Đánh giá của ngành chức năng tỉnh cho biết, năm 2020 vừa qua, Lâm Đồng đã hoàn thành 49/49 nội dung công việc của năm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và đạt 100% kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra.
Đánh giá của ngành chức năng tỉnh cho biết, năm 2020 vừa qua, Lâm Đồng đã hoàn thành 49/49 nội dung công việc của năm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và đạt 100% kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra.
|
Trao thưởng cho các tập thể và cá nhân xuất sắc tại Hội nghị Tổng kết Chương trình tổng thể CCHC tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2020 tổ chức trong tháng 6/2020 |
Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác CCHC trong năm 2020 vẫn tiếp tục được quan tâm với những hoạt động cụ thể. Và ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết xác định các nội dung, công việc gắn với trách nhiệm các cơ quan thực hiện, mục tiêu, sản phẩm và thời gian hoàn thành. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành tất cả 49/49 nội dung công việc, đạt 100% theo kế hoạch.
UBND tỉnh cũng đôn đốc các cơ quan sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công bố danh mục TTHC, cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Trong năm 2020, căn cứ các quyết định công bố TTHC của bộ, ngành Trung ương, Lâm Đồng đã ban hành 42 quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đối với nhiều lĩnh vực quản lý; trong đó, công bố mới 137 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 337 thủ tục và bãi bỏ 115 thủ tục. Đến nay, tổng số lượng TTHC thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được tỉnh công bố là 1.922 thủ tục, trong đó cấp tỉnh có 1.446 thủ tục, cấp huyện có 315 thủ tục và cấp xã có 161 thủ tục.
Toàn bộ nội dung của các TTHC trên đều được niêm yết tại bộ phận một cửa các cấp, được cập nhật và công khai hóa trên cơ sở dữ liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia và trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ban, ngành, địa phương, đảm bảo phục vụ tốt cho việc theo dõi, tra cứu của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.
Tổng cộng, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp đã tiếp nhận mới 995.249 hồ sơ, đã giải quyết 975.800 hồ sơ, đúng và trước hạn 970.130 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,42%), quá hạn 5.670 hồ sơ; số hồ sơ đang giải quyết 19.449 hồ sơ, trong đó chưa đến hạn 18.799 hồ sơ, quá hạn 650 hồ sơ.
Cho đến nay toàn bộ 20/20 sở, ban, ngành;12/12 huyện, thành phố và 142/142 xã, phường của tỉnh đều thực hiện việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho toàn bộ số lượng TTHC. Các TTHC sau khi công bố đều được xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết. Lâm Đồng cũng triển khai chuyển giao việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho Bưu điện đến với các sở, UBND cấp huyện và xã có TTHC thực hiện tại bộ phận một cửa. Đồng thời, rà soát các TTHC, xây dựng lại danh mục chuẩn hóa quy trình giải quyết để tích hợp nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện tỉnh có 276 thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó cấp tỉnh 225 thủ tục, cấp huyện 46 thủ tục, cấp xã 5 thủ tục. Số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 190 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 171 thủ tục, cấp huyện 18 thủ tục, cấp xã 1 thủ tục. Đến nay tỉnh đã hoàn thành và chạy chính thức 173/466 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh; nhiều cuộc họp giữa các cấp chính quyền đến nay đã được tổ chức trực tuyến; việc gửi nhận văn bản qua hệ thống thư điện tử được áp dụng rộng rãi, mô hình một cửa hiện đại cấp xã được mở rộng. Hệ thống quản lý chất lượng ISO cũng đang được ứng dụng khá tốt tại các sở, ban, ngành, các huyện, thành cho đến các xã, phường, thị trấn; hầu hết các đơn vị đã chủ động chuyển đổi việc áp dụng ISO sang phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015.
|
Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa huyện Đức Trọng |
Hướng đến sự hài lòng của người dân
Theo như đánh giá của UBND tỉnh, hiện vẫn còn không ít những tồn tại trong CCHC của tỉnh.
Trước nhất, việc triển khai thực hiện CCHC của một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa theo kịp yêu cầu của Chính phủ và UBND tỉnh chỉ đạo. Không ít cơ quan, đơn vị ban hành các văn bản và triển khai thực hiện chưa gắn với trách nhiệm thực hiện của từng cán bộ, công chức; công tác tuyên truyền, quán triệt về CCHC còn thực hiện chung chung, mang tính hình thức.
Cùng đó, việc công bố danh mục TTHC của tỉnh cũng có những vướng mắc do nhiều quy định TTHC thường xuyên thay đổi; các bộ, ngành Trung ương công bố nhiều quyết định của nhiều lĩnh vực trong các thời điểm khác nhau. Việc rà soát, sắp xếp tổ chức các cơ quan, đơn vị theo nghị định mới của Chính phủ còn gặp khó khăn do quy định về số lượng biên chế và tính chất chuyên môn của từng đơn vị.
Lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc duy trì áp dụng ISO, chưa đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn lực và huy động cán bộ, công chức cùng nhau vận hành hệ thống quản lý chất lượng, chưa tích hợp được các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO vào quá trình giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa điện tử, đặc biệt chưa xem ISO như là một công cụ hỗ trợ cho công tác CCHC, dẫn đến việc triển khai áp dụng ISO trong đơn vị chưa đồng bộ, mang tính hình thức và trở thành gánh nặng của đơn vị.
Với cấp xã, do nhân sự thường xuyên thay đổi nên việc áp dụng và duy trì ISO nhiều địa phương chưa hiệu quả. Trong lĩnh vực tư pháp hộ tịch cấp xã, do cán bộ tiếp nhận phải nhập hồ sơ lên nhiều phần mềm (Misa, hộ tịch, một cửa, sổ bộ), trong khi các hồ sơ phải giải quyết ngay trong ngày, hồ sơ giải quyết nhiều, do đó việc thực hiện giấy tiếp nhận hồ sơ hẹn trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình gây mất nhiều thời gian cho quá trình thực hiện.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch CCHC của tỉnh; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính các cấp; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Mặt khác, sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện công tác CCHC. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ, các cơ quan, đơn vị cũng cần tổ chức kiểm tra đột xuất tại đơn vị, nhất là việc thực hiện giải quyết các TTHC, tinh thần thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; thực hiện nghiêm việc áp dụng giải quyết hồ sơ theo các quy định tại bộ TTHC đã công bố, đồng thời tiếp tục công bố chuẩn hóa danh mục TTHC và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; tăng cường ứng dụng hệ thống một cửa điện tử, nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân tham gia giải quyết, hướng đến sự hài lòng của người dân.
GIA KHÁNH