 |
Nguyên nhân những hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan. CSVC được đầu tư nhưng chưa đồng bộ nên khó khăn việc nâng mức độ đạt chuẩn. Chất lượng mũi nhọn giảm so với năm học 2018-2019 do thời gian nghỉ phòng, chống dịch kéo dài, thời gian bồi dưỡng HS ngắn; đội ngũ GV bồi dưỡng HS giỏi chưa có những hạt nhân dày dặn kinh nghiệm; HS đa số chưa được bồi dưỡng thường xuyên, hầu hết chỉ tập trung bồi dưỡng vào năm lớp 9; công tác bồi dưỡng không thường xuyên và lâu dài, còn mang nặng tính “thời vụ” nên hiệu quả chưa cao. Một số vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người dân đa số là đồng bào DTTS, ít có điều kiện quan tâm đến con em, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Một số CBQL, GV chưa thực sự tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ, chưa có tinh thần tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc đang đảm nhận. Nói về khó khăn nhất đối với giáo dục DTTS, Trưởng phòng GDĐT huyện Đạ Tẻh Phan Thị Thủy cho biết: Sự hòa nhập và kỹ năng của HS còn nhiều hạn chế, điều này dẫn đến tích lũy vốn tiếng Việt còn rất khó khăn, nhất là lớp đầu cấp tiểu học. Thời gian qua, ảnh hưởng từ dịch COVID-19, việc bồi dưỡng cho trẻ mầm non và HS đầu cấp tiểu học bị đình trệ.
Năm học 2020-2021, thực hiện Văn bản số 1724 về “hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2020-2021” của Sở GDĐT, ngay từ đầu, Đạ Tẻh tổ chức triển khai lồng ghép bồi dưỡng tăng cường tiếng Việt cho HS; đồng thời, thực hiện công việc khảo sát, hỗ trợ và lồng ghép trong chính khóa nên GV khá vất vả. Cùng đó là những giải pháp như ổn định điểm trường, tổ chức hoạt động tập thể để bổ sung tiếng Việt cho HS; cân nhắc bố trí, phân công GV DTTS để tạo thuận lợi trong giao tiếp song ngữ… Những tin vui đã và đang đến với giáo dục DTTS ở huyện Đạ Tẻh. Đó là, UBND huyện đầu tư khoảng 3 tỷ đồng xây dựng 4 phòng học và nhà vệ sinh GV, HS tại phân hiệu Tố Lan. Với phân hiệu Đạ Nhar, nhằm tạo điều kiện cho HS THCS, hiện hơn 100 HS, Trưởng Phòng Phan Thị Thủy cho biết đang tích cực tham mưu cho huyện xây dựng điểm trường THCS tại thôn chứ không xóa mô hình còn ghép vào cơ sở tiểu học như hiện nay. Tại điểm trường buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, hiện đã có 6 phòng học kiên cố cho mỗi lớp cùng với phòng chức năng…
MINH ĐẠO