Đến từ xứ sở Kim chi Hàn Quốc, TS. Lee Hyun Suk đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước Việt Nam để sưu tầm, săn bắt, nghiên cứu các loài côn trùng trên dải đất hình chữ S...
Đến từ xứ sở Kim chi Hàn Quốc, TS. Lee Hyun Suk đã rong ruổi khắp mọi miền đất nước Việt Nam để sưu tầm, săn bắt, nghiên cứu các loài côn trùng trên dải đất hình chữ S. Qua hơn 6 năm săn bắt, sưu tầm, thu thập, hiện nay TS. Lee Hyun Suk đã có một “gia tài” đồ sộ đó là Bảo tàng Côn trùng trên thành phố hoa Đà Lạt với hơn 20 ngàn mẫu tiêu bản to nhỏ khác nhau.
TS. Lee Hyun Suk kiểm tra các mẫu vật trong Bảo tàng Côn trùng |
Bị côn trùng bản địa mê hoặc
Năm 2014, khi đang làm nghiên cứu tại Trường Đại học Yonsei, Hàn Quốc, TS. Lee Hyun Suk có chuyến đi thực địa tại Việt Nam và đã đặt chân đến thành phố hoa Đà Lạt. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu thực địa, tiến sỹ xứ Hàn đã bị côn trùng bản địa mê hoặc. Để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về những loài côn trùng nơi đây, ông đã nhận lời ở lại làm giảng viên cho Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt. Ngoài những giờ lên lớp, truyền dạy những kiến thức cơ bản về côn trùng học cho sinh viên, thầy Lee thường tranh thủ thời gian đi sưu tầm, săn bắt, thu thập các loài côn trùng về để phục vụ nghiên cứu khoa học. Qua đó, cũng ngày càng bổ sung thêm nhiều mẫu vật côn trùng cho bảo tàng của mình.
Bảo tàng Côn trùng của thầy giáo Hàn Quốc hiện nay tọa lạc tại khu nhà A11, Trường Đại học Đà Lạt. Trong Bảo tàng này hiện đang trưng bày hàng chục ngàn mẫu vật gồm nhiều bộ như: cánh phấn, cánh cứng, chuồn chuồn, ve sầu, cánh thẳng, bọ ngựa, bọ que... Hầu hết các mẫu vật trưng bày nơi đây đều đã được xử lý và bảo quản tốt. Ths. Hồ Thị Hằng, giảng viên Khoa Hóa học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt là vợ của TS. Lee Hyun Suk cho biết, ông xã của mình có lẽ mê đắm côn trùng hơn tất cả mọi thứ. Cứ có thời gian là ông lại đi thu thập, sưu tầm bắt côn trùng và thường xuyên chăm sóc cho các mẫu vật côn trùng trong bảo tàng của mình. Các mẫu côn trùng được ông nâng niu như những báu vật, đặc biệt khi phát hiện được loài côn trùng mới, lạ thì ông vui sướng vô cùng.
TS. Lee Hyun Suk kể, có lần ông đi đến một khu rừng nọ để xin phép bắt côn trùng nghiên cứu và đã được chủ rừng đồng ý. Thế nhưng, do mải miết theo cánh côn trùng mà ông đã đi vượt sang địa phận khác. Khi bị chặn lại để kiểm tra nhưng do không biết tiếng Việt nên không trả lời được và đã bị chủ rừng hay người dân gì đó thả chó đuổi chạy bán sống, bán chết mới thoát được đàn chó dữ. Chưa kể nhiều lần ông bị té ngã khi trèo đèo lội suối, bị côn trùng cắn… Hiện nay, ngoài hơn 20 ngàn bản mẫu trưng bày thì hàng năm, thầy Lee đã sưu tầm, thu thập thêm được từ 3.000 đến 5.000 mẫu mới để bổ sung vào Bảo tàng Côn trùng của mình. Để xây dựng, phát triển Bảo tàng Côn trùng, ngoài sự phối hợp của Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt thì TS. Lee Hyun Suk cũng nhận được sự tài trợ của Viện Tài nguyên Sinh vật Quốc gia Hàn Quốc (NIBR).
