''Phối bản'' nghệ thuật kiến trúc Đà Lạt

01:02, 17/02/2021

Đà Lạt, ngay từ đầu đã được xác định "công năng" là thành phố nghỉ dưỡng. Đô thị đặc biệt này trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản...

Đà Lạt, ngay từ đầu đã được xác định “công năng” là thành phố nghỉ dưỡng. Đô thị đặc biệt này trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn. Ở góc độ nghệ thuật kiến trúc, nhiều công trình cổ ở đây đã tạo nên biểu tượng, đan dệt thành ký ức đô thị Đà Lạt, lưu cữu trong trí nhớ nhiều người. 
 
Biệt thự cổ Đà Lạt
Biệt thự cổ Đà Lạt
 
Lịch sử quy hoạch Đà Lạt tiếp cận rất sớm với phương pháp, tư duy quy hoạch hiện đại. Từ mục tiêu, ý tưởng quy hoạch đến giải pháp thực hiện đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi văn hóa phương Tây, nên sản phẩm quy hoạch, kiến trúc Đà Lạt đã khắc họa rõ nét về không gian và thời gian của một giai đoạn lịch sử, làm nên sắc thái đô thị rất đặc trưng. Trong các đồ án quy hoạch Đà Lạt, đồ án thực hiện năm 1923 của KTS Ernest Hebrard được nhắc đến nhiều hơn. Quy hoạch của Hebrard được ví như cách ta bóc đi lớp vỏ đất đá để lộ viên ngọc giữa đại ngàn.
 
Ở đô thị Đà Lạt, mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tạo nên thành phố bản sắc. Nghệ thuật kiến trúc Âu - Á quyện hòa, đậm bản sắc, khó nhầm lẫn với kiến trúc ở các đô thị khác trong nước và trên thế giới. Qua các thời kỳ lịch sử, với những kịch bản quy hoạch đô thị như được định sẵn, Đà Lạt dần hình thành và được trao cho những danh xưng lãng mạn và ấn tượng: Thành phố trong rừng, Thủ đô mùa hè, Patite Paris, Thành phố vườn trên cao nguyên, Thành phố ngàn hoa… “Có thể khẳng định, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt là ở các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc hiếm nơi nào có”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.
 
Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền… Di sản kiến trúc Âu - Việt phối cảnh giữa thiên nhiên Đà Lạt mang dáng nét kiêu sa, quyến rũ. TS. KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người. Chính những tài nguyên thiên nhiên và quỹ kiến trúc đô thị vô song đã thúc đẩy và gạn lọc ra một lối sống, có thể nói, một dạng văn hóa thị thành đặc trưng Đà Lạt.
 
Không gian biệt thự cổ Đà Lạt hấp dẫn du khách
Không gian biệt thự cổ Đà Lạt hấp dẫn du khách
 
Đà Lạt được nhìn nhận như một “Bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”. Đô thị cao nguyên này đang sở hữu khoảng 1.500 biệt thự, dinh thự, thánh đường cổ, được xem là mẫu hình tiêu biểu của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhiều kiến trúc sư tài danh Việt Nam và thế giới cho rằng, đây là những tác phẩm kiến trúc độc đáo, vừa hoàn thiện về thẩm mỹ và hoàn chỉnh về kỹ thuật. Trong số này, có hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng kiều diễm, ẩn mình giữa những rừng thông, núi đồi đầy mê hoặc. 
 
TS. KTS Emmanuel Cerise, Đại diện vùng Île-de-France tại Hà Nội, Trưởng phòng PRX - Việt Nam đã đến Đà Lạt nhiều lần. Mỗi lần đến và rời xa, Đà Lạt đều làm ông vương vấn: “Mỗi lần đến đây, Đà Lạt đều để lại trong tôi bao lưu luyến. Đến Đà Lạt, tôi ngỡ mình như thuở học trò đang đi dã ngoại về miền Nam nước Pháp. Đây thực sự là thành phố trong rừng, đứng ở đâu cũng đều thoảng hương của cây thông, một điều đặc biệt không phải ở đâu cũng có”. TS. KTS Emmanuel Cerise cho rằng, cây thông ở Đà Lạt là một đặc trưng. Trước đây, người Pháp xây dựng những công trình ở đây có chiều cao không vượt quá ngọn thông. Và chúng ta có thể lấy chiều cao tương đối của loài cây này làm quy chuẩn để tạo ra những công trình hài hòa với thiên nhiên. “Dấu ấn kiến trúc Pháp rất đa dạng ở Đà Lạt. Nhưng vì sao người Pháp lại đưa rất nhiều công trình kiến trúc của mình đến đây? Bởi vì, khi họ đặt chân đến vùng đất này và nhận ra rằng, đây là nơi có thể tái hiện một đô thị kiểu Pháp, vì không gian cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu đều tương tự cố hương”, TS. KTS Emmanuel Cerise cho biết.
 
