Hẹn mãi, chúng tôi mới có thể lên lịch để cùng cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông vào thăm điểm trường giữa rừng sâu thuộc xã Liêng Srônh...
Hẹn mãi, chúng tôi mới có thể lên lịch để cùng cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông vào thăm điểm trường giữa rừng sâu thuộc xã Liêng Srônh. Một hành trình hơn 60 km với gần nửa quãng đường xuyên rừng và có những đoạn phải đi qua địa phận của tỉnh Đăk Nông mới có thể tới nơi.
|
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn với những đứa trẻ vùng sâu, nhưng sau mỗi giờ học, trên gương mặt của chúng vẫn bừng sáng những nụ cười đầy hy vọng |
Đó là điểm trường 179 thuộc Trường Tiểu học Liêng Srônh (xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông) nằm lọt thỏm giữa những rừng sâu, núi thẳm được hình thành cách đây ngót nghét 7 năm nay. Và cũng là nơi duy nhất của các em học sinh người dân tộc H’Mông trong vùng “kiếm tìm con chữ”. Từ đó, những thầy cô giáo bằng tất cả tâm huyết của nghề gõ đầu trẻ, tận tụy truyền dạy đàn em thân yêu.
Lớp học chia đôi
Nơi đây là cuộc sống của hơn 108 hộ người dân tộc H’Mông, với 664 nhân khẩu là dân di cư tự do. Mặc dù đã có nhiều chính sách, hỗ trợ từ địa phương nhưng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả, bởi vẫn chưa có nước sạch, không ánh sáng điện lưới.
Trở lại cách đây gần 7 năm, mấy phòng học tạm cho học trò nghèo được các thầy cô giáo và người dân địa phương dựng lên. Cơ sở vật chất ở đây hầu như không có gì ngoài những bộ bàn ghế cũ kỹ. Bao quanh phòng học là các tấm ván gỗ tạm bợ, che mưa che nắng cho cả thầy và trò.
Ở điểm trường 179, hiện có 5 lớp học với tổng số 89 em học sinh, được chia thành 3 phòng học. Ngoại trừ các em lớp 5 được sắp xếp học riêng một phòng học, còn lại từ lớp 1 đến lớp 4 các em được học chung tại 2 phòng học. Học sinh lớp 1 và 2 được bố trí một phòng do thầy Phạm Duy Huân (sinh năm 1993) phụ trách; còn học sinh lớp 3 và 4 do thầy Hoàng Văn Ngọc (sinh năm 1987) phụ trách.
Điều đặc biệt ở hai phòng học ghép này là mọi thứ đều có sự chia đôi. Tấm bảng chia đôi. Bàn ghế chia đôi. Học trò chia đôi. Và, thầy giáo cũng… chia đôi. Chẳng hạn như ở lớp học thầy Huân, bên này, học sinh làm toán lớp 2, thì phía ngồi quay lưng bên kia, đám trẻ lại ê a học tiếng Việt lớp 1.
|
Trăn trở của thầy Huân là mong muốn có thêm 1 lớp mầm non được mở ra, để đứa trẻ nào tại Tiểu khu 179 cũng được đến trường |
Không bục giảng, chẳng cầu kỳ hình thức, thầy giáo Huân cố gắng phát âm từng âm tiết tròn vành rõ chữ để học trò đọc theo nhưng phải mất khá lâu đám trẻ lớp 1 mới đọc đúng từ. Thầy Huân nói với tôi: “Dạy tiếng Việt cho bọn trẻ ở đây cũng như dạy ngoại ngữ vậy. Từ nhỏ các cháu chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn dạy cho các cháu môn tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khó khăn nhất là vấn đề phát âm. Những âm tiết khó như oe, eo... có khi phải mất một buổi mới uốn nắn được. Khi đã thành thuộc những nét chữ, con số thì học sinh mới dần dần líu ríu viết ra”.
Phía dãy bàn đối diện bên kia, học trò lớp 2 đang làm bài tập toán. Những đứa trẻ tóc rối, chân lấm lem bùn đất, quần ống xắn ống xả ngồi tần ngần trước trang vở với các phép tính cộng, trừ sơ khai. Vài đứa có vẻ bế tắc, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn thầy Huân chờ đợi cầu cứu.
Huân nghĩ gì về việc tổ chức dạy học theo mô hình như tại những điểm trường này, chúng tôi hỏi?
Thầy Huân bảo rằng: Khó lắm! Đó là vấn đề rất xa lạ với những giáo viên cắm bản như tôi. Để cho học trò tiến bộ chúng tôi phải chấp nhận… tụt hậu. Phải kiên trì kiểu “mưa dầm thấm lâu”, dạy một buổi chưa được phải hai buổi, thậm chí ba buổi. Ở đây giáo viên nào cũng soạn giáo án đấy chứ, nhưng có tiết học nào hoàn thành theo đúng giáo án đã đề ra đâu!
“Trong lúc các đồng nghiệp ở vùng trung tâm thường xuyên được tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới, hiện đại và áp dụng vào thực tiễn thì chúng tôi vẫn phải kiên trì với lối giáo dục truyền thống, thầy giáo đọc gì, viết gì học sinh đọc đúng cái đó, viết đúng cái đó. Đọc, viết đến lúc nhớ thì thôi. Ở đây, dạy đến đâu các cháu biết cho đến đó là đã thành công rồi” - thầy Huân chia sẻ thêm.
Phía bên kia, ngăn cách bởi một tấm ván gỗ là phòng học với hai lớp 3, 4 của thầy Ngọc. Trong khi đám học trò lớp 3 đang làm toán thì các em lớp 4 bắt đầu tiết học môn Địa Lý, với những bài học vỡ lòng về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam.
