Chủ động lựa chọn các tiêu chí để thực hiện đúng thời điểm, dễ làm trước, khó làm sau, chia ra làm từng phần...
Chủ động lựa chọn các tiêu chí để thực hiện đúng thời điểm, dễ làm trước, khó làm sau, chia ra làm từng phần. Chính vì vậy đã tạo nên khí thế phấn chấn, tạo niềm tin, quyết tâm xây dựng thành công và duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới ở An Nhơn trong 10 năm qua.
|
Hội đua thuyền trên hồ Đạ Hàm - An Nhơn là một nét đẹp văn hóa ở vùng lúa |
An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) là xã nông nghiệp có diện tích tự nhiên 6.908 ha, diện tích đất sản xuất 1.204 ha; dân số 4.260 người với 958 hộ gia đình, gồm 6 thành phần dân tộc sinh sống: Kinh, Mạ, Tày, Nùng, Dao, Mường. Người dân tộc thiểu số ở đây chiếm 70% dân số toàn xã với phong tục tập quán, lối sống và cách thức lao động sản xuất khác nhau, trong đó buôn Tố Lan có 100% dân tộc Mạ gốc bản địa.
Xác định tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, năm 2010, An Nhơn đã tổ chức phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã từng bước hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Trong đó, xác định nông thôn mới là nơi có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Cùng với 5 tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa cũng được triển khai thực hiện quyết liệt: Giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
Cụ thể, về kinh tế, An Nhơn đã tập trung phát triển thế mạnh của địa phương là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cải tiến các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả như thực hiện cánh đồng mẫu lớn, thực hiện đồng trà đồng vụ, thâm canh tăng vụ; đưa các loại giống lúa, giống cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập trên diện tích canh tác cho nông dân. Nhờ vậy, đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 1%.
Văn hóa, xã hội có bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại theo quy hoạch phù hợp với cảnh quan, môi trường; khu dân cư được chỉnh trang, nhà ở người dân khang trang, sạch đẹp, điều kiện sống không ngừng được nâng cao. Thuần phong mỹ tục được bảo tồn, hàng năm nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức như hội đua thuyền trên hồ Đạ Hàm, hội lồng tồng của người Tày vào dịp đầu xuân... Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được người dân nghiêm túc thực hiện. 6/6 thôn đều có tổ vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả, các tổ tích cực thu gom rác thải và tổ chức tốt việc xử lý rác thải tập trung theo quy định, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 100% thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa hàng năm; trong đó, 5/6 thôn giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa liên tục 5 năm trở lên, 2 thôn đạt Thôn văn hóa kiểu mẫu. Năm qua, toàn xã có 875 hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa (93,5%); 702 hộ được công nhận Gia đình văn hóa 3 năm trở lên; 6/6 thôn đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thực hiện nghiêm quy ước cộng đồng dân cư.
Để phục vụ đời sống, xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là công trình giao thông nông thôn phục vụ đi lại, lưu thông hàng hóa nông sản và thủy lợi phục vụ sản xuất nông nhiệp. Đường liên xã dài 3,8 km đã được nhựa hóa 100%; đường trục thôn có 8 tuyến đường, tổng chiều dài 18,178 km, đã cứng hóa 16,124 km (88,7%); đường ngõ, xóm đã cứng hóa 3,703 km/ 5,244 km (70,6%); đường trục chính nội đồng có 14 tuyến được đầu tư bê tông hóa 10,403 km/13,904 km (74,8%). Hồ chứa nước Đạ Hàm có diện tích mặt nước 75 ha, dung tích hồ chứa 5,6 triệu m3; tổng chiều dài kênh mương 21,3 km đã kiên cố 17,1 km (80,3%) có tưới quanh năm cho 425 ha đồng ruộng trồng lúa trên địa bàn xã.
Đến nay xã đã xây dựng được Nhà Văn hóa xã có khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí cho người cao tuổi, 6 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn với diện tích sử dụng và khuôn viên đạt chuẩn. Nhà văn hóa xã và các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn đều được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, bàn ghế, tủ sách pháp luật... đảm bảo phục vụ sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của Nhân dân. Trạm Y tế xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế. 3 trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia; trong đó 2 trường đạt chuẩn mức độ 1 là trường tiểu học và trường THCS, 1 trường đạt chuẩn mức độ 2 là trường mầm non.
Để đạt được điều đó là có sự chung sức đồng lòng của người dân, thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tổng kinh phí để thực hiện xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” trong 10 năm qua là 417,76 tỷ đồng; trong đó, Nhân dân đóng góp 298,12 tỷ đồng (71,36%), ngân sách Trung ương 41,77 tỷ đồng (10%), ngân sách tỉnh 32,44 tỷ đồng (7,8%), ngân sách huyện 16,48 tỷ đồng (4%), ngân sách xã 1,4 tỷ đồng (0,34%), vốn vay tín dụng 27,14 tỷ đồng (6,5%). Ông Lưu Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Nhân dân trong xã đã cùng góp công, góp của, huy động nguồn vốn đối ứng để phát triển sản xuất và xây dựng các công trình thủy lợi, nâng cấp giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện của xã. Từ đó đã tạo nên khí thế phấn chấn, tạo niềm tin và quyết tâm xây dựng thành công và duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới ở An Nhơn trong 10 năm qua.
QUỲNH UYỂN