Tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" năm 2020, trong số 50 tấm gương được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt có ông Nguyễn Văn Lực...
Tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” năm 2020, trong số 50 tấm gương được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt có ông Nguyễn Văn Lực, là những người lặng thầm cống hiến, biểu tượng cho đức hy sinh, tình nhân ái, là mạch nguồn nuôi dưỡng ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh. Nói chuyện với 50 tấm gương thầm lặng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Những người có mặt trong cuộc gặp này đều là những câu chuyện cổ tích, những tấm gương sáng của đất nước”.
|
Ông Nguyễn Văn Lực tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” năm 2020 chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Chính phủ |
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng vừa được Trung ương biểu dương điển hình về Người Bảo trợ tiêu biểu Việt Nam, Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng, Tuổi cao gương sáng năm 2020.
10 năm trước, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng ra đời để giúp đỡ, hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội. Với vai trò Chủ tịch Hội Bảo trợ, ông Lực đã kêu gọi, vận động và nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực to lớn để tổ chức các hoạt động nhân đạo trên địa bàn toàn tỉnh và vươn ra chia sẻ với đồng bào khó khăn của nhiều tỉnh, thành trong nước.
Qua 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội đã vận động nguồn tài trợ hơn 540 tỷ đồng, trong đó có cá nhân ông Nguyễn Văn Lực đã vận động hơn 500 tỷ đồng để giúp cho hơn 1.300 trẻ em và bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, giúp đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 10.000 người cao tuổi; tặng 4.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, bệnh nhân bị tai biến, bại liệt, hơn 1.500 xe đạp và 1.200 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo. Gần 100 ngôi nhà tình thương được xây dựng; 421 cháu bé bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 4.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao thể trạng từ những bữa ăn dinh dưỡng. Hơn 5.000 thẻ bảo hiểm y tế được tặng cho những gia đình khó khăn; hơn 100 hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp sức hồi sinh, Vượt lên chính mình, Mở cửa tương lai, Khát vọng sống, Thắp sáng ước mơ xanh, Nhịp tim Việt Nam, Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, Phẫu thuật đem lại nụ cười, Trợ vốn khởi nghiệp... Trong đó, có nhiều trường hợp được tài trợ từ 100 triệu đến gần 500 triệu đồng. Nhiều công trình công cộng như: giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông, bếp ăn tình thương được xây dựng để phục vụ đồng bào, bệnh nhân và học sinh vùng sâu, vùng xa.
Với trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức Hội, ông Lực đã làm tất cả những gì có thể để cùng toàn Hội triển khai 17 chương trình nhân đạo từ thiện suốt 10 năm qua.
|
Ông Nguyễn Văn Lực trao tiền giúp bệnh nhân nghèo chữa bệnh |
Các nhà tài trợ đánh giá rất cao tinh thần thiện nguyện của hội viên khi chứng kiến các anh chị hết lòng phục vụ người nghèo trong những lần họ đến Lâm Đồng tài trợ mổ mắt, tặng xe lăn, cứu trợ, khám tim, khám tầm soát ung thư phụ khoa, trao xe đạp, học bổng, trợ giúp cho bệnh nhân nghèo, khánh thành nhà tình thương. Nhiều nhà tài trợ bày tỏ sự cảm phục khi Hội tổ chức đưa hàng trăm trẻ em nghèo nhập viện mổ tim, mổ cơ xương khớp, phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch hoặc phẫu thuật sẹo lồi, sẹo bỏng; đi cứu trợ đồng bào vùng thiên tai bão lụt… Với tinh thần làm việc “xả thân”, ông Nguyễn Văn Lực và các anh chị hội viên đã tận hiến vì cộng đồng, vì hơi thở và nụ cười của những trẻ em nghèo, vì cuộc sống của những người cơ khổ mà dấn thân để Hội Bảo trợ Lâm Đồng liên tục là đơn vị dẫn đầu cả nước trong các hoạt động chăm lo cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi.
Ông Nguyễn Văn Lực chia sẻ: “Với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Hội, có lúc tôi phải làm việc 30 ngày một tháng và có khi suốt nhiều tuần lễ phải di chuyển liên tục để đến với những hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa nên sức khỏe của tôi ngày càng xấu đi. Tuần trước, trong lần nhập viện điều trị trái thận ghép, 7 bác sĩ quốc tế, những người đã 6 lần phẫu thuật cho tôi tại Việt Nam, Singapore và Nhật đã đưa ra khuyến nghị lần thứ 5, yêu cầu tôi phải hạn chế làm việc, vì càng làm thì đầu óc căng thẳng, càng làm thì căn bệnh hiểm nghèo càng nặng hơn, nhất là trong quá trình triển khai các hoạt động, có lúc dồn nén vì sức ép công việc, rất dễ dẫn đến đột quỵ”.
Vượt qua chính mình về sức khỏe, ông Nguyễn Văn Lực cùng 1.000 hội viên của Hội tiếp tục duy trì các chương trình nhân đạo, toàn tâm toàn ý lo cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ em mồ côi và những mảnh đời bất hạnh; chấp nhận làm việc cả những ngày thứ Bảy, Chủ nhật và những ngày lễ, tết để tổ chức các chương trình nhân đạo. Ông Nguyễn Văn Lực đảm nhận công tác vận động tài trợ cho các chương trình hoạt động cần có nguồn kinh phí lớn như chương trình phẫu thuật tim, mổ mắt, học bổng, cứu trợ xã hội, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng xe lăn, phẫu thuật cho trẻ dị tật, khám tầm soát tim mạch, tầm soát ung thư, đi cứu trợ đồng bào vùng sâu... Công tác vận động phải tiến hành liên tục vì chi phí tài trợ cho mỗi ca mổ tim từ 70 triệu đến hơn 300 triệu đồng. Mỗi năm Hội phải có trên 20 tỉ đồng để lo khám và mổ tim cho các bệnh nhân nghèo, 15 tỷ đồng để tổ chức chương trình phẫu thuật mắt và hỗ trợ các bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo và phải có chừng ấy tiền tài trợ để triển khai các hoạt động nhân đạo khác. Năng lực vận động nguồn lực của ông Nguyễn Văn Lực thật phi thường với tinh thần tất cả vì người bệnh nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi. Tất cả hội viên đều tự nguyện góp công, góp của, thời gian đến tận nơi thực hiện 17 chương trình nhân đạo của Hội.
Năm 2021, Hội phấn đấu vận động tài trợ 40 tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo - từ thiện trên địa bàn tỉnh, với các chỉ tiêu sau: Tài trợ phẫu thuật tim cho 80 trẻ em và người lớn tuổi bị bệnh tim; Tài trợ phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho 2.000 người; Tặng 2.000 bộ máy trợ thính cho trẻ em và người lớn tuổi bị khiếm thính; Tài trợ phẫu thuật cơ, xương, khớp, sẹo lồi, sẹo bỏng, sứt môi cho 80 trẻ em dị tật; Tổ chức 400 bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân tâm thần; Tặng 120 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật và tặng 100 xe đạp cho học sinh nghèo cư trú xa trường học; Tặng 500 xe lăn cho người khuyết tật và bệnh nhân tai biến, bại liệt; Khám sàng lọc các bệnh tim mạch, dị tật, tầm soát ung thư phụ khoa và các bệnh về mắt, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho 10.000 lượt bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi và người cao tuổi. Tổ chức 6 đợt cứu trợ cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi và đồng bào nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh; Xây mới 10 nhà tình thương cho 10 hộ nghèo hoặc cận nghèo.
AN NHIÊN