Nghề bào chế thuốc, chữa bệnh từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng... là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của một số người dân sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất Nam Tây Nguyên mà ít ai biết được.
Nghề bào chế thuốc, chữa bệnh từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng... là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của một số người dân sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất Nam Tây Nguyên mà ít ai biết được.
Vào những lúc nhàn rỗi hay phơi thuốc, bà Khót thường gọi các con, cháu ra và chỉ dẫn bài thuốc để không bị mai một về sau |
Với độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mực nước biển, tỉnh Lâm Đồng có môi trường thực vật và động vật vô cùng phong phú, đặc biệt là nguồn dược liệu quý đa dạng. Chính vì lẽ đó, từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số đã tự chữa trị bệnh, chăm sóc sức khỏe phần lớn dựa vào thiên nhiên và kinh nghiệm của cha ông để lại.
Cây thuốc có ở xung quanh
Ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, hỏi về bà Điểu Thị Khót (67 tuổi, thôn Đạ Cọ), ai quanh vùng cũng biết tới bà với bài thuốc gia truyền của đồng bào Mạ có tên là Chi Kut.
Bên mái hiên nhà cấp 4 giáp Vườn Quốc gia Cát Tiên, bà Khót ngồi một mình miệt mài với công việc cắt, phơi củ Chi Kut làm thuốc. Biết được ý định của chúng tôi khi có cuộc gặp này, bà Khót bảo: “Lát bà sẽ dẫn con đến cây thuốc gia truyền mà gia đình bà đang sử dụng. Loại cây đó mọc nhiều ở trong rừng nhưng chắc con sẽ bất ngờ khi nơi bà chỉ ra loại cây thuốc ấy chỉ ở xung quanh nhà bà, hoặc dọc con đường lớn mà mình không để ý tới”.
Đúng như bà nói, trên quả đồi như đĩa úp cỏ dại mọc dày đặc tạo khoảng lớn cách nhà không xa, bà lão ngoài 60 tuổi đi “phăm phăm” phía trước, rồi đột ngột dừng lại cầm con dao cặm cụi đào, bới.
“Nhìn như cỏ dại không ai để ý vậy thôi nhưng đây là bài thuốc gia truyền của gia đình có tên là Chi Kut. Cây này thuộc họ dây leo, vừa sử dụng lá và củ để chữa bệnh. Lá cây của nó có 5 tai và thường được dùng để tắm cho trẻ con mới sinh. Còn phần củ rất giống với củ mì, tuy nhiên bên trong ruột của nó đặc trưng hơn vì có màu đỏ hồng trông rất bắt mắt. Đấy cũng là đặc điểm dễ nhận biết của loại cây này. Chi Kut phần lớn dùng để chữa trị các loại bệnh như đau nhức xương khớp, bệnh liên quan đến dạ dày, gan, hồi phục sức khỏe cho bà mẹ sau sinh...” - bà nói.
Từ một dạng cây leo, Chi Kut có thể sử dụng trong bài thuốc của bà Khót cả lá cây và củ |
Cứ thế, chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ, bà dẫn chúng tôi đi thêm vài triền đồi và hai bên mép đường để đào thêm vài củ Chi Kut bỏ đầy chiếc gùi đeo phía sau lưng. Bà tâm sự: “Những cây nãy giờ bà đưa con đi vẫn còn thuộc dạng nhỏ đấy. Củ lớn của nó chỉ cần tìm đến một cây cũng có thể về chế biến ra được 30 kg thuốc. Nhưng loại ấy phải vào tận rừng sâu, đến tối khuya mới về tới nhà cơ”.
Cũng như bà Khót, tại một thôn vùng xa của huyện Đơn Dương, anh Thành Kim Nam (41 tuổi, tại thôn B’Kăn, xã Lạc Xuân) được biết đến là một “thầy lang” đang kế thừa bài thuốc của đồng bào Chu Ru mà người cha vợ quá cố đã trao truyền lại, đấy là ông Ya Khi.
Anh Nam kể, mỗi khi người thân mắc bệnh thì phương thuốc đầu tiên anh nghĩ đến chính là những loại thảo mộc, lá cây, rễ... có trong vườn hay trong rừng. Đấy là những thứ rất gần gũi với đời sống thường ngày của người dân nơi đây.
Anh Nam dẫn chúng tôi đi vào tận khu rừng thông nằm phía cuối thôn B’Kăn. Trên đường đi, anh dừng lại đào được 5 loại rễ, trong số đó có hai loại rễ thân ngắn, lá mềm, “hao hao” như các loại cỏ dại trâu, bò thường ăn.
“Bài thuốc gia truyền của gia đình có 27 vị được lấy từ lá, rễ cây... khác nhau. Cha vợ tôi xưa kia cũng nối nghiệp bài thuốc này từ ông bà truyền lại. Trước đây nhiều người tìm đến mua về sử dụng bởi nó có rất nhiều công dụng khác nhau, đặc biệt là hồi sức cho phụ nữ sau khi sinh”- anh Nam cho hay về các loại cây, lá quanh làng dùng làm vị thuốc anh sắp đi hái để về bào chế.
