Một đời người, một rừng cây

07:02, 14/02/2021

Với cách nhìn mới mẻ và đầy trách nhiệm, nhiều người trẻ đang dùng những cách riêng để trồng thêm hàng ngàn cây xanh mỗi năm...

Với cách nhìn mới mẻ và đầy trách nhiệm, nhiều người trẻ đang dùng những cách riêng để trồng thêm hàng ngàn cây xanh mỗi năm. Thông qua những hành động tuy nhỏ bé nhưng thiết thực của mình, họ muốn kêu gọi cả cộng đồng chung tay, góp một phần sức mình để những cây xanh lớn lên từng ngày.
 
“Xanh lại Đà Lạt ơi” cũng là một dự án quy tụ được rất nhiều người từ các nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và cả Lâm Đồng  cùng trồng hơn 3.000 cây xanh ở huyện Đức Trọng
“Xanh lại Đà Lạt ơi” cũng là một dự án quy tụ được rất nhiều người từ các nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và cả Lâm Đồng cùng trồng hơn 3.000 cây xanh ở huyện Đức Trọng
 
Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nêu đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, tương đương với 5 triệu ha rừng, nhằm cải thiện môi trường tự nhiên. Nghĩa là với số dân gần 100 triệu người thì mỗi người chỉ cần trồng 2 cây trong vòng một năm. Điều này được đánh giá là hoàn toàn khả thi. Và “Nếu ai cũng có thể trồng một cái cây trong cuộc đời thì nỗi cô đơn chỉ còn là đứa trẻ của niềm vui...” (thơ Nguyễn Phong Việt).
 
Sinh kế từ rừng
 
Trên trang facebook cá nhân của mình, Nguyễn Quang Huy viết: Hôm nay tụi mình đi tưới nước cho cây rừng đã trồng và cắm cọc cố định cây. Những ngày cuối năm trời gió nhiều, cành lá đung đưa. May mà từ hồi mới trồng, tụi mình đã đào những hố sâu cách mặt đất hơn 20 cm rồi mới trồng cây con vào, nhờ vậy mà sau một trận mưa, mặt đất vẫn giữ được đủ độ ẩm cho cây...
 
Nguyễn Quang Huy cứ cần mẫn như thế trồng hàng ngàn cây ở Midori Farm của mình hơn 3 năm nay. Chàng trai 26 tuổi người Phú Yên chọn vùng đất Mê Linh (Lâm Hà) để lập nghiệp vì trót “phải lòng” vị cà phê cao nguyên. Thế nhưng, chứng kiến từng mảng đồi bị cạo trọc để canh tác cà phê, Huy cứ canh cánh trong lòng. 
 
Huy đã và đang xây dựng mô hình cà phê bền vững dưới tán rừng, một trong những xu hướng nông nghiệp đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Huy bảo, mình khâm phục những người nông dân đã sống bao đời ở mảnh đất này và góp sức xây dựng vào nền nông nghiệp đầy thế mạnh của Việt Nam, nhưng cậu cũng bận lòng bởi nhiều khi vì miếng cơm manh áo, những giá trị từ rừng, giá trị được cho là bền vững nhất đã bị con người lãng quên.
 
Những người trẻ như cậu quan tâm tới việc xây dựng được một mô hình phát triển bền vững, trong đó yếu tố sinh kế, sinh thái và phát triển xã hội gắn liền một cách cân bằng mà không phải đánh đổi cực đoan như hiện nay. 
 
“Điều này sẽ chỉ thành công khi có sự ủng hộ của cả người tiêu dùng và nông dân địa phương. Vì suy cho cùng, không ai giỏi trồng cây bằng nông dân, cũng không ai yêu cây và có tinh thần gắn bó mật thiết với đất như người nông dân. Sẽ là vô ích nếu chỉ nói, ca tụng mà không hành động. Khi đó, chúng ta không còn đổ lỗi lũ lụt cho nhà nước, tổ chức, cá nhân hay tác nhân nào nữa”, Huy chia sẻ.
 
Ý nghĩ xuyên suốt của Midori Farm của Huy trên hành trình phát triển bền vững là làm sao để người nông dân tự trồng cây rừng trên chính mảnh đất của họ, như một thứ để tự hào và để lại cho thế hệ tương lai. Nhưng muốn nông dân trồng rừng thì phải gắn sinh kế của họ với rừng để họ coi đó là trách nhiệm. Có thể là trồng cà phê, dược liệu, khai thác du lịch... theo đặc trưng của từng vùng miền, miễn sao để con người sống mà gắn liền lợi ích của mình với rừng. 
 
Nguyễn Trí Tâm (giữa) với những người bạn của mình trồng thông và nhiều loại cây rừng khác trên núi Đại Bình
Nguyễn Trí Tâm (giữa) với những người bạn của mình trồng thông và nhiều loại cây rừng khác trên núi Đại Bình
 
Mỗi người trồng một cái cây
 
 “Trong cuộc đời, mỗi người nên trồng một cái cây, sinh một đứa con và viết một cuốn sách”, José Martí - một nhà lãnh đạo của phong trào độc lập Cuba đã từng nói như thế. Vậy trong ba điều được nhắc đến ở trên, việc gì dễ nhất. Câu trả lời quá đỗi đơn giản.
 
