Khó khăn là điều được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Vấn đề khách quan ấy đặt ra cho các địa phương nói chung và huyện nghèo Đam Rông nói riêng nhiều thử thách...
Khó khăn là điều được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020. Vấn đề khách quan ấy đặt ra cho các địa phương nói chung và huyện nghèo Đam Rông nói riêng nhiều thử thách. Và, năm 2020 đi qua, với Đam Rông tuy vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt được, song bên cạnh đó vẫn có những tín hiệu vui đáng ghi nhận.
|
Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương đã giúp người dân ở Đam Rông đi qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bùng phát |
Kết thúc năm 2020, Huyện ủy Đam Rông đã nhìn nhận rõ những vấn đề địa phương cần tiếp tục giải quyết. Đơn cử như hiện còn nhiều khó khăn đặt ra trong sản xuất nông nghiệp - ngành kinh tế chính của địa phương: việc triển khai các chương trình, đề án nông nghiệp hiệu quả mang lại chưa cao; tổng đàn gia súc, gia cầm và diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chưa đạt kế hoạch đề ra; một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa được nhân rộng; mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả... 2020 cũng là năm mà trên địa bàn huyện Đam Rông tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tiếp tục diễn ra phức tạp. “Máu rừng vẫn chảy” tại các tiểu khu nằm sâu trong rừng phòng hộ như: Tiểu khu 197, 181 thuộc xã Liêng S’rônh, Tiểu khu 65 xã Đạ Tông, Tiểu khu 251 xã Đạ K’Nàng, Tiểu khu 214, 215, 216 xã Phi Liêng... Tuy nhiên, sau khi phát hiện vụ việc, các cơ quan chức năng xử lý còn chậm, nhất là các vụ khởi tố hình sự, làm giảm tính răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, những khó khăn trong quản lý tài nguyên khoáng sản ở vùng giáp ranh; tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản chậm; công tác cải cách hành chính chưa thực sự hiệu quả cũng là những vấn đề quan trọng đòi hỏi Đam Rông cần khắc phục. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Tội phạm trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại tài nguyên rừng, tội phạm ma túy…
Nhưng dường như chính trong năm khó khăn, sự nỗ lực của cả chính quyền địa phương và Nhân dân ở huyện nghèo lại càng lớn hơn. Và, những con số dưới đây có lẽ đã phần nào minh chứng được cho điều đó. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 tăng 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, có 150 ha diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở khu vực 2 xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng (với diện tích chuối 110 ha; rau đậu thương phẩm 40 ha). Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích cà phê kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm, màng phủ, cơ giới hóa, giống mới… Đây chính là cơ sở để địa phương này tiến đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 59 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 19 ngàn tấn, bằng 97% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ năm 2020 hơn 272 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 160 công trình, dự án. Khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân trong năm đạt 87,26% so với kế hoạch vốn phân bổ. Diện mạo huyện nghèo nhờ vậy thêm khởi sắc; cùng với Đạ Rsal, xã Rômen là địa phương thứ hai của Đam Rông “về đích” nông thôn mới.
Là địa bàn có trên 74% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, bởi vậy công tác dân tộc, tôn giáo luôn được huyện Đam Rông chú trọng, nhằm tạo điều kiện tối đa để bà con phát triển kinh tế hộ gia đình và đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Hiện nay, đời sống người dân nói chung và bà con các DTTS nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nên địa phương này đã chú trọng làm tốt công tác y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thực hiện tốt các chính sách xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế, chi trả trợ cấp cho các đối tượng BTXH, người có công và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho các hộ khó khăn, hộ nghèo... Đặc biệt, việc thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiến hành kịp thời và đúng quy định đã góp phần quan trọng giúp bà con đảm bảo cuộc sống trong những tháng ngày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 2020, việc triển khai công tác vận động các hộ đăng ký thoát nghèo được tiến hành, đã có 468 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Các chương trình hỗ trợ và nguồn vốn vay được thực hiện kịp thời đã tạo động lực rất lớn hỗ trợ người dân dần thoát nghèo. Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đam Rông đã giảm xuống còn 7,04%.
Ngoài những vấn đề trước mắt như trên, huyện Đam Rông cũng xác định rõ, đầu tư cho giáo dục là giải pháp căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của huyện. Bởi vậy địa phương này luôn quan tâm, đầu tư cho giáo dục. Và, riêng ngành giáo dục cũng có nhiều nỗ lực để đảm bảo tốt nhất cho trẻ em đến trường. Việc có thêm 6 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 24/36 trường và việc vận động học sinh ra lớp cũng như duy trì sĩ số cao hơn các năm là niềm vui của ngành giáo dục ở huyện vùng xa khó khăn này.
Khó khăn vẫn chưa bao giờ thôi đè nặng lên Đam Rông. Những vấn đề còn tồn tại được nhìn nhận từ năm 2020 là cơ sở quan trọng để địa phương này xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trong năm 2021. Đam Rông đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021. Vì vậy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là điều vô cùng cần thiết để những đổi thay tích cực sớm hiện diện trên mảnh đất này.
NGỌC NGÀ