Kiến trúc đặc thù của Đà Lạt là ở đây, các kiến trúc sư ít vận dụng lối kiến trúc cổ điển, hoặc tân cổ điển để thể hiện quyền lực, mà họ chắt lọc những kiến trúc vùng miền nước Pháp, hoặc phong cách hiện đại để kiến tạo ở đây thành một quần thể kiến trúc nghỉ dưỡng, những ngôi biệt thự tạo sự yên tĩnh, thoải mái và hoài niệm, nghệ thuật thẩm mỹ hiện đại, với những gian phòng có tầm nhìn rộng hướng ra cảnh quan. Các công trình kiến trúc cổ ở Đà Lạt luôn tận dụng tối đa địa hình, địa thế phù hợp, hài hòa; bảo đảm sự riêng tư, tĩnh lặng và mức độ ăn nhập cảnh quan. Sau này, khi được cộng hưởng thêm yếu tố văn hóa, lối sống bản địa, đã tạo nên “bản phối” hoàn chỉnh nghệ thuật kiến trúc Á - Âu trong tiến trình phát triển phố núi Đà Lạt.
 
Từ ngôi nhà tranh đầu tiên, đến mười ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà vùng miền núi nước Pháp; năm 1930, Đà Lạt có đến 398 ngôi biệt thự đồ sộ và đến năm 1949, phố núi đã có hơn 1.500 biệt thự, dinh thự, các công trình kiến trúc công cộng. Điều độc đáo là không có sự trùng lặp kiểu dáng, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ, đặt trong sự thể nghiệm những giá trị thẩm mỹ mới, trên cơ sở vừa tuân theo các nguyên tắc cục bộ đô thị kiểu Pháp, vừa phù hợp đặc điểm cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương trong thiết kế các tổng thể kiến trúc đô thị. Các biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo phần lớn được kiến tạo theo lối kiến trúc miền Bắc nước Pháp với sườn gỗ, tường chèn gạch, cửa sổ mái tam giác, mái vạt góc có độ dốc lớn. Khu biệt thự ở đường Cô Giang thì được xây theo phong cách kiến trúc miền Đông Nam nước Pháp, nhìn bề ngoài có dáng vẻ một góc lâu đài, mái dốc. Khu biệt thự cuối đường Quang Trung lại có kiến trúc kiểu biệt thự vùng miền Nam nước Pháp, với mặt tiền xây uốn hình cung, mái lợp ngói và gần sát mái có đường viền bằng ngói uốn, sàn gỗ, phòng rộng… Và đặc điểm chung, những công trình biệt thự này luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn thoáng ra cảnh quan thị giác. Các kiểu kiến trúc bốn địa phương, vùng miền nước Pháp được sao chép lại ở Đà Lạt “lệch pha” về thời gian so với kiến trúc đương thời ở Pháp, phản ánh tâm trạng “hoài hương” của chủ nhân. 
 
Gió xuân dịu nhẹ, quyến theo hương nồng nhựa thông, trong khu biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo, Lê Văn Thắng, người Đà Lạt, du học sinh Hà Lan, đang cùng nhóm bạn trải nghiệm kiến trúc cổ. Thắng chia sẻ: “Chúng em đến đây để tìm sự lắng đọng của Đà Lạt. Nghệ thuật kiến trúc Pháp trong không gian cảnh quan Đà Lạt đã tạo nên không gian rất lãng mạn. Kiến trúc cổ ở châu Âu được gìn giữ khá tốt, nhưng tổng thể thì em thấy Đà Lạt hài hòa hơn”. Nguyễn Đỗ Thái Bình, người con gái Đà Lạt, du học sinh Mỹ, thổ lộ: “Khi bước chân đến các khu biệt thự cổ Đà Lạt người ta có cảm giác bay bổng với không gian, cảnh quan và nghệ thuật kiến trúc”.
 
Đà Lạt mang dấu ấn phong cách và ngôn ngữ kiến trúc Pháp khá rõ. Nhưng ngược lại, các nhà kiến trúc này cũng chịu ảnh hưởng của Đà Lạt. Đó là sự giao thoa tự nhiên. Những kiến trúc ở thành phố cao nguyên được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo thành kiểu kiến trúc độc đáo, đậm bản sắc. “Các công trình kiến trúc ở Đà Lạt, dù thuộc các thể loại và xây dựng ở các thời kỳ, đều được kết nối bởi một tỷ lệ xích công trình và không gian tinh tế. Nhờ đó mà ngự ở đây sự nhất thể hóa hiếm có, hầu như không có những công trình đứng ra ngoài, thách thức hệ tế bào đô thị”, GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính cho hay.
 
Nghệ thuật tổ chức cảnh quan, điều kiện tự nhiên, giá trị nhân văn, cùng nghệ thuật kiến trúc công trình đã đan dệt, kiến tạo nên hình ảnh đô thị Đà Lạt, đủ để những bước chân lữ khách dùng dằng chẳng muốn rời xa.
 
THỤY TRANG - VĂN BẢO