Ở điểm trường 179, chỉ có các em học sinh lớp 5 là được học trong một phòng học riêng biệt. Mà theo lý giải của thầy La Văn Phù (sinh năm 1989), các em lớp 5 cần được “đầu tư” để hội đủ điều kiện chuyển cấp…
|
So với trước đây, điều kiện cơ sở vật chất, đời sống của người dân tại Tiểu khu 179 không ngừng được Nhà nước quan tâm đầu tư. Những cái không ở nơi đây đã được xóa bớt nhưng khó khăn vẫn là điều không thể tránh |
Miệt mài “cõng” chữ vào rừng sâu
Trong trí nhớ của cô Hoàng Hải Yến - Hiệu Phó Trường Tiểu học Liêng Srônh, khi cô lần đầu về Tiểu khu 179, bùn đất vẫn ngập trên con đường ngoằn ngoèo giữa rừng sao mà nhìn khung cảnh ấy thật hoang vắng. Còn đám trẻ con thì vô tư, mải mê chơi đùa, nhưng mỗi khi thấy người lạ là các em lại rụt rè, thậm chí có đứa còn bỏ chạy.
“Lúc họp cùng với chính quyền xã Liêng Srônh về việc thành lập điểm trường, tôi nghĩ các thầy, cô sẽ chẳng trụ lại đây lâu. Vậy mà cũng đã 8 mùa khai giảng trôi qua, nhìn các học trò ở đây ngây thơ, tinh nghịch và sự thiệt thòi, thiếu thốn về vật chất cũng như điều kiện học tập... mà chúng tôi thương và quyết tâm ở lại giữa rừng bám lớp” - cô Yến chia sẻ.
Một ngày đầu năm 2017, thầy giáo Hoàng Văn Ngọc nhận quyết định điều động vào điểm trường 179 cắm bản. Nghĩ là chỉ một hai năm rồi được rút ra, nào ngờ từ đó đến nay đã gần 5 năm anh gắn bó với nơi này.
Theo thầy Ngọc, ở đây từ chuyện dạy học của thầy và trò đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân vốn rất khó khăn, điện - đường - trường - trạm vẫn đang còn nhiều thiếu thốn nên bây giờ chỉ có các thầy là còn bám trụ được. Thầy Ngọc tâm sự: “Trước đây, khi mới thành lập điểm trường cũng có một số cô giáo trẻ xung phong vào đây công tác, nhưng rồi khi đã lập gia đình các cô đều lần lượt xin chuyển về điểm chính. Thi thoảng cũng có các cô giáo trẻ mới ra trường xin vào đây, nhưng cũng chỉ tầm 6 tháng là phải xin chuyển ra vì chịu không nổi”.
Đơn cử như việc đi lại giữa trường về nhà, từ nhà lên trường thôi! Thời tiết đẹp anh em lại tranh thủ về nhà dịp cuối tuần. Nhưng lúc trời mưa, con đường trở nên trơn trượt, đành bấm bụng ở lại. Lúc ấy, ai có việc gấp cần về thì phải quấn xích vào bánh xe để di chuyển ra bên ngoài con đường lớn. Ấy thế mà cũng phải mất hàng giờ đi bộ mới có thể đến được trung tâm xã. Đến khi trở lại điểm trường chúng tôi lại mang thực phẩm và nước uống để đủ cho một tuần dạy học ở đây.
- Mỗi lần trải qua hành trình ấy, có lúc nào các anh nản chí, chúng tôi hỏi?
Không! Anh em chúng tôi cứ thế mà đi. Chẳng lăn tăn suy nghĩ điều gì cả. Ở trường thì nghĩ mình có vợ con đang đợi ở nhà. Về nhà lại lật đật khăn gói ra đi vì nghĩ rằng ở trường học trò đang đợi. Tâm trạng ấy cứ bám riết lấy tôi suốt năm qua, tháng nọ. Cuộc sống và làm việc của mấy anh em luôn là những chuyến trở về. Về nhà. Về trường! - thầy Ngọc nói.
Đâu đó cũng có ý kiến rằng giáo viên cắm bản thì được chế độ ưu đãi lương cao, kêu ca nỗi gì!. Và khi chúng tôi đề cập về vấn đề tế nhị này, thầy giáo Hoàng Văn Ngọc cười buồn:
“Có thể đó là động lực để nhiều giáo viên, trong đó có tôi bám trụ lâu dài với miền núi. Hy sinh một chút để giúp đỡ gia đình thì có sao đâu. Nhưng đó không phải là tất cả. Chúng tôi có lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm của mình”.
Ở điểm trường này, chỉ cần đảm bảo sĩ số cũng khó lắm. Nhiều hôm lớp vắng, thầy đợi mãi chẳng thấy các em đến lại phải đi tận từng nhà gọi các em ra lớp. Có đứa mải chơi không vào lớp. Có đứa ngủ quên. Có đứa theo mẹ lên rẫy… Cũng may các em rất ngoan, còn phụ huynh thì rất quý thầy.
Để đến bây giờ, khi các thầy Ngọc, Phù, Huân, ai nấy đều đã quen với con đường đất đỏ nhão nhoẹt những ngày mưa và bụi mịt mù khi bước vào mùa nắng. Nơi đây đã thực sự níu chân được thầy, cô giáo. Chính tình yêu nghề và muốn chia sẻ với những khó khăn của người dân địa phương đã luôn động viên tinh thần thầy, trò cùng nhau vượt khó trước cái khó để tiếp tục “gieo” con chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này.
HOÀNG SA - THÂN HIỀN