Anh Thành Kim Nam kế nghiệp bài thuốc 27 vị của người cha vợ quá cố |
Nối “nghiệp” tiền nhân
Gần nửa đời người làm thuốc cứu người, bà Khót không thể nhớ được hết những bà con nghèo tìm đến để cắt thuốc. Bà chỉ nhớ rằng khi người ta sử dụng qua một thời gian, lần sau họ quay trở lại và giới thiệu thêm cho bạn bè tìm đến gặp bà để mua.
Khi chúng tôi hỏi thêm về cơ duyên, cũng như người kế thừa bài thuốc gia truyền của gia đình, bà Khót im lặng một lúc thật lâu rồi kể: “Vào một ngày nọ, tôi cùng anh họ vào rừng thì không may người anh bị rắn cắn. Trong tình thế cấp bách, tôi nhớ lại những lần mẹ chỉ dạy và nhắc tới công dụng của bài thuốc gia truyền. Lúc ấy cuống lắm, trong đầu chỉ biết phải nhanh chóng tìm lấy lá thuốc gần đó để nhai và đắp lên vết thương cho anh. Sau vài ba hôm chân anh ổn định, đi lại bình thường và không để lại di chứng. Tôi mừng lắm!” - bà Khót tâm sự.
Ở cái tuổi ngoài 60, tâm huyết với nghề là thế nhưng bà không khỏi suy nghĩ, lo âu đến một ngày nghề bốc thuốc gia truyền không còn người tiếp nối. Chính vì lẽ đó, những ngày tháng còn đủ sức và tỉnh táo, mỗi lần vào rừng hay khi phơi thuốc tại nhà, bà luôn cẩn thận chỉ dạy, truyền cảm hứng cho con, cho cháu tiếp nối.
Còn với anh Thành Kim Nam, trong kí ức về người cha vợ quá cố, ông Ya Khi luôn tâm huyết với nghề cứu người. Dẫu biết rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ngày qua ngày ông vẫn dành thời gian để truyền dạy cho con cháu. “Ít nhất là sau này, mấy đứa tự chữa bệnh cho mình” - anh Nam nhớ lại lời ông Ya Khi dặn dò.
Thời gian cứ thế trôi qua, theo cha học và tự bốc thuốc đã gần 10 năm nay nên những lá cây, cỏ dại anh đều nắm rất rõ công dụng của từng loại. “Ngoài bài thuốc 27 vị này, tôi còn biết và tự tìm ra được “kha khá” những loại khác để chữa bệnh. Nó chẳng đâu xa xôi, xung quanh nhà thường hay có, chỉ có điều mọi người không biết nên vô tình bỏ quên thôi” - anh Nam chia sẻ.
Hiện anh là người con rể duy nhất và có thêm 2 người con trai của ông Ya Khi đang là những người tiếp nối nghề của cha ông. Tiến sĩ Lương Văn Dũng - Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ: Thời gian qua, ông cùng ông Kim Soo-Yong, đây là một người bạn đến từ Hàn Quốc đã có chuyến đi thực tế, khảo sát nghiên cứu về bài thuốc của ông Ya Khi và bà Khót.
“Qua điều tra ban đầu, chúng tôi thấy đây là những bài thuốc có giá trị khi chính nó đã và đang tồn tại và được người dân sử dụng trong cuộc sống cộng đồng. Chính điều này mà chúng ta cần phải có những góc nhìn cụ thể, nghiên cứu dựa vào thực tiễn, ứng dụng của bài thuốc cộng đồng nhằm mở ra hướng mới, bảo tồn và phát huy nó”- Tiến sĩ Dũng thông tin.
Từ thực tiễn các bài thuốc nam độc đáo, sử dụng hiệu quả trong đời sống sinh hoạt của người dân, Tiến sĩ Dũng cho biết, ngay trên giảng đường, ông thường xuyên đưa vào giới thiệu cho sinh viên về những tri thức của đồng bào nhằm đưa ra hướng nghiên cứu mới về những giá trị đang tồn tại trong cộng đồng dân tộc.
GHI NHẬN 40 VỊ THUỐC CÔNG HIỆU
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài, dự án khoa học công nghệ “Điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng và định hướng phát triển một số loại đặc hữu và có giá trị kinh tế cao” do Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh chủ trì: Trên cơ sở đã khảo sát, Trung tâm đã ghi nhận được 40 cây thuốc chủ yếu do các đồng bào dân tộc thiểu số thường dùng điều trị, phần lớn các cây thuốc chữa về da, gãy xương, đau nhức, ho, số ít chữa về bệnh phụ nữ và có 3 bài thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc Dao có tính năng chữa trị rong kinh bổ huyết, viêm gan siêu vi B và viêm đại tràng
|
THÂN THU HIỀN