TS. Lee Hyun Suk cùng các cộng sự xuyên rừng bắt côn trùng |
Phục vụ nghiên cứu khoa học
Nói về ý nghĩa của việc xây dựng Bảo tàng Côn trùng, TS. Lee Hyun Suk cho biết, ý nghĩa lớn nhất của Bảo tàng Côn trùng là phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Các mẫu côn trùng ở bảo tàng là bằng chứng về sự đa dạng sinh học của các loài côn trùng ở Việt Nam, vì vậy bảo tàng là nơi lưu giữ mẫu vật cho các nhà nghiên cứu hiện tại và trong tương lai. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng là nơi để sinh viên khoa sinh học làm thực tập chuyên đề về côn trùng như cách thu mẫu, bảo quản mẫu, định danh mẫu… Bảo tàng cũng là nơi lý tưởng để giáo dục lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo TS. Lee Hyun Suk, nghiên cứu về côn trùng học rất thú vị. Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh. Trong đó còn rất nhiều loài còn chưa được con người biết đến. Trong thế giới tự nhiên không chỉ có những loài côn trùng có hại mà rất nhiều loài có vai trò rất lớn đối với môi trường và cuộc sống con người. Thế nhưng, khi nói đến côn trùng, chúng ta thường quan tâm đến loài có hại hơn là loài có lợi. Chính vì vậy, nghiên cứu chúng giúp chúng ta biết được đâu là loài có hại cần phải kiểm soát, phòng trừ và đâu là loại có lợi cần bảo vệ và phát triển; đồng thời, bảo vệ những nguồn gen quý, tránh bị tuyệt chủng.
Hình ảnh một số mẫu vật trưng bày trong Bảo tàng Côn trùng |
Tuy không biết tiếng Việt, khi trò chuyện với chúng tôi phải thông qua người phiên dịch, nhưng nói về chủ đề côn trùng TS. Lee Hyun Suk như “đài bắt trúng sóng”. Ông mải miết chia sẻ và có nhiều từ ngữ nói về chuyên ngành côn trùng đã làm cho người phiên dịch cũng phải lắc đầu. Thế nhưng, qua cách chia sẻ, chúng tôi nhận thấy, TS. Lee Hyun Suk là một người yêu thiên nhiên, thích khám phá, nghiên cứu đa dạng sinh học Việt Nam, đặc biệt là các loài côn trùng. Tuy mới gắn bó với Việt Nam chưa lâu, nhưng ông đã miệt mài nghiên cứu và tham gia viết, xuất bản cuốn sách Đa dạng sinh học của các loại côn trùng ở miền Nam Việt Nam. TS. Lee Hyun Suk cũng đã có nhiều bài báo khoa học và công trình nghiên cứu về côn trùng ở Việt Nam. “Việt Nam là nước có đa dạng sinh học rất cao, có nhiều loại côn trùng quý hiếm. Trong khi đó, các đề tài, công trình nghiên cứu về côn trùng ở Việt Nam chưa nhiều. Nghiên cứu côn trùng ở Việt Nam đã đem lại cho tôi nhiều điều bất ngờ và lý thú, nên tôi sẽ tiếp tục gắn bó và nghiên cứu các loài côn trùng ở Việt Nam”, TS. Lee Hyun Suk chia sẻ thêm.
PGS, TS. Trần Văn Tiến - Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, Bảo tàng Côn trùng của TS. Lee Hyun Suk với hàng nghìn vật mẫu côn trùng được lưu trữ trưng bày cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho các hoạt động nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học sự sống. Đặc biệt là các nghiên cứu về côn trùng học, hệ thống học và phân loại học, sinh học quần thể, quần xã, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo của Khoa Sinh học và của Trường Đại học Đà Lạt. Ngoài ra, các bộ mẫu trong Bảo tàng Côn trùng có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng phục vụ nghiên cứu, đào tạo, hướng tới phục vụ giáo dục cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu côn trùng học tại Việt Nam.
PGS, TS. Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyến làm việc tại Trường Đại học Đà Lạt mới đây, cũng đã đến tham quan Bảo tàng Côn trùng của TS. Lee Hyun Suk. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá cao Bảo tàng Côn trùng của tiến sỹ người Hàn tại Trường Đại học Đà Lạt; đồng thời nhấn mạnh, đây là Bảo tàng Côn trùng rất ý nghĩa cần được duy trì, phát triển, nhân rộng để phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học…
DUY DANH