Học sinh lớp 1 sau một học kỳ áp dụng chương trình mới

06:03, 03/03/2021

Sau thời gian đầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới, với sự điều chỉnh và nỗ lực từ bản thân mỗi giáo viên, việc triển khai dạy và học theo chương trình lớp 1 mới đã đi vào nền nếp...

Sau thời gian đầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới, với sự điều chỉnh và nỗ lực từ bản thân mỗi giáo viên, việc triển khai dạy và học theo chương trình lớp 1 mới đã đi vào nền nếp. Hết học kỳ I, đánh giá tại một số trường, giáo viên nói dạy học “dễ thở” hơn, chất lượng không chênh so với chương trình cũ.
 
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đạ K’Nàng đọc trơn tru tiếng Việt sau một học kỳ thực hiện dạy và học theo chương trình mới
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đạ K’Nàng đọc trơn tru tiếng Việt sau một học kỳ thực hiện dạy và học theo chương trình mới
 
Năm học 2020 - 2021 đã đi qua học kỳ I, đó cũng là chừng ấy thời gian sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được đưa vào giảng dạy. Dưới sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới đã được ngành giáo dục tỉnh chủ động triển khai từ đầu năm học. 
 
Trước đó, sau 1 - 2 tháng đầu triển khai, nhiều phụ huynh, kể cả giáo viên cho rằng chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới quá nặng nhưng theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, kết quả đánh giá sau một học kỳ đầu tiên không quá khác biệt so với năm học trước. 
 
Cô Mai Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Thiện (Phường 8, TP Đà Lạt) cho biết: Kết quả kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh lớp 1 qua học kỳ I của nhà trường cho thấy, khả năng học tập, tiếp thu của học sinh lớp 1 năm học này so với các năm trước không có nhiều cách biệt, kết quả trên trung bình. 
 
Cụ thể, kết thúc học kỳ I, nhà trường chỉ có 7/182 em học sinh chưa hoàn thành được mục tiêu chương trình học. Trong đó, 4 em chưa hoàn thành môn Toán, 7 em chưa hoàn thành môn Tiếng Việt. Trong khi con số này ở năm học 2019 - 2020 là 8 em, với 6 em ở môn Toán và 8 em môn Tiếng Việt. 
 
Theo cô Thủy, tại TP Đà Lạt, 100% các trường học chọn sách Toán và Tiếng Việt thuộc bộ sách “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam do các tác giả phía Nam biên soạn. Theo nhận định chung, các bộ SGK mới có bố cục, hình thức trình bày sinh động, đẹp hơn bộ SGK cũ. 
 
“Qua các lần dự giờ, thăm lớp, tôi nhận thấy học sinh không gặp nhiều khó khăn khi học theo chương trình mới. Đồng thời, nếu học sinh có sự quan tâm của gia đình thì đọc rành hơn năm trước”, cô Thủy cho hay. 
 
Để minh chứng cho điều này, chúng tôi đến thăm lớp 1A, Trường Tiểu học Đa Thiện trong một tiết học môn Tiếng Việt. Tại đây, học sinh được mời ngẫu nhiên đứng lên đọc bài, một số được lên bảng để trải nghiệm. Kết quả, tất cả học sinh đều đọc trơn (đọc lưu loát không phải đánh vần) rất tốt.
 
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Đa Thiện, chia sẻ: Kết thúc học kỳ I, học kỳ đầu tiên học sinh lớp 1 tiếp cận với chương trình sách giáo khoa mới có khả quan. So với chương trình cũ, học sinh đọc trơn tốt hơn. Nếu dạy chương trình cũ, đến thời điểm này, một phút học sinh đọc trơn được hơn 20 từ. Trong khi học chương trình mới, kết thúc học kỳ I, học sinh đọc trơn một phút được khoảng 40 từ, nhiều gần gấp đôi. Kỹ năng tính toán cũng nhanh hơn. Ngoài ra, các em học sinh học chương trình mới cũng tự tin, chủ động tìm hiểu bài học hơn.
 
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Đạ K’Nàng (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông), qua sơ kết, đánh giá học kỳ I, học sinh lớp 1 năm nay vẫn học tập bình thường, việc sử dụng ngôn ngữ của các em vẫn rất tốt. 
 
Cô Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020 - 2021 Trường Tiểu học Đạ K’Nàng có 151, em học sinh lớp 1, trong đó, có gần 60% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhỏ các em chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên muốn dạy cho các em môn Tiếng Việt, trước hết phải dạy nói tiếng Việt. Khó khăn nhất là vấn đề phát âm. Chính vì vậy, học sinh và kể cả giáo viên chỉ vất vả hơn một chút trước khi các em bước vào lớp 1. 
 
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ K’Nàng, năm nay, ở giai đoạn trẻ 5 tuổi bị gián đoạn một thời gian vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Trong giai đoạn bị gián đoạn đó, trẻ không được vui chơi, làm quen nhận biết mặt chữ, mặt số nên khi bước vào lớp 1 gặp khó khăn hơn so với những năm trước. Khó khăn này là do khách quan chứ không phải do chương trình hay sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, tại thời điểm ra sách mới thì các đồ dùng phụ trợ cho việc giảng dạy chưa có, điều này cũng khiến quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh trong 1 - 2 tháng đầu chưa được thuận lợi. 
 
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua sơ kết, đánh giá xếp loại học kỳ I cho thấy, có 23 học sinh xếp loại hoàn thành tốt, 115 em xếp loại đạt, chỉ có 12/151 học sinh cần cố gắng thêm. Kết quả này của nhà trường tương đương so với những năm trước. 
 
Theo một số giáo viên chia sẻ, đối với một ngôi trường vùng xa như xã Đạ K’Nàng, việc bắt tay vào cái gì mới tất nhiên đều khó khăn. Khoảng tháng đầu tiên, chúng tôi cũng gặp khó vì cùng lúc quá nhiều công việc: Vừa tiếp cận sách giáo khoa mới, vừa phải thay đổi phương pháp dạy học, soạn bài… nhưng đến thời điểm này, khi mọi thứ “chạy trơn tru”, giáo viên quen hơn.
 
Ngoài ra, nhà trường lập nhóm zalo tương tác giữa giáo viên chủ nhiệm lớp 1 với phụ huynh học sinh. Sau mỗi bài học, giáo viên chủ nhiệm gửi thông tin về gia đình và đề nghị phụ huynh phối hợp với giáo viên thực hiện những phần việc nào để việc học tập tốt hơn. Cuối buổi dạy, các giáo viên lớp 1 và Ban giám hiệu cùng ngồi lại để xem hôm đó có vướng mắc gì không để giải quyết. Thậm chí, có giáo viên mong muốn được thêm tiết dự giờ để trao đổi kinh nghiệm.  
 
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với học sinh lớp 1 với nhiều điểm thay đổi liên quan đến sách giáo khoa, nội dung các môn học, thời gian học, phương pháp giảng dạy… 
 
Ban đầu tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới có nhiều bỡ ngỡ, nhưng qua một học kỹ thực hiện cho thấy, thầy cô sáng tạo, linh hoạt hơn trong dạy học, học sinh đã đạt được mục tiêu cơ bản của chương trình, đặc biệt tự tin hơn rất nhiều, chủ động hơn trong học tập. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn nếu có.
 
HOÀNG SA