“Trồng một cái cây ở chỗ Tâm không đơn giản đâu”, Nguyễn Trí Tâm (27 tuổi) khẳng định. Ấy là vì để lên được núi Đại Bình, bạn bè và du khách phải đi bộ quãng đường hơn 3 km, thở hổn hển trước những con dốc đứng 50, 60 độ. Với mong muốn trả lại thiên nhiên những yên bình vốn có, Trí Tâm đã thiết kế tour trecking lên núi Đại Bình cho khách, kèm theo một hoạt động tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, đó chính là trồng cây.
 
Nơi trồng cây cũng chính là khu vườn mà gia đình Tâm mua lại, chỉ là một phần rất nhỏ của núi Đại Bình, từ đây có thể ôm trọn cả huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc vào trong tầm mắt. Tâm bảo mình cảm thấy xót xa vì thiên nhiên bị tàn phá, không còn là hình ảnh những cánh rừng xanh màu như 10 năm trước nữa.
 
Tâm có một ví dụ vui rằng núi Đại Bình bây giờ giống như một mái đầu “under cut”, tức là chỉ vỏn vẹn khu vực đỉnh núi là còn rừng, xung quanh người dân phần đã khai thác, phần thì lấn chiếm để canh tác nông nghiệp. 
 
Biết sức mình nhỏ bé và có hạn, Tâm nghĩ cách lan tỏa giá trị của mình cho cộng đồng. Thế là cậu xây dựng cho mình và du khách một câu chuyện để mỗi vị khách thành phố có thể đào hố, xé bầu, dùng tay vun từng nắm đất và thấm hơn về giá trị mà mình đang tạo ra. Những ai đã nghe và nhìn ánh mắt Tâm sáng lên khi nói về rừng đều thấy một tình yêu mãnh liệt vô hình trong cậu. 
 
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao mỗi người lại chỉ trồng một cái cây, Tâm giải thích: “Thực ra mình không quan trọng mọi người lên đây trồng một hay nhiều cây, thậm chí nếu không cảm thấy hứng thú, bạn có thể không trồng. Bởi vì nếu muốn, mình có thể trồng hàng ngàn cây, ngay lập tức trồng kín cả một quả đồi. Nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì nếu chỉ trồng và để đó thôi. Mình muốn mọi người biết được rằng hóa ra việc hiểu về một cái cây là trồng nó xuống đất lại mang nhiều ý nghĩa như vậy”.
 
Người trẻ đã có cái nhìn tích cực và hành động thiết thực hơn với tự nhiên
Người trẻ đã có cái nhìn tích cực và hành động thiết thực hơn với tự nhiên
 
Gieo “mầm” hạnh phúc
 
“Lần đầu mình được nghe những câu chuyện mộc mạc, chân thành, đầy tình yêu với rừng. Từng lời Tâm nói ra cuốn hút kỳ lạ, cảm giác như mỗi loài cây như là một thực thể sống động, làm Ngọc tưởng tượng đến mấy bộ phim của Disney về một vương quốc cây với đủ tính cách như loài người. Trực tiếp bước đi dưới tán rừng, được nghe kể, được nếm, được sờ, được cảm nhận bằng tất cả mọi giác quan để càng thấy được sự kỳ diệu của thiên nhiên, quy luật sinh tồn và vòng tròn cân bằng hệ sinh thái. Khi đó, cảm giác mình đặt xuống đất 1 cái cây thực sự là mình đang làm một việc có ý nghĩa”, cô gái Nguyễn Phan Như Ngọc đến từ TP Hồ Chí Minh đã viết dài như thế sau khi từ núi Đại Bình trở về.
 
Đó cũng chính là những gì mà Nguyễn Trí Tâm mong muốn tạo ra từ những việc làm nhỏ của chính mình. “Mình coi như đang gieo mầm để mọi người có thể trồng bất cứ loại cây gì, ở bất cứ nơi đâu. Miễn là góp thêm cho thế giới này một mầm xanh. Xanh của hi vọng, mầm của hạnh phúc”, Tâm nói. 
 
Chẳng có sợi dây liên hệ nào giữa Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Trí Tâm, nhưng ở họ, chúng tôi cảm nhận chung được trách nhiệm và cái nhìn mới của người trẻ về những tồn tại của môi trường, cách con người đối xử tử tế với rừng nói riêng và thiên nhiên nói chung. Mỗi người có một cách tiếp cận dựa trên mục đích bắt đầu khác nhau, nhưng lại có chung hành động thực tế là trồng cây gây rừng. 
 
Với họ, quan niệm đơn giản rằng “trồng cây như một cách để chữa lành tâm hồn mình, chữa lành những vết thương của thiên nhiên do chính con người gây ra” và không cần đáp đền gì cả, mỗi người đang cố gắng xây dựng cho mình một rừng cây. Sâu xa hơn, họ muốn dùng những hành động tuy nhỏ bé nhưng thiết thực của mình, kêu gọi cả cộng đồng chung tay, góp một phần sức mình cho việc lớn lên của những cây rừng nơi cao nguyên Lâm Viên - mà sau này nếu có duyên gặp lại, nó sẽ cao lớn hơn cả bạn, giúp cho hệ sinh thái và sinh kế của nhiều người thêm bền vững.
 
HỒNG THẮM