Người giữ hồn văn hóa Mạ

04:01, 28/01/2021

Như dòng chảy của sông Đồng Nai, mạch nguồn của văn hóa Mạ luôn được lớp già làng ở Đồng Nai Thượng giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau...

Như dòng chảy của sông Đồng Nai, mạch nguồn của văn hóa Mạ luôn được lớp già làng ở Đồng Nai Thượng giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau. Ở thôn Bù Gia Rá, ông Điểu K’Bôi hơn 30 năm nay vẫn luôn lưu giữ nét đẹp văn hóa bản địa với tất cả trách nhiệm và niềm tự hào.
 
Không chỉ biết đánh cồng chiêng, ông K’Bôi còn biết chơi các loại đàn T’rưng, kèn bầu...
Không chỉ biết đánh cồng chiêng, ông K’Bôi còn biết chơi các loại đàn T’rưng, kèn bầu...
 
“Cái nôi” văn hóa Mạ
 
Gặp ông Điểu K’Bôi vào những ngày cận kề ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mạ, những ngày này, ông bận rộn lên rừng chặt nứa, cắt lá mây về làm nhà dài trước nhà để mọi người trong ngày hội đến tham quan. 
 
Sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” văn hóa Mạ, từ nhỏ, ông đã mê mẩn với những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhớ về những ngày của hơn 50 năm về trước, khi mới chỉ là cậu bé 7 tuổi, làng có lễ hội, chạy trên đôi chân trần, ông chen chúc vào đám đông để được nhìn rõ già làng làm lễ, say mê với âm thanh thú vị của cồng chiêng và những điệu múa xoang uyển chuyển. 
 
Cũng từ niềm đam mê đó, năm 15 tuổi, ông theo chân Tổng già làng Điểu K’Đoi, người am hiểu rất rõ văn hóa truyền thống của người Mạ, để học hỏi. Tròn 10 năm, ông được già làng truyền dạy các nghi thức lễ hội, trình diễn cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng… Nay ở tuổi 58, hầu như các lễ hội truyền thống của người Mạ như lễ mừng lúa mới, nghi lễ tạ ơn Yàng, cưới hỏi, tang ma… ông đều có thể đứng ra thực hiện các nghi thức. 
 
Kể về những lễ hội của người Mạ, ông Điểu K’Bôi đặc biệt nhắc nhớ lễ Yang Bơnơm (lễ cúng thần rừng). Đây là lễ lớn của người Mạ thường tổ chức vào cuối năm Âm lịch, khi người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng, chuẩn bị cho mùa vụ tới. Trong lễ Yang Bơnơm, già làng sẽ cúng tạ ơn, cầu mong mùa sau cũng được no đủ, sau đó hứa với thần rừng vụ sau trồng lúa được 1.000 xá (tức 1.000 gùi, khoảng 50 kg lúa) thì sẽ làm lễ đâm trâu tạ ơn. Xong lễ cúng, mọi người sẽ cùng nhau đốt lửa, đánh cồng chiêng, múa xoang và uống rượu cần trong niềm vui. 
 
“Bây giờ ở đây chỉ làm lễ hội trình diễn, mọi người cùng làm cây nêu, đánh cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm và chơi các trò chơi của người Mạ, mọi người cùng nhau sống lại không khí lễ hội ngày xưa, con cháu cũng được dịp biết đến nét đẹp văn hóa của người đồng bào mình” - ông K’Bôi chia sẻ.
 
Không chỉ am hiểu các nghi lễ trong lễ hội, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng của người Mạ, ông Điểu K’Bôi còn biết đánh hầu hết các bài chiêng cổ. Ông cũng là một trong số ít người ở Đồng Nai Thượng biết chỉnh âm cồng chiêng, chế tác kèn bầu, đàn T’rưng, kèn sừng trâu...
 
Nhắc đến cồng chiêng, ông Điểu K’Bôi vui mừng khoe bộ cồng chiêng vừa mua được ở Bình Phước. Bộ cồng chiêng có giá hơn 20 triệu đồng, nhưng đối với ông, giá trị tinh thần còn quý hơn cả. “Có được bộ cồng chiêng của riêng mình tôi vui lắm! Nay đi dạy cồng chiêng hay đi làm lễ tôi không phải mượn ở xã nữa, cồng chiêng này là tài sản quý tôi để lại cho con cháu”- ông K’Bôi cười. 
 
Đối với người Mạ, cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh. Ngắm nhìn bộ cồng chiêng, ông nói: “Âm thanh cồng chiêng là linh hồn của lễ hội, lễ hội mà không có cồng chiêng thì không còn là lễ hội”. 
 
Gìn giữ và trao truyền
 
Bằng tình yêu văn hóa Mạ, là lớp người đi trước, ông Điểu K’Bôi tự thấy mình cần có trách nhiệm gìn giữ và trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ sau. Nhiều năm qua, ông dành nhiều thời gian, công sức để tham gia dạy các lớp cồng chiêng, làm cây nêu, đan gùi do địa phương tổ chức. Đến nay, số người được ông trao truyền văn hóa đã gần 100 người. 
 
Các học trò của ông, những thế hệ tiếp nối, vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ “giữ hồn” văn hóa dân tộc Mạ. Anh Điểu K’Thiên (39 tuổi) là một trong những người như thế, hơn 10 năm theo học đánh cồng chiêng, anh K’Thiên đã có thể biểu diễn các bài cồng chiêng cơ bản ở lễ hội. “Là người Mạ, tôi luôn mong muốn giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, thầy K’Bôi đã truyền thêm tình yêu, sự quý trọng với văn hóa Mạ trong tôi” - anh K’Thiên cười nói. 
 
Nói về ông K’Bôi, bà Điểu Thị P’Rợt - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: “Ở Đồng Nai Thượng, ông Điểu K’Bôi là một trong số ít người am hiểu về các lễ hội truyền thống Mạ, biết trình diễn các nhạc cụ. Cùng với các già làng, ông K’Bôi luôn nhiệt tình truyền dạy cho lớp trẻ biết đến các văn hóa, nghề truyền thống người Mạ, tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc”. 
 
Ông Điểu K’Bôi là 1 trong 8 nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021 về nghệ thuật trình diễn dân gian và lễ hội truyền thống. 
 
Kết thúc cuộc trò chuyện, gần trưa, nắng lên trên khắp các ngôi nhà mới ở Đồng Nai Thượng, nheo mắt nhìn về phía ngôi nhà dài đang dần hoàn thiện, ông K’Bôi cười nói về những dự định của mình. Về chuyện ông sẽ trưng bày trong nhà sàn bộ cồng chiêng quý nhất đến những chiếc kèn bầu, đàn T’rưng cùng những dụng cụ sinh hoạt của người Mạ hay những chiếc gùi dùng để bắt cá, đi rừng, đi săn... do bà Điểu Thị Ốt - vợ ông tỉ mẩn đan thành.
 
Ông nói bằng niềm vui của hy vọng: “Rồi con, cháu ở làng, ai muốn đến học cồng chiêng, muốn biết đến văn hóa người Mạ tôi sẽ dạy chúng trong ngôi nhà sàn này”. Ngôi nhà dài này, ông K’Bôi xem đó như một tài sản lớn mà ông để lại cho con cháu, như lời nhắc nhở thế hệ sau luôn bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
 
NHẬT QUỲNH