Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, Lâm Đồng gửi dự thi 26 giải pháp và đã có 3 giải pháp đoạt giải.
Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 - 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, Lâm Đồng gửi dự thi 26 giải pháp và đã có 3 giải pháp đoạt giải.
Cụ thể, giải pháp “Cánh tay robot hỗ trợ chế độ vận động cho người bị đoạn chi” (nhóm các học sinh Đào Anh Việt - lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt; Đào Anh Hào - 19 tuổi, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Lâm Vũ Nhật Minh - lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên Bảo Lộc) đã được trao giải Ba. Giải pháp của các em đã tạo ra cánh tay robot có cấu tạo và hình dạng mô phỏng cánh tay người thật được điều khiển bằng thiết bị cảm biến gắn trực tiếp vào vai người sử dụng, có khả năng đưa tay lên - xuống, xoay cổ tay, cầm nắm vật, hoạt động giống đến 70% so với tay thật của con người, giúp người bị đoạn chi (cụt tay) do bẩm sinh hoặc do tai nạn có thể làm việc, lao động trở thành người có ích.
2 giải Khuyến khích cho 2 giải pháp, đó là “Máy thủy điện mini chuyển hóa động năng của dòng nước chảy chậm ở mương suối nhỏ thành điện năng thắp sáng đèn đường phục vụ giao thông và thắp sáng cho nông nghiệp” (Nguyễn Hữu Duy Đức, Nguyễn Đức Chính, Vương Tuấn Kiệt - lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Thăng Long, Đà Lạt) đã tối ưu được việc tạo dòng điện từ các dòng nước nhỏ, chảy chậm như mương nước, suối thông qua hệ thống tua bin gồm nhiều cánh quạt nhỏ xếp theo hình xoắn ốc, có tốc độ quay tốt. Giải pháp của các em đã tận dụng được nguồn năng lượng có sẵn, chi phí vật liệu chế tạo không quá cao, khi lắp đặt không tác động quá nhiều đến môi trường tự nhiên, không phải thay đổi dòng chảy, không phải tạo đập tích nước như thủy điện. Thiết bị nhỏ gọn có thể lắp đặt để cấp điện cho đèn đường tại vùng sâu, vùng xa, tại vùng hẻo lánh, khu vực khó tiếp cận với điện lưới.
Giải pháp “Robot diệt khuẩn đa năng” (Linh Huyền Trâm, Đoàn Quốc Dân - lớp 5C và 5A, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Đức Trọng) có thể phun thuốc diệt khuẩn với góc xoay 360o, được điều khiển từ xa bằng remote di chuyển trong phạm vi 300 m, quan sát địa hình bằng camera wifi kết nối với điện thoại smartphone, người sử dụng không tiếp xúc trực tiếp với thuốc và môi trường ô nhiễm. Giải pháp nhằm bảo vệ người nông dân, nhân viên y tế, nhân viên tẩy trùng.
3 giải pháp của học sinh Lâm Đồng được đánh giá cao bởi ngoài tính mới, tính sáng tạo, các giải pháp của các em còn có giá trị ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Cuộc thi lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 754 đề tài của 57 tỉnh, thành phố tham dự, 106 giải pháp đã được trao giải thưởng, gồm: 1 giải Đặc biệt, 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 30 giải Ba và 60 giải Khuyến khích thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
QUỲNH UYỂN